Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 15/4/2012 20:31'(GMT+7)

Rộn ràng các lễ hội trong tuần

Festival Huế.

Festival Huế.

Festival Huế: Sôi động và chuyên nghiệp hơn

Tối 15/4, tại quảng trường Phu Văn Lâu - Kỳ đài ở cố đô Huế, diễn ra Lễ bế mạc Festival Huế, kết hợp nghệ thuật pháo hoa và thả hoa đăng trên sông Hương. Qua 7 lần lễ hội, Festival Huế đã trở thành một thương hiệu văn hóa uy tín, thực sự lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong 9 ngày của Festival Huế 2012, Huế thực sự là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước với "Lễ tế Giao" tại đàn Nam Giao; chương trình Đêm Hoàng cung; lễ hội trống và nhạc cụ gõ "Âm vang hào khí Việt"; "Đêm phương Đông", lễ hội "Thiên hạ Thái Bình" và "Lễ hội Áo dài".

Điểm nổi bật của Festival Huế lần này là đưa lễ hội đến gần hơn với công chúng, người dân thực sự là chủ thể lễ hội, như lời của ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2012.

Nhằm quảng bá sâu rộng các giá trị của di sản văn hóa Huế, không gian Festival Huế năm nay được mở rộng với hầu hết các sân khấu được tổ chức ngoài trời, thuận tiện cho người dân và du khách cùng tham gia lễ hội. Mỗi ngày, các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế diễn ra đồng thời trên 15 sân khấu tại thành phố Huế và 10 địa điểm khác nhau ở các huyện, thị xã. Cùng với các lễ hội đường phố sôi động, Festival Huế lần đầu tiên đã đến với bệnh viên, với việc Ban nhạc lừng danh Mary McBride (Mỹ) và ca sỹ Lê Cát Trọng Lý biểu diễn phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương Huế. Nhiều sân chơi dân gian, phố ẩm thực được tổ chức tại các vùng ven thành phố Huế như Hương Thủy, Phong Điền, Hương Trà... Đặc biệt, trong lễ hội lần này, Ban tổ chức đã quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động văn hóa cộng đồng, giúp học sinh Huế tiếp cận với các hoạt động Festival, với các chương trình “Liên hoan hát dân ca, đồng dao giai điệu quê hương”, lễ hội rước đèn sắc màu Huế; lễ hội vinh quy bái tổ và đặc biệt là liên hoan diều “Tiếp nối những cánh bay Việt Nam”. Qua những hoạt động phong phú, hấp dẫn, Festival Huế 2012 đã góp phần quảng bá về hình ảnh thiên nhiên, con người Huế nói riêng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung đến đông đảo du khách quốc tế.

Lễ hội Áo dài Huế

Với việc tổ chức tốt các kỳ Festival Huế, du lịch Thừa Thiên- Huế phát triển nhanh chóng, doanh thu du lịch từ 800-900 tỷ lên 1.800 tỷ/năm. Lượng khách tăng từ 1,3 triệu lên tới hơn 2 triệu lượt khách. Festival Huế 2010 thu hút gần 3 triệu lượt người tham dự, trong đó khách quốc tế là 30 nghìn người. Theo báo cáo nhanh của Ban tổ chức, chỉ riêng trong các ngày từ 7-9/4, Festival Huế 2012 đã thu hút gần 65.000 khách du lịch, trong đó có hơn 30.000 khách nước ngoài. Đáng chú ý, đêm khai mạc Festival Huế 2012 đã thu hút hơn 2,5 vạn người, bao gồm cả khách du lịch và nhân dân đến với lễ hội. Hệ thống cơ sở phục vụ du lịch tăng nhanh, hệ thống khách sạn 3 sao đến 5 sao đáp ứng được tất cả những hội nghị quốc tế và liên hoan lớn của thế giới. Dịch vụ du lịch của Thừa Thiên- Huế hiện chiếm 45% trong tổng sản phẩm GDP và dự kiến năm 2015, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%, cao nhất trong cả nước.

Quần thể di tích cố đô Huế là di sản  đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Gần 20 năm qua, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế  đã được bảo tồn và phát huy có hiệu quả.  Trong những ngày Festival sôi động, vẫn còn đây nét duyên dáng, quyến rũ từ tà áo dài và chiếc nón lá của các thiếu nữ. Vẫn còn sự mộc mạc trong "Phiên chợ quê ngày hội" diễn ra tại cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy; trong lễ hội "Hương xưa làng cổ" tại làng gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, hoặc sự tĩnh lặng, bình yên của các nhà vườn ở Huế.

Những thay đổi của Huế, có sự đóng góp to lớn từ Festival Huế đem lại. Mặc dù vậy, vẫn còn đó những trăn trở về việc liệu rằng chúng ta có nên chấp nhận sẽ mất dần một Huế mộng mơ để có một Huế năng động, náo nhiệt của một thành phố Festival? Vẫn còn đó nỗi lo toan của nhiều nhà vườn trăm tuổi ở Huế trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc sư Phùng Phu- nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, người có hơn 30 năm gắn bó với di sản Huế, cho rằng Huế đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu thành phố Festival. Nhưng dường như Festival Huế đang trở thành bữa tiệc văn hóa với quá nhiều món ăn, đến mức bão hòa. Theo KTS Phùng Phu, Huế với tư cách là thành phố Festival phải có nhiều hoạt động chắt lọc, sâu lắng hơn, phát huy vai trò chủ động của cộng đồng nhiều hơn nữa.

Dù có năng động và phát triển đến đâu thì du khách trong và ngoài nước đều mong rằng Huế sẽ giữ lại được những nét duyên dáng đặc trưng của mình. Bởi vì, vẻ đẹp của phong cảnh, sự sôi động của các hoạt động có lẽ là chưa đủ, mà nét văn hóa sâu lắng và thấm đẫm tình người mới chính là thương hiệu của du lịch xứ Huế, để níu chân du khách nhiều lần quay trở lại.

Lễ hội Thiên hạ Thái Bình

Khẳng định thương hiệu dừa Bến Tre

Hình ảnh cây dừa tượng trưng cho tinh thần Đồng Khởi, cho ý chí quật cường và cũng hết sức gắn bó, gần gũi với đời sống thường nhật và đời sống tinh thần của người dân Bến Tre đã được khắc họa sinh động và rõ nét tại Festival Dừa Bến Tre vừa bế mạc tối 10/4. Với chủ đề “Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển - Tự hào xứ dừa Việt Nam”, Festival Dừa lần thứ 3 với quy mô quốc gia diễn ra trong 6 ngày, gồm một chuỗi các hoạt động lễ hội, hoạt động kinh tế, văn hoá nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc xứ dừa, đã thu hút hàng trăm lượt người dân trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nhiều chương trình, hoạt động của lễ hội tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách như lễ khai mạc, bế mạc, lễ tôn vinh người trồng Dừa, con đường Dừa nghệ thuật, liên hoan ẩm thực xứ Dừa, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, hội thi người đẹp xứ Dừa...  

Kết quả của Festival thể hiện ở những con số ấn tượng: Tổng doanh thu bán hàng tại chỗ đạt gần 20 tỉ đồng. Ban tổ chức đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức Festival trên 20,7 tỉ đồng và hiện vật trị giá 368 triệu đồng. Tại lễ hội, UBND tỉnh Bến Tre đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành dừa, tạo cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào Bến Tre. Cụ thể, đã có thêm 6 dự án được UBND tỉnh Bến Tre cấp phép đầu tư và ký biên bản ghi nhớ 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.500 tỉ đồng. Thông qua Festival dừa lần này, thương hiệu “Dừa Bến Tre" và hình ảnh người nông dân trồng dừa được tôn vinh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm dừa cho người dân Bến Tre.

Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khau Vai

"Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khau Vai"

Sáng 14/4, tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Tuần Văn hoá du lịch Lễ hội Chợ tình Khau Vai 2012 đã được khai mạc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân các dân tộc vùng cao nguyên cực Bắc Tổ quốc và du khách trong, ngoài nước.

Nằm trọn trên ngọn đồi uốn lượn mềm mại như  sợi dây mây, Khau Vai thuộc huyện Mèo Vạc, Hà Giang quyến rũ du khách với phiên chợ tình có một không hai ở Việt Nam- Phiên chợ diễn ra vào đêm 26, rạng sáng 27 âm lịch hàng năm, dành cho những người yêu có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau.

“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khau Vai…”. Câu hát xưa gắn với địa danh Khau Vai luôn làm ấm lòng các đôi trai gái, như thôi thúc, mời gọi họ tới phiên chợ tình đầy quyến rũ này. Từ chiều 26/3 âm lịch, khắp các nẻo đường dẫn đến Khau Vai đã rộn ràng tiếng cười nói của người dân xuống chợ, những con đường quanh co rực rỡ những trang phục đầy sắc màu của các cô sơn nữ. Người đến chợ có đủ mọi lứa tuổi, từ già tới trẻ với những gương mặt tươi tắn, rạng rỡ. Mặc cho rừng sâu, núi cao, mặc những mỏm đá tai mèo nham nhở, họ vẫn hăm hở vượt đèo, lội suối tìm tới chợ tình Khau Vai.

Người ta tìm  đến Khau Vai để gặp lại người yêu cũ, cùng uống rượu và tâm sự, ôn lại những tình cảm đã xa. Có khá nhiều đôi vợ chồng cùng rủ nhau đến chợ, để rồi đến nơi, mỗi người lại tự đi tìm "bạn cũ" của mình, mà không có sự ghen tuông hậm hực tại phiên chợ phong lưu này. Họ coi đó là những giây phút tự do, được phép “ngoài chồng, ngoài vợ”. Sau ngày 27/3, khi "cửa lòng" lại khép lại là lúc họ trở về và tiếp tục chung thủy với cuộc sống hôn nhân của mình. Chợ tình Khau Vai hôm nay còn là nơi hò hẹn của những chàng trai cô gái. Những ánh mắt long lanh liếc xéo, những khuôn mặt ửng hồng cùng nụ cười e ấp ngại ngùng là cách để các nam thanh, nữ tú nơi đây bày tỏ tình cảm trong phiên chợ tình đặc biệt này...

Hàng năm, Khau Vai trở thành điểm đến của du khách gần xa, trong và ngoài nước. Du khách đến Chợ tình Khau Vai để được sống lại với truyền thuyết về một câu chuyện tình yêu lứa đôi giầu tính nhân văn giữa một miền quê hùng vĩ của ngút ngàn núi đá. Tháng Tư, du khách đến Hà Giang trong Tour du lịch sinh thái lên miền cực Bắc đất nước sẽ được sống, thưởng thức văn hoá của bà con các dân tộc tại các điểm du lịch nổi tiếng “Núi Cô Tiên, đỉnh Mã Phì Lèng, Cột cờ Lũng Cú, Chợ tình Khau Vai”.

Tuần Văn hoá du lịch Lễ hội Chợ tình Khau Vai 2012 diễn ra từ ngày 14-17/4 (tức là từ ngày 24-27/3 âm lịch). Hàng loạt các hoạt động văn hoá nghệ thuật sẽ được diễn ra ở thị trấn Mèo Vạc và “đèo mây” – nơi có truyền thuyết về câu chuyện tình Khau Vai. Du khách được xem Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô, Hội thi chim hoạ mi. Trên sân vận động huyện Mèo Vạc sẽ diễn ra Hội chọi bò, Hội chọi dê; chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Khau Vai”. Khách đến Lễ hội Chợ tình Khau Vai cũng được thả lòng mình cùng tiếng khèn của chàng trai người Mông hay nghe tiếng hát giao duyên, hát đối, hát phướn của các cô gái chàng trai người Tày, người Giấy, người Nùng; nghe tiếng sáo tỏ tình của con trai người Dao…

Kỷ lục nồi phở lớn nhất Việt Nam

Sôi nổi nhiều hoạt động chào mừng 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị 

Sáng 14/4, UBND TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã tổ chức Triển lãm ảnh về sự phát triển của thành phố Đông Hà trước và sau 40 năm giải phóng (28/4/1972-28/4/2012), tại nhà tưởng niệm Công viên Lê Duẩn.

Triển lãm trưng bày 100 ảnh là những hoạt động về những thành tựu trong công cuộc xây dựng và tái thiết quê hương trên các mặt văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng và kinh tế trong thời đại mới. Triển lãm ảnh là một hoạt động có nhiều ý nghĩa chào mừng 40 năm giải phóng Đông Hà và tỉnh Quảng Trị. Các bức ảnh đã thể hiện một quá trình xây dựng đi lên từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh để lao động và sản xuất xây dựng quê hương ngày càng đi lên. Những bức ảnh của hai thời kì như một sự tương phản cho quá khứ và hiện tại, qua đó thấy được sự sống đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.

Cũng trong dịp này, UBND TP. Đông Hà đã phối hợp với Hội sinh vật cảnh tổ chức trưng bày sinh vật cảnh tại Trung tâm Nhà văn hóa tỉnh với các loại sinh vật cảnh phong phú với gần 250 cây bonsai nghệ thuật; hơn 50 tác phẩm gỗ lụa; gần 60 tác phẩm đá non bộ; các loại hoa phong lan; các tác phẩm điêu khắc… Lễ trưng bày đã thu hút đông đảo người dân tới tham quan, thưởng ngoạn./.

(Theo: Mai Hồng/Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất