Để lễ hội đi vào nề nếp, thực sự là nơi gìn giữ và phát huy giá trị văn
hóa, đã đến lúc cần minh bạch thế nào là lễ hội truyền thống, thế nào là
lễ hội hiện đại.
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Xuân Giáp Ngọ dường như lễ hội đến sớm. Từ những ngày đầu tháng giêng, du khách thập phương đã đổ về một số lễ hội nổi tiếng và chớm xuất hiện chuyện vui buồn xung quanh lễ hội đầu xuân. Một số báo mạng đưa tin, một thanh niên đã bị đâm chết tại lễ hội chùa Hương (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chiều 5/2. Lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương (Hà Nội) khai mạc mùng 6 Tết Giáp Ngọ... tái diễn tình trạng bắt chẹt du khách, nhan nhản các trò chơi cờ bạc có thưởng..., gây bức xúc trong dư luận.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do nhân dân sáng tạo ra. Có rất nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa, nêu cao truyền thống dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Như lễ hội xuống đồng ở một số tỉnh phía Bắc, các vị lãnh đạo địa phương cùng đi cày, đi cấy với người dân. Các tỉnh duyên hải miền Trung có lễ hội cầu ngư. Ngư dân ra biển trong không khí háo hức, cầu mong có được vụ cá bội thu.
Tuy nhiên, có nhiều lễ hội nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc đang bị thương mại hóa, gây phản cảm, không gian lễ hội ngày một quá tải, tình trạng “buôn thần bán thánh” diễn ra tràn lan. Cảnh cả ngàn người lao vào cướp lộc, cướp lễ ở Đền Trần (Nam Định), dịch vụ “chặt chém” tại chùa Bái Đính, hàng quán treo lủng lẳng thịt thú rừng ở chùa Hương; tình trạng đốt đồ mã, khấn thuê, khấn mướn tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hay Phủ Giầy (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương)… đã và đang trở thành nỗi nhức nhối. Sự vô ý thức của một số người đang làm mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.
Từ nhiều năm nay, ngành văn hóa cùng các cấp chính quyền nơi có lễ hội đã thực hiện nhiều giải pháp với hy vọng đưa công tác quản lý lễ hội đi vào quỹ đạo, như điều chỉnh phân cấp quản lý lễ hội theo nguyên tắc Nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô, tần suất tổ chức; không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các lễ hội ngành nghề, lễ hội mang tính sự kiện; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã… Dẫu vậy, những kết quả mang lại không được như mong đợi. Một số hiện tượng tiêu cực, làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội như tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan... Dù ngành văn hóa đã sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát…, tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội vẫn chưa được ngăn chặn.
Đứng trước thực trạng các lễ hội bị trần tục hóa, nhiều ý kiến đề nghị cần tiến hành kiểm kê, tiến tới việc phân cấp, như lễ hội nào là cấp nhà nước, lễ hội nào của tỉnh và lễ hội nào của làng. Theo một chuyên gia thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, điểm yếu trong việc quản lý lễ hội hiện nay, đó là chưa có cơ sở dữ liệu khoa học và quan điểm tiếp cận đúng. Chúng ta mới chỉ biết rằng có từng ấy lễ hội, nhưng giá trị của các lễ hội đó đến đâu thì hiểu không thấu đáo. Lễ hội đã mai một, đã mất chủ thể, mất đi không gian lễ hội thì có cần thiết phục dựng lại hay không? Và việc phục dựng có thực sự xuất phát từ ý nguyện của người dân hay không?
Để lễ hội đi vào nề nếp, thực sự là nơi gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, đã đến lúc cần minh bạch thế nào là lễ hội truyền thống, thế nào là lễ hội hiện đại. Bởi nếu không nhận diện rõ lễ hội mà chúng ta đang có, phân cấp rõ ràng, thì việc quản lý vẫn mãi đi vào ngõ cụt. Không thể ứng xử với văn hóa, trong đó có lễ hội, bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, song nếu thiếu mô hình quản lý lễ hội phù hợp thì bức tranh lễ hội khó có thể sáng sủa hơn./.
(Theo: Tin tức)