Việc lấn chiếm, xâm hại các khu di tích ở nước ta trước hết là do nhận
thức về giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc ở không ít người còn thấp.
Họ chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà sẵn sàng xâm hại các khu di
tích. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm, chăm
lo đến việc giữ gìn, bảo tồn di tích; lơi là trong giáo dục, tuyên
truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị của các di tích.
Thời gian qua, việc xâm hại, lấn chiếm các khu di tích ở các địa phương trong cả nước đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có từ 80%-85% số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi về Bộ liên quan đến việc lấn chiếm đất đai các khu di tích. Các hình thức lấn chiếm, xâm hại di tích rất đa dạng. Người ta lấn vào khu di tích để lấy đất làm nhà, mở hàng quán, xây dựng các khu vui chơi giải trí, hay nuôi trồng thủy sản. Việc lấn chiếm cơ bản là do các tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện.
Việc lấn chiếm, xâm hại các khu di tích ở nước ta trước hết là do nhận thức về giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc ở không ít người còn thấp. Họ chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà sẵn sàng xâm hại các khu di tích. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến việc giữ gìn, bảo tồn di tích; lơi là trong giáo dục, tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị của các di tích. Việc bảo vệ, quản lý di tích cũng làm qua loa, lỏng lẻo. Không những thế, một số quy định về thẩm quyền quản lý, bảo tồn di tích của chúng ta còn có nhiều bất cập, chồng chéo, nên trách nhiệm bảo vệ di tích bị đùn đẩy, khi xảy ra sự việc thì đổ lỗi cho nhau. Vấn đề này đã khiến công tác giải quyết, xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Đó cũng là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh “dựng nước, giữ nước” hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những di tích ấy cũng là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa của nhân loại.
Giữ gìn, bảo vệ di tích luôn gắn với việc phát triển văn hóa, kinh tế và du lịch của địa phương. Vì vậy, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xâm hại các khu di tích là một việc làm rất cần thiết và cấp bách hiện nay.
Theo chúng tôi, muốn bảo vệ các khu di tích khỏi bị xâm hại, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó, cần phải làm tốt việc phân giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu di tích. Hiện nay, hầu hết các khu di tích bị lấn chiếm là do thiếu những cơ sở pháp lý này.
Chính quyền các cấp cũng cần ưu tiên dành quỹ nhà đất và kinh phí để hỗ trợ giải tỏa các hộ dân lấn chiếm các khu di tích. Dư luận rất mong Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn, bảo vệ các khu di tích và xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm hại di tích. Có như vậy, toàn dân mới biết trân trọng, gìn giữ những “báu vật” mà cha ông đã để lại cho chúng ta.
Phú Hưng (QĐND)