Trên chặng đường lịch sử 72 năm xây dựng và trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, mỗi chiến công, mỗi bài học kinh nghiệm của đội quân cách mạng đều gắn liền với tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục và lời cổ vũ thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chiến công của quân đội ta đã, đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, thể hiện sâu sắc tầm cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, được bạn bè quốc tế khâm phục. Đó thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân đã trao tặng!
1. Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện quân đội cách mạng
Từ nhận thức sâu sắc rằng, chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, và sức mạnh của vật chất phải được đánh đổ bằng sức mạnh vật chất, phải “dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[1], trong hành trình tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng. Trên cơ sở những nguyên lý Mácxit - Lêninnít về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, đồng thời vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, vấn đề thành lập “Quân đội công nông”[2] đã được đề ra. Cũng theo Hồ Chí Minh, để giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, việc xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng là điều cơ bản nhất, là việc phải làm đầu tiên, rồi mới xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang. Đó chính là quan điểm “người trước súng sau”, là xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng để trên nền tảng đó xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, và tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đánh đuổi kẻ thù, giành lấy chính quyền.
Bắt đầu từ những đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xôviết- Nghệ Tĩnh, đến đội vũ trang Cao Bằng, du kích Nam Kỳ, Bắc Sơn (sau đổi thành Cứu quốc quân), Ba Tơ,…cùng với sự phát triển của tiến trình cách mạng, ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Với thắng lợi ban đầu (hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần), và từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động, đã phát triển từ đội thành đại đội, rồi đại đội chủ lực đầu tiên của quân đội ta…Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: tiền đồ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân rất vẻ vang, “nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[3]. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam giải phóng quân (do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp lại) đã cùng toàn dân vùng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa những người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, khi quân Pháp ngày càng lấn tới, khi không thể cúi đầu làm nô lệ, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân cả nước bước vào cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp; kiên trì vừa kháng chiến, vừa kiến quốc và tiếp đó là 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược…
Trong những năm tháng gian lao đó, với tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, với niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với ý chí “đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thực sự”, và quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quyết sạch nó đi”[4], quân đội ta đã ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu “với tinh thần miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam”, “hậu phương miền Bắc thi đua với tiền phương miền Nam”… Qua đó, tạo nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Cuối cùng, chớp đúng thời cơ, quân đội ta đã “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: phải vũ trang toàn dân đi đôi với xây dựng đội quân cách mạng. Phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc” của cha ông trong lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Lênin, khi có chiến tranh phải “biến cả nước thành một dinh luỹ cách mạng”, lực lượng vũ trang cách mạng được xây dựng bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hình thành thế trận bao vây và tiêu diệt địch. Ngày một phát triển về số lượng và nâng cao trình độ tác chiến, tài thao lược trên các chiến trường, đồng thời vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”,v.v.. quân đội ta ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước.
“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”, quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là đội quân của những người chiến sĩ dũng cảm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, gương mẫu về đạo đức, lối sống cả trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường và “gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sữa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”… Trong mọi hoàn cảnh, quân đội ta luôn là đội quân chiến đấu, là đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ: bộ đội chủ lực vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân, vừa dìu dắt bộ đội địa phương; bộ đội địa phương phối hợp hành động với bộ đội chủ lực, giúp đõ bộ đội chủ lực và dìu dắt dân quân du kích; còn dân quân du kích vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, vừa tự mình đánh giặc, trừ gian và tham gia sản xuất,v.v.. Đó cũng là đội quân luôn học tập để nâng cao năng lực toàn diện, “mỗi chiến sĩ từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”; trên dưới luôn đoàn kết một lòng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ cùng nhau, trên cơ sở thực sự phát huy dân chủ và thực hiện nghiêm túc phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” của Đảng trong điều kiện đặc thù của quân đội.
Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn xuất thân từ các tầng lớp nhân dân, và là con em của nhân dân, quân đội ta phải hết lòng yêu thương và kính trọng nhân dân, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam luôn “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, dựa vào nhân dân như “cá với nước”. Đó là những người chiến sĩ không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi. Mỗi chiến sĩ phải “luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức, trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”[5]. Đó cũng là những người lính “bộ đội cụ Hồ” sẵn sàng giúp dân về mọi mặt, xả thân vì nhân dân trong thời chiến cũng như thời bình nhưng quyết “không động đến cái kim và sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”... Đặc biệt, để tăng cường sức mạnh của đội quân cách mạng, công tác lãnh đạo của Đảng trong quân đội luôn được tăng cường, tinh thần đoàn kết thống nhất luôn được củng cố, kỷ luật được thực hiện nghiêm minh, tổ chức luôn chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo và nhất là chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan - “những người tướng giỏi của đoàn thể” luôn gương mẫu đi đầu, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì nhân dân, gắn bó với nhân dân, “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm” và “quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[6]. Đó là bản chất của quân đội cách mạng, cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, về tinh thần, về ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[7].
Không chỉ sáng lập và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn dành cho những người lính sự quan tâm đặc biệt. Người không chỉ dõi theo mỗi bước trưởng thành của quân đội; động viên họ rút kinh nghiệm trước mỗi trận ra quân chưa giành được thắng lợi; viết thư thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau thương mất mát với những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ; dành huy hiệu, nhiều phần quà và cả sổ tiết kiệm của mình tặng cho những người chiến sĩ để mua nước uống cho đỡ khát trong những ngày hè nóng nực năm 1967,v.v.. mà còn để lại tình thương yêu vô bờ bến của Người cho các lực lượng vũ trang, thân nhân các gia đình thương bệnh binh, liệt sĩ qua những điều trăn trở, những lời căn dặn đầy tâm huyết trong bản Di chúc lịch sử trước khi đi xa.
2. Tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện
Chiến tranh đã lùi xa, những thành tựu của một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, đi lên CNXH và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới luôn gắn liền với nguồn sức mạnh nội lực làm nên những chiến công vang dội của quân đội ta, của nhân dân ta. Nguồn sức mạnh đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản lĩnh chính trị vững vàng, là sự thấm nhuần đạo đức người cách mạng, là tinh thần đoàn kết và sự phấn đấu hy sinh của những người quân nhân cách mạng đã luôn được xây dựng và rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là quá trình trang bị và giáo dục cho những người quân nhân cách mạng về lý tưởng, mục tiêu, chủ trương, đường lối của Đảng, về nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó, để ừ nhận thức trở thành lý tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý chí và quyết tâm trong hành động theo định hướng chính trị của Đảng và sự kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc được ghi rõ trong Cương lĩnh chính trị và các Nghị quyết của Đảng.
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước đã tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu, để bảo đảm môi trường hòa bình cho sự phát triển bền vững đất nước. Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[8]. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, cần phải đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu để quân đội thật sự là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Trong quá trình xây dựng quân đội, một mặt, phải tránh tư tưởng nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bỏ “từng bước” để tiến thẳng lên hiện đại (không căn cứ vào khả năng thực tế của đất nước); không đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mối quan hệ biện chứng của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, tránh tư tưởng chủ quan, không thấy hết sự diễn biến của tình hình, sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự trên thế giới và yêu cầu “từng bước hiện đại” là quá trình liên tục, khẩn trương. Hiện đại hóa quân đội nhân dân đồng bộ cả con người và vũ khí, trang bị, trong đó chú trọng yếu tố con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “người trước, súng sau”… Đặc biệt, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là công việc quan trọng, hàng đầu phải được tiến hành thường xuyên, gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị; và sự vững mạnh về chính trị của quân đội thể hiện trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu và công tác; ở lập trường, quan điểm, hành động cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng… Muốn vậy, “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”[9]. Cùng đó, thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng Đảng bộ quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nghiêm túc, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Thực hiện đúng quan điểm, quy chế, quy định về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; gắn kiện toàn cấp ủy với xây dựng tổ chức chỉ huy, cán bộ chủ trì và xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.
Toàn quân phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tập trung thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; xây dựng, triển khai Đề án “Bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng lục quân đến năm 2020 và những năm tiếp theo” theo hướng hiện đại; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “Về đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”… Toàn quân tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ" với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và phong trào "Thi đua Quyết thắng", các cuộc vận động trong toàn quân, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; kịp thời lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng các mô hình, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn quân, nhằm tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, bảo đảm cho quân đội “miễn dịch” với các thủ đoạn nhằm “phi chính trị hóa” đi đến vô hiệu hóa quân đội; chia rẽ quân đội với nhân dân, quân đội với Đảng và Nhà nước, quân đội với công an. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời mọi thiếu sót, khuyết điểm. Đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các cuộc vận động trong toàn quân đạt hiệu quả thiết thực...
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao đối với việc xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Hơn bao giờ hết, càng nhiều cam go, thử thách, càng phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch, càng đòi hỏi chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội ta là “lực lượng trụ cột” của cách mạng, gắn bó với nhân dân, luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng với niềm tin yêu và quý trọng của nhân dân./.
TS Văn Thị Thanh Mai
-----------
[1] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1960, t.2, tr.466.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.3, tr.1.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.508.
[4] Hồ Chí Minh: Lời kêu gọi ngày 3/11/1968.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.330.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.350.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.350.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.20.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.171.