Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 26/11/2011 10:47'(GMT+7)

Để kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và duy trì mức tăng trưởng hợp lý

* TP Hồ Chí Minh: Phát biểu tại Hội nghị bàn về kinh tế-xã hội được tổ chức ngày 25/11, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP cho biết, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của thành phố đạt khá và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010. Các công trình trọng điểm được tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội, trong đó nổi bật là công trình hầm vượt sông Sài Gòn. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Các đơn vị chức năng hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, đặc biệt các công trình trọng điểm, chiếm dụng nhiều diện tích mặt đường, nhanh chóng hoàn thành công trình đúng tiến độ để trả lại mặt đường thông thoáng, nhằm hạn chế phiền toái trong sinh hoạt của nhân dân. UBND các quận-huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các đoàn thể theo dõi tình hình hoạt động, trả lương thưởng cho người lao động vào dịp cuối năm 2011. Kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, giải tỏa những bất đồng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, không để xảy ra đình công, lãn công, làm đình trệ sản xuất-kinh doanh, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp tích cực chuẩn bị đủ nguồn hàng và đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán cổ truyền năm 2012…

Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đã tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố biến động giá còn tăng 7,2%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 24,44 tỷ USD, đạt mức tăng 18,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,4%,; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 6,4% so với cùng thời gian này năm trước.

* Ngày 25/11, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tham gia góp ý kiến phản biện vào Dự thảo danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Thành phố. Đây là văn bản do UBND thành phố chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố dự kiến khai mạc ngày 7/12/2011.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình với đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội, công tác an - ninh quốc phòng của thành phố năm 2011. Năm 2011, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10,13%. Lạm phát được kiềm chế, từ chỗ giá tiêu dùng vào tháng 4/2011 tăng 3,28%, đến tháng 10 mức tăng chỉ còn 0,13%, thấp hơn mức tăng trung bình của cả nước (0,36%). Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 123.600 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán HĐND TP và vượt 9,3% dự toán Chính phủ giao. An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vấn đề an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, trong đó hơn 24.000 hộ được hỗ trợ thoát nghèo; hàng vạn gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời… N hiều ý kiến cơ bản nhất trí với Kế hoạch phát triển KTXH năm 2012 do UBND Thành phố dự kiến.

Về 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội đề nghị trong năm 2012 chọn vấn đề đảm bảo trật tự giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là khâu ưu tiên, tập trung giải quyết. “Nếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp đồng bộ chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Lợi khẳng định.

Liên quan đến danh mục các dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011-2015, đa phần ý kiến đề nghị cần rà soát lại 500 dự án chuyển tiếp trong số hơn 1.000 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn này. Các đại biểu cũng lo lắng do khó khăn chung của quốc tế và trong nước thì không dễ dàng huy động vốn để thực hiện thành công các dự án; đề nghị tập trung đầu tư vào những công trình trọng điểm, trọng yếu, có đủ điều kiện để tránh dàn trải. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ-Môi trường Hà Nội, cần ưu tiên đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải như bến bãi đỗ xe, hệ thống xe công cộng; xây dựng 2-3 khu xử lý rác tập trung; hỗ trợ các vùng sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản; các công trình tiêu úng, không để thành phố bị ngập úng khi có mưa lớn.

Theo Tờ trình của UBND thành phố, trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến triển khai trên 1.000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản do Thành phố quản lý (trong đó có khoảng 500 dự án chuyển tiếp). Trong đó có 446 dự án thuộc lĩnh vực phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; 11 dự án thuộc lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội; 306 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn; 15 dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ - thông tin và truyền thông; 35 dự án thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng và nội chính. Tổng mức đầu tư khoảng 569.114 tỷ đồng, nhưng tổng khả năng cân đối và huy động của ngân sách Thành phố trong 5 năm 2011-2015 dự kiến có thể ở mức 370.000 tỷ đồng.

* Điện Biên vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% đạt 100% kế hoạch năm. Đó là kết quả tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Điện Biên. Theo đó, ước tính đến thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, chỉ số giá cả có xu hướng giảm dần về cuối năm. Dự ước tổng sản phẩm (GDP) đạt 2.221 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2010. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa nước, song tổng diện tích lúa gieo cấy vẫn tăng trên 1.000 ha với tổng sản lượng cây có hạt cả năm gần 226.000 tấn.

Do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh và đợt rét hại đầu năm xảy ra tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến tốc độ của đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Nhiều lĩnh vực như thủy điện, dịch vụ du lịch, thương mại, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng rừng... tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và xúc tiến cơ hội đầu tư. Trong 41 dự án được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006 đến nay, đã có 12 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 7 dự án đang thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh việc duy trì ổn định việc làm cho người lao động, đã có trên 8.000 việc làm mới được tạo ra cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh Điện Biên. Thực hiện Nghị quyết 30a và Quyết định 167 của Chính phủ, đến thời điểm này tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ, làm xong nhà ở cho trên 11.000 hộ nghèo, trong đó tại 4 huyện nghèo đã có 93% số hộ cần làm nhà đã được dọn về nhà mới. Đáng chú ý trong đó, với tỷ lệ 50,01% số hộ nghèo, tỉnh Điện Biên đứng đầu cả nước về tỷ lệ hộ nghèo thì trong năm đã giảm xuống còn 46%, đạt kế hoạch đặt ra của năm 2011.

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Điện Biên đặt ra một số giải pháp trọng tâm trong năm 2012 gồm: Đẩy nhanh tiến độ các công trình thuỷ lợi trọng điểm bằng nguồn trái phiếu Chính phủ kết hợp với các nguồn lực đầu tư; sớm hoàn thành công tác qui hoạch đất nông - lâm nghiệp cho nông dân làm cơ sở liên doanh liên kết phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày; khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án thăm dò khai thác khoáng sản, triển khai nguồn vốn xây dựng cụm công nghiệp Na Hai để tạo mặt bằng cho các dự án đã được đăng ký; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thị trường giá cả, triển khai đồng bộ các chính sách của Chính phủ để điều tiết thị trường, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm tăng cường thu hút du khách đến Điện Biên, mở rộng liên kết để hình thành các tuor du lịch với những khu vực tiềm năng, nhất là với ngành du lịch tại cố đô Luông Phra Bang của Lào; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội nâng cao đời sống nhân dân để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 42% trong năm 2012...

* Đồng Tháp: Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù bị ảnh hưởng của lũ nhưng với những lợi thế về sản xuất nông nghiệp cộng với các ưu tiên của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu nên kinh tế của tỉnh vẫn phát triển khá, tốc độ tăng trưởng (GDP) năm 2011 ước đạt 13,94% vượt so với kế hoạch đề ra là 13%.

Năm 2011, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp phát triển theo chiều sâu và giành thắng lợi trên nhiều mặt, đặc biệt là sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản. Riêng sản lượng lúa đã đạt trên 3 triệu tấn; sản lượng cá tra nguyên liệu đạt trên 350 nghìn tấn, góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính đến giữa tháng 11, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu được gần 267.000 tấn gạo, tăng 26,8% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt 127 triệu đô USD, tăng 39,4% và nhờ lợi thế về giá nên kim ngạch đã tăng vượt lên gần 40% so với cùng kỳ.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, các chỉ tiêu trong năm 2011 của ngành cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nổi bật là tình hình xuất khẩu với 02 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Hiện giá gạo tương đối ổn định, tuy nhiên nguyên liệu cho chế biến thủy sản đang thiếu cục bộ do lũ. Trước nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao, các doanh nghiệp trong tỉnh đang chủ động tăng giá xuất, đẩy giá nguyên liệu lên cao, hiện giá cá tra nguyên liệu là 26.000 – 27.000 đồng/ký, có khi lên đến 28.000 đồng/ký. Cùng với kết quả trên là tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tăng 7,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 30% và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2010... Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2011, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2012. Trong đó, các ngành y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông vận tải cần triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai, dịch bệnh và khắc phụ hậu quả sau lũ. Ngành công thương tập trung theo dõi, giám sát tình hình lưu chuyển hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết, hạn chế hàng gian hàng giả.

Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, năm 2012 tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiều chỉ tiêu như: GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.000 USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tổng thu ngân sách đạt 3.800 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, chiếm 29,5% GDP...; tập trung đào tạo nguồn lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư để tạo ra xung lực mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2012. UBND tỉnh cũng phân công công việc cụ thể cho từng ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đầu tư vào mô hình sản xuất cánh đồng hiện đại, vùng nuôi tôm trên ruộng lúa và thực hiện đề án khai thác lợi thế mùa nước nổi để phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết trong hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, trong đó có kế hoạch cụ thể và lộ trình thực hiện. Sở Giao thông vận tải khảo sát ngay những tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để có biện pháp khắc phục, giảm thiểu tai nạn.. ./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất