Tham dự hội nghị có Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Hoàng Đức Hậu và hơn 80 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, đại diện Sở VH,TT&DL 19 tỉnh, thành trong cả nước, đại diện các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian, trí thức người dân tộc…Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định: Sau 3 năm triển khai Quyết định về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, trên khắp mọi miền của tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng từng bước đưa các hoạt động của ngày 19/4 hằng năm trở thành nề nếp, sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hoá, xã hội sâu sắc. Với chủ đề “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam những năm qua là cầu nối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về văn hoá cũng như sản xuất, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá.
Trong 3 năm qua, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Chương trình khung các hoạt động Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam nhằm triển khai một cách có hệ thống, bài bản. Công tác tuyên truyền về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được triển khai tích cực từ Trung ương đến địa phương, được đưa vào kế hoạch hàng năm trong từng giai đoạn với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng đến mọi đối tượng quần chúng nhân dân. Về các hoạt động, việc làm thực tế để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, lao động sản xuất, văn hóa, y tế, xóa đói giảm nghèo, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, Bộ hàng năm phối hợp với các Bộ, Ban, ngành ký kết các chương trình phối hợp, chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể; Xây dựng và trình Chính phủ các đề án, trong đó phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện đề án cấp và không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012 - 2015. Đề án Bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội đối với 4 dân tộc Mảng, Cống. Cờ lao, La Hủ và đề án chương trình hỗ trợ các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người…
Cần xây dựng đề án có lộ trình thực hiện
Hội thảo đã nhận được 12 ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Theo ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang, để thực hiện hiệu quả và thiết thực Quyết định, cần xây dựng đề án có lộ trình thực hiện, thành lập Ban nghiên cứu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức dân tộc… Cũng theo ông Thương, hiện chưa có chính sách cụ thể mà hoàn toàn thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai, TS Trần Hữu Sơn cho rằng: Hội nghị nên bàn về việc tìm ra chính sách để nâng cao cuộc sống của đồng bào, từ đó mới tính đến hiệu quả của việc duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống. Thực tế 3 năm qua nhiều tiêu chí như chính sách văn hóa, vấn đề bảo vệ môi trường, du lịch... chưa sát với địa phương. Riêng về du lịch, Lào Cai là điểm đến của nhiều loại hình du lịch song chủ thể của mảnh đất này là người dân, vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách phát triển du lịch.
Về việc tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, ông Sơn cũng cho rằng cần đổi mới phong phú các hình thức tổ chức, xây dựng nhiều mô hình mới. Bên cạnh đó, ông Sơn nhấn mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các ngành các cấp thực hiện Quyết định của Chính phủ là quan trọng nhất.
Bảo tồn văn hóa “đời thường” của người dân tộc
Với suy nghĩ Ngày hội văn hóa thực chất là một cơ hội để bảo tồn văn hóa dân tộc, còn Làng văn hóa dân tộc là trung tâm để đồng bảo thể hiện các phương thức gìn giữ “tiếng nói” của mình, GS. TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam nói: "Không chỉ quan tâm đến chính sách, chúng ta nên hoàn thiện cả đội ngũ làm công tác văn hóa dân tộc. Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cần xây dựng trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc trong đó sử dụng người dân tộc là chính, thường xuyên tổ chức những hoạt động chuyên đề và mời đồng bào cùng tham gia".
Nhấn mạnh việc muốn làm tốt việc bảo tồn văn hóa dân tộc phải “dựa” và phải “nghe” đồng bào dân tộc nói, GS Tô Ngọc Thanh cho rằng chính văn hóa đời thường đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc đó. Ông đưa ra ví dụ những hình thức nhỏ góp phần lưu giữ được “phong vị” văn hóa dân tộc như: tổ chức hội thi ẩm thực người dân tộc, thi kể chuyện bằng tiếng dân tộc…
Đại diện đồng bào dân tộc cũng đã phát biểu tại hội nghị. Chị H’va H’moc, dân tộc Êđê huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) ghi nhận: Quyết định về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam mang lại nhiều cái lợi cho bà con, cuộc sống đồng bào đã khá hơn. Chị cũng mong muốn Đảng, Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa dân tộc, tạo thêm nhiều không gian cộng đồng cho bà con. Còn ông A Pun dân tộc Ba Na (Gia Lai Con Tum) thừa nhận khó khăn lớn nhất của đồng bào vẫn là kinh phí, để phát huy được các giá trị, không làm mai một nét đẹp văn hóa của các dân tộc cần cho bà con hiểu rõ giá trị của văn hóa, huy động bà con tham gia các hoạt động cộng đồng…
|
Bộ VH,TT&DL trao tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt quyết định của Chính phủ về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.
|
Tiếp tục triển khai một cách thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả
Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định: Để Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các địa phương khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quảng bá nhằm khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của đồng bào với văn hóa dân tộc.
Quán triệt việc tiếp tục triển khai Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, đúng mục tiêu, ý nghĩa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL xác định việc tổ chức “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, không phô trương lãng phí đồng thời phải phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, xoá đói giảm nghèo của vùng miền, ở các địa phương, tại thôn, làng, bản, ấp... gắn với tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.
Đặc biệt trong 2 năm tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp thu hút đông đảo người dân tham gia; tổ chức hoạt động biểu dương, tôn vinh kịp thời các điển hình tiên tiến. Với các địa phương, tiếp tục triển khai Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; Chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với công tác kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Quang Anh