Đã 70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn vang vọng mãi với non song, đồng hành cùng dân tộc trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
1. “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 80 năm trời nô lệ, nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Song, những ngày tháng hòa bình không dài được bao lâu, ngày 23/9/1945, được sự trợ giúp của quân Anh vào giải giáp quân đội Nhật đầu hàng, thực dân Pháp đã nổ súng đánh Sài Gòn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhanh chóng lan rộng ra Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong tình thế hiểm nghèo, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân từng bước đi qua khó, khăn thử thách và tích cực chuẩn bị thực lực cho cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Kiên quyết, chủ động, linh hoạt nhưng mềm dẻo đồng thời thực hiện cả việc kháng chiến ở miền Nam và cứu đói, từng bước đẩy lùi nạn đói ở miền Bắc, xây dựng và củng cố nền dân chủ cộng hòa. Về đối nội và đối ngoại, một mặt, chúng ta tập trung tổ chức và tiến hành thắng lợi cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946, thành lập Chính phủ chính thức, soạn thảo và thông qua Hiến pháp 1946, chuẩn bị nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến, mặt khác tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để tranh thủ thời gian, biến thời gian thành yếu tố có lợi vừa để tránh cùng một lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù, vừa ngăn ngừa một cuộc chiến tranh đang đến rất gần.
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Hiệp định Sơ bộ Việt- Pháp ngày 6/3/1946 để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước và ký Tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 để tranh thủ quỹ thời gian hòa bình cho việc xây dựng thực lực. Tiếp đó, ngày 21/10/1945, Hồ Chí Minh đã điện gửi Chủ tịch Xtalin, ngày 22/10/1945 đã gửi thư cho Bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ lên án chính sách phản động, đầu hàng phát xít Nhật của thực dân Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai và âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp, khẳng định ý chí quyết tâm dấu tranh chống thực dân Pháp và khẳng định “nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận”[1]... Người cũng tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, gửi công hàm cho Chính phủ các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh để phản đối việc giúp Pháp tiến hành chiến tranh và “đề nghị các cường quốc lớn đó: thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương… tạo ra một nền tảng vững chắc cho hòa bình và an ninh ở khu vực này của thế giới…”[2].
Tuy nhiên, vào những ngày tháng cuối năm 1946, trong khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng nhân nhượng, nỗ lực cứu vãn nền hòa bình đang bị nguy cơ chiến tranh lan rộng đe dọa thì thực dân Pháp càng lấn tới. Không chỉ vi phạm các điều khoản đã được ký kết tại Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi trong các ngày 15, 16, 17/12/1946 ở Hà Nội như: đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính, gây ra nhiều vụ tàn sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông mà ngày 18/12/1946, Pháp còn chuyển cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bức tối hậu thư. Trong đó, chúng ngang ngược đòi ta phải phá bỏ những chướng ngại vật trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại; trao cho chúng quyền giữ trật tự trị an ở Hà Nội; để quân Pháp đến chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong Thành phố…và tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20/12/1946 quân Pháp sẽ hành động!
Trước tình hình cấp bách đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 18, 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: khả năng hoà hoãn đã hết và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Vì,“sự thật đã chứng minh rằng, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”[3].
Giờ hành động cứu quốc đã điểm, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”[4], kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước. Và ngay trong đêm đó, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ!
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Khi thiện chí hoà bình và mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình của Việt Nam đã bị thực dân Pháp khước từ và tỏ rõ ý đồ dùng vũ trang để xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Vận mệnh của Tổ quốc lâm nguy, độc lập, tự do bị đe dọa, với tinh thần “Tổ quốc trên hết”, “độc lập hay là chết”, Người đã kêu gọi đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” nhằm thực hiện mục đích “Việt Nam độc lập và thống nhất”. Không chỉ truyền cảm hứng, tinh thần và ý chí của một dân tộc khát khao hòa bình, độc lập, tự do không cam tâm làm nô lệ, Người còn khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi của một dân tộc đồng chí, đồng lòng: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Và mẫn cảm về chính trị, có niềm tin tuyệt đối vào tương lai tươi sáng của dân tộc, Người truyền đến mọi người Việt Nam yêu nước niềm tin tất thắng vào tương lai: “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm”[5].
Tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị mà đanh thép, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ, thấm sâu vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Vang vọng hồi kèn xung trận để cứu nước, Lời kêu gọi của Người chính là sự hiện thực hóa khát vọng yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta, nhân nguồn sức mạnh sục sôi và khí thế anh hùng cách mạng, trí tuệ của người Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vững vàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. 70 năm vang vọng lời hịch cứu nước, nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Vậy là, khi mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình đã không đem lại một nền hòa bình thực sự, khi những hành động hiếu chiến của thực dân Pháp đã buộc chúng ta phải chọn giải pháp chiến tranh, tiến hành kháng chiến trong toàn quốc, tạo thế chủ động tiến công địch, đêm 19/12/1946 lực lượng ta đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu trong thành phố Hà Nội. Việc hạ lệnh nổ súng tại Thủ đô Hà Nội đêm 19/12/1946 không chỉ cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt của Bộ chỉ huy tối cao vào tinh thần yêu nước, ý chí và quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Lời kêu gọi của Người và ngày 19/12/1946 - Toàn quốc kháng chiến đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta; thể hiện nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, sáng tạo và kịp thời.
Tạo thế chủ động tiến công địch, và việc thấu triệt tinh thần giam chân địch dài ngày tại Hà Nội, các thành phố và thị xã của quân và dân ta những ngày đầu tiến hành kháng chiến cũng chính là chúng ta đã một bước đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù; tạo điều kiện để các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội di chuyển về Việt Bắc an toàn, từng bước giành thế chủ động, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch… Gần 9 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân ta đã kết thúc bằng thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương ngày 20/7/1954.
Biết mở đầu và cũng biết kết thúc chiến tranh khi thời cơ đến, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên toàn thế giới. Chiến thắng đó đã tạo đà và cổ vũ quân dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm và kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp tục khát vọng hòa bình, tự do, công lý, kiên định mục tiêu dân tộc độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đồng chí, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhận thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, những bài học lịch sử quý giá từ những ngày đầu chuẩn bị và tiến hành toàn quốc kháng chiến: Về việc Đảng ta bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời đề ra chủ trương, đường lối kháng chiến đúng đắn; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, trong đó có lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; tranh thủ và kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, dân tộc và thời đại… trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn được khẳng định và vẹn nguyên giá trị thời sự. Đó chính những nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và sau 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã mạnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đã được khẳng định và ngày càng nâng cao. Song, các diễn biến nhanh nhạy, đa chiều do tình hình quốc tế và trong nước đã đưa đến cho đất nước ta không ít thời cơ và vận hội nhưng cũng buộc chúng ta phải phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, tiếp tục phát huy tinh thần và hào khí của sự đồng chí, đồng lòng, đồng tâm trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp thuở nào, kiên định con đường đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Vững bước trên con đường đổi mới”[6], “xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”[7]; “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước”[8]; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; “nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[9]…
Để tiếp tục xây dựng và phát huy tiềm lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và cả tiềm lực tinh thần của một dân tộc đã có truyền thống hàng ngàn năm văn hiến trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, quan trọng và cần thiết nhất vẫn là xây dựng một Đảng cách mạng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất với một chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc, có đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân; xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng phên dậu các tuyến biên giới của Tổ quốc... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, âm mưu, thủ đoạn của chúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…; biểu dương và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...Thông qua đó, đắp bồi tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng và củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ; xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” và sự đồng thuận của mọi người dân Việt Nam yêu nước trong hành trình thực hiện khát vọng về một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển nhanh, bền vững.
70 năm đã trôi qua, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, rất đỗi tự hào, song ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn vẹn nguyên giá trị; vẫn luôn là hồi kèn xung trận, cổ vũ, động viên quân dân cả nước kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí - tạo nguồn sức mạnh to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, nhanh chóng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
----------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.83.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.209.
[3] Báo Sự thật, ngày 29/11/1946
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.534.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.534.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2016, tr.13.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2016, tr.34.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2016, tr.35.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2016, tr.35.