Tính đến cuối tháng 11-2011, số người nhiễm HIV được phát hiện ở nước ta là 274.500 trường hợp, trong đó có trên 100.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 51.800 người đã tử vong vì AIDS. Tuy nhiên, đáng mừng là trong gần 4 năm trở lại đây, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của nhiễm HIV, khống chế thành công tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,26%, thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống AIDS đến năm 2010 và là nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp trong khu vực.
Trước thềm ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay (1-12), Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) chính thức công bố báo cáo phòng chống HIV/AIDS toàn cầu năm 2011 với rất nhiều kết quả tiến bộ. Nổi bật là số người nhiễm HIV toàn cầu giảm kỷ lục, xuống 21% so với năm 1997 là lúc đỉnh điểm của HIV. Cùng với đó, số trường hợp tử vong do những bệnh có liên quan tới AIDS cũng đã giảm xuống 21% kể từ năm 2005. Tiến bộ trong phòng chống HIV/AIDS còn được thể hiện trong công tác điều trị khi gần 50% những người có HIV, kể cả những sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng được chăm sóc bằng thuốc kháng virus ARV, có khả năng cứu sống họ và làm giảm số các ca nhiễm mới HIV...
Trước những thành tựu đạt được trong phòng chống căn bệnh thế kỷ này, UNAIDS đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011 - 2015 là “Ba không” - Hướng tới mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Theo Liên hiệp quốc, sở dĩ mục tiêu “Ba không” được đặt ra do số người nhiễm HIV ở một số vùng trên thế giới vẫn có xu hướng tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ hiểu chính xác các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Cùng với đó, số người tiếp cận được điều trị ARV dù đã tăng gấp 3 lần nhưng vẫn còn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa tiếp cận được loại thuốc có ý nghĩa sống còn này đối với người nhiễm. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn khá phổ biến tại nhiều quốc gia.
Đối với Việt Nam, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay là một sự kiện quan trọng, đánh dấu hơn 20 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, cùng với những kết quả thu được rất đáng khích lệ. Tính đến cuối tháng 11-2011, số người nhiễm HIV được phát hiện ở nước ta là 274.500 trường hợp, trong đó có trên 100.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 51.800 người đã tử vong vì AIDS. Tuy nhiên, đáng mừng là trong gần 4 năm trở lại đây, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của nhiễm HIV, khống chế thành công tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,26%, thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống AIDS đến năm 2010 và là nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp trong khu vực.
Mặc dù vậy, đánh giá mới đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục nhưng vẫn chưa bền vững. Mỗi năm cả nước vẫn phát hiện hơn 10.000 người mới nhiễm HIV, khoảng 5.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 2.000 người tử vong do AIDS. Hơn nữa, dịch HIV/AIDS tiếp tục lây lan qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai. Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn ở mức độ cao. Thực tế cho thấy, dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn diễn biến khó lường nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt.
Do đó, hưởng ứng và thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2011, Việt Nam đã quyết định chọn mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” để quyết tâm thực hiện. Trong đó việc kiểm soát lây nhiễm HIV trong cộng đồng được xem là ưu tiên hàng đầu của Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở nước ta giai đoạn 2011 - 2020. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi những biện pháp quyết liệt hơn: Tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức để chống lại căn bệnh thế kỷ này; triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại, dự phòng lây nhiễm, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS…
SGGP