Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 21/11/2011 21:30'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Tiêu chí về mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của hộ dân vùng núi cao hơn đồng bằng là chưa hợp lý

Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, ông Hồ Xuân Hùng - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo mô hình thí điểm nông thôn mới đã đề nghị tỉnh Điện Biên rà soát lại các tiêu chí còn lại, đôn đốc chỉ đạo thực hiện hoàn thành nốt những tiêu chí còn lại và kết thúc vai trò của Ban chỉ đạo; thực hiện việc hoàn chỉnh báo cáo tổng kết để làm rõ hơn nữa các bài học kinh nghiệm, chuẩn bị cho thực hiện Chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới ở qui mô lớn hơn.

Theo kế hoạch, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí ở mô hình thí điểm nông thôn mới xã Thanh Chăn. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo của tỉnh cũng nêu một số kiến nghị với Trung ương cần rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh Điện Biên, không nên cứng nhắc quá vì các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất khó thực hiện. Điển hình trong đó là các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với tỷ lệ đóng góp Nhà nước 70%, nhân dân 30%. Với điều kiện kinh tế của các hộ gia đình miền núi còn khó khăn, trong khi các cụm dân cư thường ít hộ hơn vùng đồng bằng, quãng đường liên thôn bản xa hơn, nhiều đèo dốc, sông suối hơn, nên khi chia tỷ lệ đóng góp, những hộ dân miền núi bao giờ cũng phải đóng góp nhiều hơn vì tổng kinh phí lớn mà số hộ tham gia đóng góp lại ít.

Tiêu chí về cơ cấu lao động nông nghiệp nhỏ hơn 45% là không phù hợp, vì địa bàn miền núi, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp luôn chiếm trên 65%. Do tại địa bàn vùng cao, dân cư thưa thớt, nên tiêu chí về chợ nông thôn cần xem xét lại, xây dựng chợ phải theo nhu cầu thực sự của người dân, nếu cố tình xây lên thì chợ xây xong không có người họp sẽ gây lãng phí nguồn vốn và đất đai. Tiêu chí về thu nhập không phù hợp, bởi thực tế hiện nay, thu nhập tại thành phố Điện Biên Phủ và các thị trấn đạt trên 1.000 USD, song vùng nông thôn chưa nổi 500 USD/người, nên tiêu chí này rất khó thực hiện...Tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Chính phủ xem xét mức hỗ trợ cho hoạt động của Ban quản lý cấp xã, bởi chế độ hiện nay chưa dáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ đặc biệt đối với các tỉnh miền núi do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện của cán bộ cấp xã.

Xã Thanh Chăn được lựa chọn là 1 trong 11 xã của toàn quốc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Đây là xã biên giới ở phía Tây lòng chảo Điện Biên với trên 1.150 hộ dân thuộc 2 dân tộc chính là Thái và Kinh, cùng một số hộ dân tộc khác sinh sống. Trước khi triển khai xây dựng chương trình, địa phương này chỉ có 2 trong 19 tiêu chí là y tế và giáo dục đạt yêu cầu, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn trên 17%. Qua 2 năm thực hiện thí điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có 9 tiêu chí đạt yêu cầu, 7 tiêu chí đạt một số nội dung và 3 tiêu chí chưa đạt là: chợ nông thôn, thu nhập bình quân đầu người và cơ cấu lao động.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên: xã Thanh Chăn được đầu tư thực hiện Chương trình với tổng kinh phí gần 92 tỷ đồng, trong đó có 3,7 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và trên 14 tỷ đồng là vốn đóng góp của nhân dân. Qua 2 năm thực hiện, đã có 9 tiêu chí về qui hoạch, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hoá, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội đảm bảo, tiêu chí về bưu điện đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 7,86% theo chuẩn mới. Các tiêu chí khác đạt một số nội dung như đường giao thông xã được bê tông hóa, song đường trục thôn xóm, đường trục chính nội đồng chưa đạt yêu cầu; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, song mới có 50% kênh mương do xã quản lý được bê tông hóa; tỷ lệ hộ được sử dụng điện an toàn đạt 95%. Tuy nhiên hệ thống điện chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; có trường tiểu học đạt tiêu chuẩn quốc gia, còn trường mầm non, THCS có cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn. Tiêu chí về y tế trước khi bắt đầu chương trình đã đạt do xã đã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2006, song nay lại bị loại vì theo Quyết định 3447 năm 2011 của Bộ Y tế thì Y tế xã không đạt chuẩn...

Kết quả đáng trân trọng nhất khi xây dựng mô hình là mặc dù đồng bào trong xã Thanh Chăn còn rất nghèo, song khoản kinh phí đóng góp của người dân tham gia lên tới trên 14 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng kinh phí. Nếu tính cả đóng góp bằng tiền mặt và ngày công lao động và hiến đất thì mỗi hộ đóng góp vào chương trình trên 12 triệu đồng. Ông Giàng A Tính - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên cho biết: Trong quá trình kiên trì vận dộng, người dân trong xã đã hiểu và tự giác tham gia hưởng ứng, đóng góp trên 10.000 ngày công làm đường giao thông, giúp đỡ người nghèo làm nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Có nhiều gia đình hiến tặng hàng chục ha đất phục vụ công trình dân sinh, điển hình như gia đình ông Lò Văn Sơn, Lò Văn Muôn, bà Lò Thị Vân...

Đánh giá kết quả triển khai Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới xã Thanh Chăn, UBND tỉnh Điện Biên đã tặng Bằng khen cho tập thể Công an xã và 5 cá nhân trong Ban chỉ đạo vì những thành tích xuất sắc khi tham gia thực hiện Chương trình. /.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất