Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 29/1/2014 15:35'(GMT+7)

Đổi mới có là quy luật vận động của công tác tuyên giáo?


Gần kề năm mới 2014, tôi nhận được từ Ban Biên tập Tạp chí  Tuyên giáo một “đơn đặt hàng”: Xin viết cho số Tạp chí đầu năm một bài về tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo.

Tôi có chút băn khoăn. Chủ đề này có gì mới? Ba năm qua, kể từ Đại hội XI của Đảng đến nay, đã biết bao lần Tạp chí Tuyên giáo đề cập tới vấn đề này. Bản thân tôi, năm 2012, đã có bài viết nhan đề là: “Làm gì để đổi mới công tác tuyên giáo?” Bài báo nêu rõ: Muốn đổi mới công tác tuyên giáo, trước hết phải đổi mới tư duy về công tác tuyên giáo. Thứ hai là đổi mới phương thức và phong cách làm công tác tuyên giáo. Thứ ba là đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo. Thứ tư là đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và có chính sách khuyến khích thích hợp đối với cán bộ tuyên giáo.

Nay đọc lại, thấy các quan điểm và nội dung nêu trong bài báo đó vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Vậy trong bài báo mới này, làm thế nào để tránh được sự trùng lặp, tránh viết lại những gì đã viết?

Tôi thử chọn một cách tiếp cận mới, từ một góc nhìn mới và nhằm trả lời một câu hỏi mới: Đổi mới có là quy luật vận động của công tác tuyên giáo?

Trước hết, xin bắt đầu từ nhận thức chung về đường lối đổi mới của Đảng và về nhiệm vụ tự đổi mới, tự chỉnh đốn của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

1. Đổi mới là quá trình cách mạng mang tính tất yếu lịch sử

Gần ba thập niên qua, kể từ ngày Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, có năm nào, tháng nào, ngày nào nhân dân ta không nói đến đổi mới. Đổi mới xuất hiện trên các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cuộc sống hàng ngày của toàn xã hội. Cuộc sống cũng cho thấy, ở đâu có đổi mới và đổi mới đúng hướng thì ở đó có tiến bộ và phát triển; ngược lại, ở đâu không có đổi mới thì ở đó trì trệ và thụt lùi.

Nhưng để nắm bắt một cách căn cơ bản chất, tầm cao và chiều sâu đường lối đổi mới của Đảng thì không phải ai cũng làm được. Bản thân Đảng ta cũng chưa bao giờ coi đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội VI là “nhất thành bất biến”.

Trải qua 5 kỳ Đại hội nối tiếp nhau, từ khoá VII, VIII, IX, X đến khoá XI, Đảng ta luôn không ngừng thông qua tổng kết thực tiễn và lý luận để bổ sung và phát triển đường lối đó, làm cho nó ngày càng đúng hơn, tốt hơn chứ không coi đó là hoàn hảo rồi.

Đổi mới được hiểu không chỉ là những thay đổi nhỏ lẻ, riêng biệt, có tính cục bộ, nhất thời mà là tổng thể những thay đổi có ý nghĩa cách mạng nhằm đưa đất nước, xã hội và con người tiến lên.

Đổi mới không chỉ bao quát một vài lĩnh vực mà là trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thành tựu của đổi mới trong mấy chục năm qua được khẳng định là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Về thực tiễn, đó là bộ mặt của đất nước đã có sự thay đổi căn bản và toàn diện. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên nhiều. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Về lý luận, đó là nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Chính trên cơ sở tổng kết hơn 80 năm hoạt động cách mạng của Đảng, trong đó có 25 năm đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã có đủ căn cứ để nêu lên 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Cương lĩnh cũng nêu lên 8 phương hướng cơ bản để xây dựng xã hội ấy trong thời kỳ quá độ, giai đoạn mấy chục năm trước mắt.

Về tính tất yếu của thời kỳ quá độ, Cương lĩnh nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới, nhằm tạo ra sự biến đổi về chất tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau”.

Thông qua Cương lĩnh, có thể hiểu đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng là thống nhất. Cũng có nghĩa, đổi mới là một quá trình cách mạng mang tính tất yếu lịch sử.

2. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng

Trước nay, ta vẫn nói tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Điều đó không những đúng về lý luận, mà còn đúng cả với thực tiễn, trước đã đúng nay vẫn còn đúng.

Điều tôi muốn nói thêm ở đây là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Với cách mạng Việt Nam, Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, kể từ ngày Đảng ra đời (1930). Với Nhà nước ta, Đảng ta là Đảng cầm quyền, kể từ ngày đất nước giành được độc lập, tự do (1945).

Với vai trò to lớn, và vị trí quan trọng đó của Đảng, Cương lĩnh, trong khi nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta, đã nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Cương lĩnh cũng nêu rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo…”.

Trong thực tế lãnh đạo, từ ngày đổi mới đến nay, Đảng ta luôn coi xây dựng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt.   

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng lại chủ trương tự đổi mới, tự chỉnh đốn? Có phải đây là Đảng “đóng cửa bảo nhau”, tự mình làm lấy việc đổi mới, chỉnh đốn mà không cần đến ai? Không. Hoàn toàn không. Đảng ta luôn cho rằng cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Như vậy, để đổi mới, chỉnh đốn Đảng thành công, nhất định phải dựa vào nhân dân, tin ở nhân dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Nói Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn là có ý nói Đảng chủ động, tự giác tiến hành công việc này, vì sự đòi hỏi của bản thân Đảng, chứ không phải vì áp lực của bất cứ thế lực nào ở bên ngoài. Một câu hỏi khác: Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là một nhiệm vụ để xây dựng Đảng hay là vấn đề có tính quy luật đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng.

Câu hỏi tương tự như vậy đã từng được đặt ra khi Đảng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó coi kiểm điểm tự phê bình và phê bình là giải pháp quan trọng đầu tiên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nói tự phê bình và phê bình là quy luật hay nguyên tắc là nói đến sự vận động nội tại của Đảng cách mạng, với tư cách là một cơ thể sống, một thực thể chính trị xã hội đặc thù. Còn nói tự phê bình và phê bình là phương pháp (hay giải pháp) trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nói đến cách thức tổ chức, hành động xuất phát từ quy luật, nguyên tắc và nhằm đáp ứng cho được đòi hỏi của thực tiễn. Hai cách nói đó không có gì mâu thuẫn nhau.

“Tự đổi mới, tự chỉnh đốn” có nội hàm rộng hơn tự phê bình và phê bình, về bản chất, là sự vận động nội tại của Đảng. Cho nên, hoàn toàn hợp với lô-gic khi nói “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

3. Đổi mới là quy luật vận động của công tác tuyên giáo

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội XI của Đảng đã nêu lên 8 nhiệm vụ quan trọng. Ba nhiệm vụ đầu tiên là: (1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. (2) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận. (3) Rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Ba nhiệm vụ này có liên quan trực tiếp đến công tác tuyên giáo và thuộc lĩnh vực công tác tuyên giáo phụ trách. Các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tuy không thuộc lĩnh vực phụ trách của mình, nhưng công tác tuyên giáo vẫn có trách nhiệm, thông qua tuyên truyền, vận động làm cho các nhiệm vụ ấy được nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn để các cấp, các ngành đều ra sức thực hiện.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) từng có một định nghĩa rất chính xác: “Công tác tư tưởng, lý luận (nói rộng ra là công tác tuyên giáo) là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ… Khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức”.

Định nghĩa này và hệ thống các nhiệm vụ xây dựng Đảng do Đại hội XI đề ra, thực sự là cơ sở để chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy về công tác tuyên giáo.

Trở lại chủ đề của bài báo này, có thể rút ra hai kết luận:

Một là, để xứng đáng là “bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng” và “lĩnh vực trọng yếu” như Đảng đã nêu trên, công tác tuyên giáo phải cố gắng hết sức mình để góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước nói chung và cho xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.

Hai là, để làm tốt nhiệm vụ ấy, công tác tuyên giáo phải tự đổi mới mình, đổi mới một cách thường xuyên, liên tục, đổi mới từ tư duy đến hành động.

Mấy chục năm qua, sở dĩ công tác tuyên giáo đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đó là nhờ có sự đổi mới cần thiết. Nhưng công tác tuyên giáo vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, có những hạn chế yếu kém kéo dài, nói đi nói lại nhiều lần mà chưa khắc phục được, đó là do đổi mới chưa đủ độ.

Những người làm công tác tuyên giáo cần hiểu rõ: Đổi mới hay không đổi mới không xuất phát từ ý muốn chủ quan của mỗi người mà là từ đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Công tác tuyên giáo mà không đổi mới, không tiến lên thì sẽ trở nên lạc hậu, không còn giữ được vai trò tiên phong, do đó cũng sẽ không còn lý do để tồn tại.

Nếu hiểu tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng thì cũng có thể hiểu đổi mới là quy luật vận động và phát triển công tác tuyên giáo.

Xin nêu lên vài ý kiến để chúng ta cùng suy ngẫm./.

Hà Đăng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất