Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 14/10/2008 21:15'(GMT+7)

Đề nghị mức án “cải tạo không giam giữ” cho bị cáo Nguyễn Văn Hải, Phạm Xuân Quắc

Bốn bị cáo đang lắng nghe đại diện VKS đọc cáo trạng.

Bốn bị cáo đang lắng nghe đại diện VKS đọc cáo trạng.

 Nguyên 2 cán bộ CSĐT Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh, bị truy tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”, nguyên 2  phóng viên Nguyễn Văn Hải (Phó Trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội),Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Trước đó, cả 4 người đều bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhưng ông Quắc được tại ngoại.

Ngay từ 6 giờ sáng, 3 bị cáo bị tạm giam là nguyên 2 nhà báo và cựu sĩ quan công an Đinh Văn Huynh đã được đưa từ trại tạm giam B14 đến TAND TP.Hà Nội. Cả 2 bị cáo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đều khỏe mạnh và béo so với trước lúc bị bắt, nhưng bị cáo Hải có vẻ hơi xanh còn bị cáo Chiến tóc đã bạc nhiều.

Nguyên nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh NIên) tại phiên tòa

Ngay khi chuyển sang phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Xuân Quắc phủ nhận toàn bộ tội trạng bị truy tố gồm 8 điểm bằng việc nói rằng không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho báo chí, các phóng viên biết mặt bị cáo (vì bị cáo làm trưởng ban chuyên án-PV) chứ bị cáo không quen phóng viên nào; có một số thông tin các phóng viên gọi điện hỏi nhưng đều bị ông từ chối.

Bị cáo Đinh Văn Huynh

Tương tự, bị cáo Đinh Văn Huynh cũng một mực kêu mình bị oan, không hề cung cấp thông tin vụ án cho báo chí.

Bị cáo Quắc nói có một số phóng viên lọt được qua cổng thường trực vào cửa phòng chờ nên ông phải mời vào nhưng không cung cấp thông tin.

Bị cáo Nguyễn Văn Hải khẳng định trong 6 bài viết của mình (cáo trạng nêu) có những nội dung không đúng sự thật nhưng tất cả đều là đưa tin chứ hoàn toàn không “bình luận” như cáo trạng nêu.

Nguyên nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) tại phiên tòa

Trong buổi sáng, hội đồng xét xử đã dành nhiều thời gian để thẩm vấn bị cáo Nguyễn Việt Chiến. Trong lời khai, ông Chiến khẳng định những thông tin của mình được tổng hợp từ nhiều nguồn và đã được thẩm định qua ông Phạm Xuân Quắc, ngoài ra được thẩm định qua một số lãnh đạo khác của Tổng cục CSND. Trong số này, nhiều cuộn băng ghi âm các cuộc phỏng vấn những thông tin được cho là “nhạy cảm” ông Chiến khai đã nộp cơ quan điều tra. Những thông tin này bị cáo Chiến cũng khẳng định mình không hề bình luận.

Ông Phạm Xuân Quắc đang trả lời thẩm vấn tại tòa

Chiều 14-10, trong phần luận tội của mình, đại diện VKSND TP Hà Nội đã chính thức đề nghị mức án 24-30 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Việt Chiến về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Bị cáo Đinh Văn Huynh mức án 24-30 tháng tù giam về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”. Bị cáo Nguyễn Văn Hải bị đề nghị mức án 18-24 tháng cải tạo không giam giữ; bị cáo Phạm Xuân Quắc bị đề nghị mức án từ 1-2 năm cải tạo không giam giữ.
8 giờ sáng mai, sẽ tiếp tục phần tranh luận trước khi tòa nghị án và tuyên án.

Cáo trạng số 08 của VKSNDTC đề ngày 22/9/2008 truy tố 4 bị can Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải ra tòa khẳng định trong quá trình điều tra vụ án PMU18, ít nhất từ tháng 1/2006 tới tháng 6/2006, có những thông tin liên quan đến vụ án bị lộ lọt ra ngoài được đăng tải trên một số tờ báo. Trong số đó, có nhiều tin bài của Nguyễn Việt Chiến (phóng viên Báo Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (phóng viên Báo Tuổi trẻ).

Cáo trạng cáo buộc các tin bài nêu trên mang tính suy diễn chủ quan, không đúng bản chất sự việc; nhiều thông tin thổi phồng, bịa đặt gây dư luận xấu hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của một số cán bộ cao cấp.

VKSNDTC nhận định rằng là đơn vị trực tiếp điều tra vụ án, C14 phải có trách nhiệm trước những thông tin đăng trên báo chí không đúng sự thật, công khai những nội dung thông tin về vụ án đang điều tra, những thông tin chưa được xác minh kiểm chứng của CQĐT.

Nhiều nội dung thông tin vụ án PMU18 đang điều tra đã bị lộ, lọt. Nhiều thông tin liên quan đến vụ án đang phải xác minh, phải đảm bảo bí mật theo quy định của pháp luật đã bị đưa lên mặt báo…Nhiều phóng viên khai nhận nguồn tin để viết bài về vụ án PMU18 “chủ yếu được thu thập từ một số cán bộ C14 mà trực tiếp là Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh”.

Cáo trạng cáo buộc bị can Phạm Xuân Quắc đã cung cấp cho các phóng viên thông tin về hàng chục nhân vật chạy án. Cáo trạng khẳng định mặc dù bị can Phạm Xuân Quắc không thừa nhận cung cấp thông tin cho các phóng viên nhưng qua lời khai của các phóng viên, list điện thoại thể hiện các phóng viên có liên hệ, gọi điện để hỏi thông tin. Đồng thời, kết quả do C14 điều tra và băng ghi âm thể hiện bị can Phạm Xuân Quắc nắm được thông tin đã cung cấp thông tin về điều tra vụ án cho các phóng viên.

Ngoài ra, trong các cuộc họp báo bị can Phạm Xuân Quắc cũng đã cung cấp nhiều thông tin có liên quan đến vụ án, mặc dù đó chỉ mới là tài liệu ban đầu chưa được xác minh điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, cơ quan ANĐT còn thu thập được các tài liệu, báo cáo của Phạm Xuân Quắc gửi các cơ quan có thẩm quyền với nội dung phản ánh không đúng bản chất vụ án gây khó khăn cho việc tổng hợp thông tin chỉ đạo xử lý vụ án.

Bị can Đinh Văn Huynh với cương vị trưởng phòng 9 – C14 được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức điều tra vụ án đã có quan hệ, gặp gỡ các phóng viên cung cấp các thông tin vụ án đang điều tra.

Cụ thể, ông Huynh nhiều lần để các phóng viên đến phòng làm việc nắm thông tin về kế hoạch làm việc hàng ngày của các ĐTV tham gia điều tra vụ án PMU18, kế hoạch hỏi cung, bắt khám xét, triệu tập, lấy lời khai các đối tượng trong vụ án, nội dung và địa điểm xác minh…

Mặc dù ông Huynh không thừa nhận nhưng cơ quan ANĐT khẳng định đã thu giữ list điện thoại của 13 phóng viên các báo, trong đó có 178 cuộc điện thoại gọi tới số máy di động của Đinh Văn Huynh hỏi về thông tin vụ án để viết bài; việc các phóng viên khai đến nơi làm việc, nhà riêng và được ông Huynh cung cấp các thông tin về vụ án PMU18… xét thấy có cơ sở xác định bị can Đinh Văn Huynh có hành vi làm lộ bí mật công tác điều tra vụ án.

Cáo trạng cáo buộc bị can Nguyễn Việt Chiến là phóng viên báo Thanh Niên được giao theo dõi về mảnh thông tin nội chính, trong thời gian diễn ra vụ án PMU18 đã viết và cùng các phóng viên khác viết 70 tin, bài.

VKSNDTC khẳng định mặc dù vụ án PMU18 đang trong giai đoạn điều tra chưa có kết luận cụ thể về sai phạm của các bị can cũng như các đối tượng liên quan, nhưng trong các bài viết của mình Nguyễn Việt Chiến đã “đưa thông tin sai lệch, không đúng sự thật, nhiều nội dung suy diễn chủ quan, phân tích, đánh giá và bình luận một cách phiến diện”.

VKSNDTC nhận định rằng, Nguyễn Việt Chiến “đã viết bài đăng báo một cách có hệ thống về nội dung chạy án, tình hình tham nhũng, lối sống của một số cán bộ, phần lớn nội dung không có trong hồ sơ vụ án PMU18”.

“Những bài viết, thông tin của Nguyễn Việt Chiến đăng trên báo đã làm cho người đọc nhận thức không đúng về bản chất vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, xâm phạm đến đời tư của nhiều người và của các bị can trong vụ án. Những thông tin không chính xác về vụ án đã tạo tâm lý hoài nghi trong một bộ phận người đọc về trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các dự án cũng như phẩm chất lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên” - cáo trạng nêu rõ.

Cáo trạng cáo buộc bị can Nguyễn Văn Hải trong thời gian từ tháng 1/2006 – 6/2006 đã viết và cùng các phóng viên khác viết 33 tin, bài đăng trên báo Tuổi trẻ, trong đó có các tin sai sự thật như: Dũng (Huế) nhận 100.000 USD để chạy án; thông tin về các nhân vật bị nghi ngờ chạy án phải giải trình với các cơ quan chức năng; thông tin về số lượng và nội dung tin nhắn giữa Tôn Anh Dũng và ông Cao Ngọc Oánh; thông tin Bùi Tiến Dũng dùng 1,8 triệu USD để đánh bạc; danh sách các con bạc đánh lớn trong đường dây cá độ của Bùi Quang Hưng; các thông tin về cá nhân…

Cáo trạng khẳng định bản thân Nguyễn Văn Hải đã thừa nhận những thông tin trên là sai sự thật do không thẩm tra xác minh tính xác thực của thông tin trước khi viết bài.

Từ những hành vi nêu trên, cáo trạng của VKSNDTC khẳng định các cán bộ sỹ quan cảnh sát được giao nhiệm vụ điều tra vụ án và các phóng viên đã vi phạm các quy định của Luật Báo chí và Chỉ thị số 11CT/2002/BCA (V11) của Bộ Công an về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân.

Ngoài ra, các bị can Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh còn sử dụng tài liệu chưa được thẩm tra xác minh để báo cáo thông tin sai sự thật lên cấp trên gây hiểu lầm trong nội bộ.

Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải lợi dụng chức trách, nhiệm vụ phóng viên được giao, khi nhận được thông tin từ CQĐT hoặc từ các báo khác đã đưa thêm những thông tin không có thực và lợi dụng những thông tin đó để bình luận về các nội dung không có trong hồ sơ vụ án như: Nạn tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy tội diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương; Phần lớn những dự án đầu tư nước ngoài nhất là dự án có nguồn vốn ODA đều bị rút ruột; Một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất, ăn chơi sa đọa dường như không bị pháp luật xử lý…

Căn cứ vào các hành vi của các bị can, VKSNDTC truy tố 2 bị can Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh ra tòa về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” (khoản 2 điều 286 BLHS); 2 bị can nguyên là phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (khoản 2 điều 258 BLHS).

Trích lược Cáo trạng của VKSNDTC


   Tổng hợp 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất