Tết Giáp Ngọ đã về với mọi nhà. Dù phải trải qua một năm nhiều gian khó nhưng nhà nhà, ai ai cũng đã có Tết. Cả guồng máy xã hội lo cho mỗi nhà, mỗi người. Đón nhận được sự chung lo ấy, một Tết vui, ấm lòng đã đến.
Những chuyến tàu, chuyến xe cuối cùng sẽ đưa những người khách cuối cùng về với gia đình, quê hương. Mong sao đừng để một ai lỡ chuyến. Những "bao gạo Chính phủ", những "tấm áo nghĩa tình", những khoản tiền trợ cấp đã đến từng ngôi trường vùng cao, những thôn làng miền lũ lụt, cùng các hộ dân nghèo, gia đình chính sách. Đừng để hạt gạo nào rơi vãi, đừng để tấm áo nào, đồng tiền nào chậm hay lạc ngoài các địa chỉ của tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Chúng ta đã từng suy nghĩ, tính toán làm cách gì để cái Tết nhẹ đi, không trở thành mối lo trĩu nặng cho mỗi gia đình và cả đất nước. Hướng suy nghĩ đó không sai nhưng văn hóa Tết Việt vốn và vẫn sẽ là giá trị lớn, bao quát và trường tồn. Tết Nguyên đán là Tết Cả, Tết Nhất, Tết to nhất trong mọi lễ Tết quanh năm, là tổng hòa của mọi yếu tố bản sắc dân tộc. Chúng ta mong muốn và sẽ làm từng bước, từng việc để giản lược, làm nhẹ đi cái Tết quá to và nặng, trước hết là những yếu tố nhiêu khê, cổ hủ không phù hợp hoặc những biến thái phiền nhiễu, tiêu cực như đã loại dần việc đốt pháo và đang phấn đấu triệt bỏ việc lợi dụng Tết nhất để biếu xén và nhận biếu tặng mưu đồ lợi ích riêng. Nhưng với những phần cốt lõi, căn bản của Tết, chúng ta không những không thể lược bỏ mà còn ngày càng cần làm trọn vẹn hơn, tốt hơn, xen vào đó là những yếu tố mới mẻ, văn minh.
Trước hết, Tết là dịp sum họp đầm ấm gia đình (nhỏ và lớn và họ hàng, làng xóm). Điều này là nguyện vọng lớn nhất của mọi nhà, mọi người. Điều này cũng lý giải sự gian nan, vất vả của hàng triệu người xa quê. Thứ hai, Tết Cả không phải là ngày thường, không phải là lễ, Tết mùa vụ, không thể có hay không cũng được, không thể "no đói cùng nhau" mà chí ít không giàu thì nghèo "đêm Ba Mươi Tết, thịt treo trong nhà"... Nhu cầu tinh thần và vật chất căn bản nhất của Tết Cả phải được đáp ứng. Vậy nên cả guồng máy xã hội phải đôn đáo, chạy hết công suất vì Tết và Tết của truyền thống thương người như thể thương thân, của sự sẻ chia chúng ta đã thực hiện những năm qua thể hiện được sự ưu việt của xã hội, sự chăm lo thiết thực cho dân dẫu khó khăn kinh tế vẫn chi phối nhiều điều, nhiều việc.
Năm nay Tết được nghỉ dài, ngay sau Tết là mùa lễ hội, việc lo Tết nhất, hội hè đình đám gắn liền, guồng máy xã hội không thể ngừng nghỉ. Tết bây giờ không chỉ có "ăn Tết" mà ngày càng phải lo "vui Tết", vui Xuân. Việc chợ búa, giá cả, việc y tế, giao thông... cho đến chuyện công việc, học hành, an ninh, an toàn mọi nhẽ không thể ngưng nghỉ, sao nhãng. Việc tổ chức vui Xuân, lễ hội cổ truyền và hiện đại, tổ chức du lịch trong, ngoài nước ngày càng trở nên quan trọng đối với xã hội. Làm tốt những việc này chính là cách làm Tết vui hơn, mới mẻ, văn minh hơn, làm nhẹ đi những lệ tục lạc hậu, những thói hư, tật xấu cờ bạc, mê tín dị đoan, rượu chè, ăn nhậu... quá đáng./.
Mạnh Hùng (QĐND)