Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 11/7/2010 9:17'(GMT+7)

Để Làng Văn hóa sức khỏe thực sự trở thành phong trào sâu rộng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phóng viên (PV): Xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe là chương trình phối hợp hành động lớn, trong đó Bộ Y tế giữ vai trò chủ đạo, đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nhất là cộng đồng cư dân nông thôn. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đạt được trong 7 năm qua là gì?

Ông Nguyễn Huy Nga: Phong trào Làng Văn hóa sức khỏe là một cách tiếp cận toàn diện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sự ra đời của Phong trào nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; vận động nhân dân tham gia các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, cải thiện môi trường sống, hạn chế dịch bệnh; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa và khu dân cư tiên tiến đạt được các tiêu chí về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xã hội lành mạnh.

Năm 2003 - 2004, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình Làng Văn hóa sức khỏe tại 6 tỉnh, thành phố, đến năm 2005, dự án mở rộng triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, và năm 2006 tiếp tục mở rộng thí điểm ra 18 tỉnh. Đến nay, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã được hướng dẫn và triển khai thực hiện phong trào. Bước đầu, phong trào đã thu hút được sự quan tâm hưởng ứng các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tích cực triển khai xây dựng phong trào và thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện. Phong trào Làng Văn hóa sức khỏe cũng đã nhận được sự quan tâm và phối kết hợp lồng ghép với các phong trào của các ban ngành, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Thanh niên Việt Nam, Hội Người cao tuổi.... Nhiều mô hình phối hợp triển khai được duy trì, nhân rộng, đã huy động được sự tham gia tích cực của các ban, ngành và cộng đồng như mô hình Câu lạc bộ “Nông dân văn hóa sức khỏe”, mô hình “Thanh niên sống khỏe, sống đẹp xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe”, Mô hình “Nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi”, mô hình “Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích”...

Nhiều địa phương đã đưa các tiêu chí sức khỏe lồng ghép trong các chương trình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương... Các chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia như: chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống bướu cổ, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng... đã lồng ghép, xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ thực hiện các tiêu chí sức khỏe phong trào, đồng thời, bố trí kinh phí xây dựng mô hình chỉ đạo điểm, gắn kết với tiêu chí của Làng Văn hóa sức khỏe.

Phong trào Làng Văn hóa sức khỏe là một bước đột phá trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai phong trào nhằm góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ, ngày 23 - 02 - 2005, của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

PV: Thưa ông, từ thực tiễn triển khai tại các địa phương, những vướng mắc nào đã nảy sinh, đòi hỏi phải tháo gỡ để phong trào phát triển?

Ông Nguyễn Huy Nga: Tại nhiều địa phương sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành văn hóa - thông tin và Mặt trận tổ quốc còn chưa chặt chẽ. Bên cạnh những tỉnh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình điểm về phong trào xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng, vẫn còn nhiều tỉnh chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, sự tham mưu của ngành y tế còn chưa tích cực... Do vậy, phong trào chưa thu hút được sự quan tâm và tham gia của các cấp chính quyền và người dân, chưa thực sự phát triển ở nhiều nơi và chưa mang tính bền vững. Nhiều địa phương còn xem nhẹ các hoạt động của phong trào trong các chương trình y tế tại địa phương.

Các tiêu chí sức khỏe của phong trào có tính toàn diện, bao gồm nhiều chỉ số sức khỏe, một số tiêu chí còn khó đạt được trong thời gian ngắn như: tiêu chí không hút thuốc lá, tiêu chí về tỷ lệ các công trình vệ sinh (nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh). Ngoài ra, nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn nên công tác vận động thực hiện các tiêu chí sức khỏe gặp không ít khó khăn. Một số địa phương vẫn còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu như sử dụng phân tươi để bón ruộng hoặc nuôi cá, sử dụng nhà tiêu một ngăn ở đồng bằng Bắc Bộ, hoặc cầu tiêu ao cá ở đồng bằng sông Cửu Long...

Mặc dù có sự hỗ trợ kinh phí do Bộ Y tế cấp hằng năm và các nguồn kinh phí hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, tuy nhiên nguồn kinh phí dành cho việc triển khai chương trình còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở chưa huy động được nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để bảo đảm duy trì hiệu quả bền vững của chương trình.

PV: Trang bị kiến thức để người dân tự có kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình, phòng chống các dịch bệnh là một trong những mục đích quan trọng của xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe. Xin ông cho biết, thời gian tới, công việc trên được tiến hành ra sao, cùng với đó là những giải pháp khác nào để phong trào lan tỏa sâu rộng?

Ông Nguyễn Huy Nga: Trong thời gian tới, xây dựng mô hình Làng Văn hóa sức khỏe cần tập trung những nội dung sau: Phát triển y tế dự phòng. Thực hiện tốt phong trào vệ sinh, phòng bệnh và các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS và các dịch bệnh mới phát sinh. Trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người dân có khả năng chủ động phòng bệnh và rèn luyện nâng cao sức khỏe. Bố trí mạng lưới bệnh viện theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh không lệ thuộc vào địa giới hành chính của nơi cư trú. Mở rộng các hình thức chăm sóc sức khỏe tại nhà, bác sỹ gia đình, chăm sóc người già cô đơn, người tàn tật; đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”.

Tiếp tục đưa các hoạt động văn hóa - thông tin - thể thao, nhất là các kiến thức về sức khỏe tới các Làng văn hóa sức khỏe ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; phát động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hóa. Xây dựng cụ thể các tiêu chí: ăn sạch, ở sạch, uống sạch... Thực hiện có hiệu quả Chương trình Xóa đói, giảm nghèo. Quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo, làng nghèo; nhất là điện - đường - trường - trạm. Làm cho mô hình Làng văn hóa sức khỏe, giảm tối thiểu người ốm đau, bệnh tật, không còn người mù chữ và tái mù chữ; chăm lo bảo vệ và cải thiện môi trường. Bảo đảm cho các Làng văn hóa sức khỏe người dân được sống trong môi trường tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, nội dung và các tiêu chí của phong trào. Vận động các tầng lớp nhân dân chủ động tích cực tham gia, phấn đấu đăng ký đạt các tiêu chí gia đình sức khỏe, làng sức khỏe, khu dân cư sức khỏe, thực hiện xã hội hóa công tác y tế.

Theo đó, một số giải pháp cụ thể được Bộ Y tế đặt ra như:

Một là, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường chỉ đạo việc triển khai thực hiện phong trào; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động xây dựng phong trào Làng Văn hóa sức khỏe.

Hai là, nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện trong công tác truyền thông xây dựng phong trào. Tăng cường xã hội hóa, lồng ghép các chương trình, dự án, đẩy mạnh việc triển khai rộng rãi phong trào cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng.

Ba là, tăng mức đầu tư kinh phí cho phong trào xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho việc xây dựng phong trào; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng phong trào trên toàn quốc./.

TCCS điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất