Đại đức Thích Văn Dũng, trụ trì chùa Phúc Chỉnh, thành phố Ninh Bình đưa ra lời khuyến cáo với các phật tử rằng, hiếu dưỡng với bố mẹ không phải mâm cao cỗ đầy mà phải tích cực làm những việc thiện trong cuộc sống. Người dân nên hạn chế đốt vàng mã, vừa tránh lãng phí tiền của, vừa đỡ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh
"Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng bảy" vốn là phong tục của người Việt từ bao đời nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, với quan niệm "trần sao, âm vậy" nên nhiều người dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã phung phí một khoản tiền lên tới vài chục triệu đồng mua sắm đồ vàng mã để đốt cho người "cõi âm".
* Sôi động thị trường đồ "giấy"
Gần đến ngày Rằm tháng bảy, thị trường hàng mã trên địa bàn thành phố trở nên nhộn nhịp. So với năm ngoái, giá loại mặt hàng này tăng từ 25 đến 30%, nhưng cũng không ảnh hưởng đến sức mua vì phần lớn người tiêu dùng không "cò kè bớt một thêm hai" khi mua sắm đồ cúng lễ. Không ngần ngại khi rút hầu bao chi trả, chị Thủy ở thành phố Ninh Bình cho biết, cả năm mới có một ngày Rằm tháng bảy - lễ Vu Lan để báo hiếu với tổ tiên. Tôi nghĩ ở dưới suối vàng, các cụ cũng cần có nhà lầu, ti vi, tủ lạnh, tiền "đô" để tiêu dùng như khi còn sống trên trần thế.
Chị Nga, chủ cửa hàng đồ mã ở chợ Rồng khẳng định: Muốn đồ gì chúng tôi cũng làm được nếu khách hàng đặt trước. Quả thực, tại cửa hàng này có đủ mọi thứ như ôtô, xe máy, máy bay, tivi, nhà tầng đầy đủ nội thất bên trong. Nhiều loại hàng mã tinh xảo như đồ trang sức, dàn máy tính, xe máy SH có giá 100.000 đến 300.000 đồng/chiếc, nhà lầu có giá 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc… tùy theo kích cỡ của sản phẩm. "Phú quý sinh lễ nghĩa", có những khách hàng dùng cả ôtô chở hàng mã với số lượng nhiều như ôtô hạng sang, biệt thự cỡ lớn và các vật dụng khác về sắp lễ, lúc thanh toán ít thì 10 triệu đồng, nhiều thì cũng phải lên đến hơn trăm triệu.
Đi trên đường phố vào những ngày này, người dân dễ dàng bắt gặp những phụ nữ thôn quê chở xe đẩy, gánh hàng mã len lỏi vào tận các khu phố, ngõ, ngách để rao hàng. Chị Yến ở xã Ninh Phúc, bình thường bán hoa quả rong nay nhanh chóng chuyển sang kinh doanh mặt hàng đồ mã và hoa lễ phục vụ "thượng đế". Mới đầu tháng bảy âm lịch nhưng gánh hàng của chị rất đắt khách vì giá thành một bộ mã gồm quần áo, nón, mũ, đồ trang sức khá rẻ, từ 45.000 đến 70.000 đồng/bộ, phù hợp đối với người có thu nhập thấp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn ở phường Thanh Bình cho biết: Chuẩn bị cho Rằm tháng bảy, nhà tôi đã chuẩn bị đầy đủ hương hoa và mâm cỗ, ít tiền vàng để thắp hương tưởng nhớ các cụ. Theo suy nghĩ của tôi, báo hiếu tổ tiên và các đấng sinh thành cốt là ở lòng thành của mỗi người, tự mình phải thành tâm với người đã khuất, nêu cao đạo hiếu với cha mẹ mới đúng nghĩa. Cỗ bàn, vàng mã nhiều cũng tốt nhưng đó không phải là tất cả.
* Đừng biến phong tục thành hủ tục
Theo Đại đức Thích Văn Dũng, trụ trì chùa Phúc Chỉnh, thành phố Ninh Bình, nghi lễ Rằm tháng bảy đã đi vào đời sống tinh thần của người Việt, là dịp nêu cao đạo hiếu của người con đối với các đấng sinh thành, là ngày lễ Xá tội vong nhân, cúng cho những cô hồn lang thang không ai hương khói. Đạo Phật chủ trương hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, là tĩnh tâm, không mê tín dị đoan. Nhân dịp này, Đại đức đưa ra lời khuyến cáo với các phật tử rằng, hiếu dưỡng với bố mẹ không phải mâm cao cỗ đầy mà phải tích cực làm những việc thiện trong cuộc sống. Người dân nên hạn chế đốt vàng mã, vừa tránh lãng phí tiền của, vừa đỡ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh: Rằm tháng bảy là ngày của đạo Phật, là Lễ Vu Lan báo hiếu tổ tiên. Đây là hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đã in sâu trong tâm thức của dân tộc, vì vậy nó có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, người dân đừng lạm dụng để biến phong tục thành hủ tục. Đốt vàng mã ở nơi công cộng, trên hè phố vừa gây ô nhiễm bầu không khí, vừa dễ gây cháy nổ. Các cơ quan chức năng quản lý địa bàn nên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, những trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sắm lễ để báo hiếu với tổ tiên vào dịp Rằm tháng bảy là một nét đẹp văn hóa. Nhiều người cho rằng, lễ phải to thì mới bày tỏ được lòng thành kính, sự quan tâm của người sống với những người đã khuất. Nhưng có lẽ, một mâm cỗ đơn giản, ấm cúng để các thành viên gia đình quây quần bên nhau và hướng về tổ tiên, như thế mới giữ trọn đạo hiếu./.
Thu Hà