Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 26/1/2012 10:59'(GMT+7)

Để những cánh rừng biên giới thêm xanh

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) là dự án trọng điểm Quốc gia, được kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X thông qua. Dự án đã góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng, thay đổi cơ cấu ngành lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nhiều tỉnh có rừng.

Sốp Cộp là một trong những huyện nghèo của tỉnh Sơn La, trước đây vốn khô cằn sỏi đá nay đang được nỗ lực phủ xanh cây rừng. Năm 2011, Ban quản lý dự án 661 huyện đã tổ chức cho các hộ tham gia trồng 450 ha, bao gồm cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ; tiếp tục chăm sóc rừng trồng được 930ha; khoán bảo vệ rừng được gần 9.000ha. Màu xanh đang phủ lên những đồi đất cằn cỗi trước đây toàn lau lách và cỏ gianh.

Ở địa bàn một huyện giáp biên, cái khó nhất vẫn là giao thông chia cắt. Đường liên xã liên bản đã có, song chỉ thuận lợi vào mùa khô, chứ mùa mưa thì nhiều nơi chỉ có cách đi bộ một cách trầy trật. Mà mùa trồng rừng đều tập trung phần lớn vào thời điểm tháng 6 tháng 7 hàng năm, là lúc mà mùa mưa đang vào cao điểm. Do vậy, việc một mầm xanh bật lên giữa đất đồi cằn cỗi tòan lau lách và cỏ gianh quả là một kỳ tích.

Rừng bạch đàn đang phủ màu xanh lên những ngọn đồi trước đây trơ trọc của bản Buôm Pàn xã Mường Cai

Xã Púng Bánh cách trung tâm huyện gần 20 km đường liên xã. Vườn ươm lâm nghiệp của Ban quản lý dự án 661 nằm ở đây. Trên khu vực vườn ươm rộng chưa đầy 1 ha, những luống bầu ươm ngay hàng thẳng lối, những hạt mầm đã bật ra khỏi vỏ, nhấp nhú chồi non, như háo hức chờ đón vụ trồng rừng mới sẽ được đưa đi tắm nắng gió đất đồi. Vừa nhanh tay xúc đất vào chiếc xe chở đất ươm, ông Lê Văn Toán vừa cho biết: đất này là đất gia đình phải đi lấy tận bản Huổi Khăng - khu vực rừng có trồng thông cách đấy 5 cây số. Sau khi làm đất, phải thuê xe chở về, rồi qua nhiều công đoạn như: làm nhỏ đất, ủ men vi sinh để làm sạch và diệt khuẩn, kích thích những nấm cộng sinh có ích phát triển, đất này mới có thể mang ra để ươm hạt thông. Với các loại cây khác, đất cũng phải được làm rất cẩn thận, phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng giống cây.

Ông Toán tâm sự: ở cái đất vùng biên này, trồng và chăm sóc vườn ươm cũng cần tuẩn thủ nghiêm qui trình kỹ thuật, và nhất là phải có kinh nghiệm ứng phó với sự biến đổi thất thường của thiên nhiên. Khí hậu vùng biên không ổn định, đêm và buổi sáng trời rất lạnh, nhưng giữa trưa thì nắng gắt, lại có sương muối; vào thời điểm tháng 3 tháng 4, thường có nắng gió lào. Vì vậy, người ươm cây như người chăm sóc con nhỏ, mỗi ngày vài bận tưới tắm, lại phải kéo bạt che phủ chống sương muối, che chắn nắng gió.

Tại Vườn ươm giống lâm nghiệp của Ban quản lý Dự án 661 huyện Sốp Cộp


Tại bản Phiêng Ban xã Púng Bánh, chúng tôi đến khu vực rừng trồng của gia đình anh Lò Văn Toan. Con đường mới được mở chỉ rộng chừng ba gang tay, cheo leo bên bờ vực, nhiều đoạn phải nín thở mà đi. Đây chính là con đường mà gia đình anh Toan đã vận động và thuê bà con trong bản mở để gánh cây giống lên đồi. Bò bằng cả chân và tay lên đến vạt đồi cheo leo trồng toàn thông mã vĩ của gia đình anh Toan mới thấy, quả là mồ hôi và công sức của cả trăm con người đã đổ xuống đây không uổng phí, để những mầm thông xanh non bám rễ. Rừng thông của gia đình anh Toan, giờ đây đã cao hơn 30cm hứa hẹn tỷ lệ sống trên 90%.

Anh Toan cho biết: năm nay, gia đình anh nhận trồng với ban quản lý 661 được 30ha thông; qua được cán bộ BQL hướng dẫn kỹ thuật, nên anh đã vận động bà con trong bản cùng tham gia trồng. Đến nay, gia đình đã được thanh toán số tiền gần 1 trăm triệu đồng. Nguyện vọng của gia đình anh và bà con trong bản là tiếp tục được tham gia trồng rừng của dự án 661 và chương trình trồng - bảo vệ rừng của chương trình 30a.

Ông Lường Văn Thành - Bí thư chi bộ bản Phiêng Ban cho biết: "Khi bà con đã nhận thức được việc bảo vệ rừng gắn với quyền lợi và trách nhiệm của mình, hơn thế, đó còn là giữ gìn sống cho muôn đời con cháu sau này, ai cũng phấn khởi và tham gia rất nhiệt tình".

Ở bản Mường Và xã Mường Và huyện Sốp Cộp, ai cũng biết đến câu chuyện trồng rừng của gia đình anhg Lường Văn Thoong. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng thông 5 năm tuổi, anh cho biết: năm 2007, khi gia đình nhận trồng gần 20 ha thông này, toàn bộ diện tích đều là lau lách, cỏ gianh. Vạt đồi này còn hoang vu đến nỗi, phát đám cỏ gianh rậm rì, mọi người đã phát hiện và bắt được cả con trăn to 16kg. Huy động cả gia đình và họ hàng vào cuộc, nhiều lần tay chân bật máu vì gai nhọn và đá sắc, rồi từ những vạt đất khố cằn mà cây nông nghiệp không thể lên được, những cây thông đã bám rễ được ở đây. Qua 5 năm, giờ đồi thông đã xanh ngút tầm mắt, thân cây to có đường kính 12 đến 15cm, hứa hẹn cho thu nhập không nhỏ. Nhiều hộ ở bản Mường Và giờ noi gương anh, đã đăng ký với ban quản lý dự án 661 để trồng rừng năm 2012.

Những năm trước, đích thân từng cán bộ của Ban quản lý dự án 661 phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rồi bám bản, bám dân để tuyên truyền bà con trồng rừng và bảo vệ rừng. Đặc thù công việc bắt buộc cán bộ sự án phải thường xuyên ăn nhờ, ngủ nhờ tại nhà dân. Ở vùng biên, trời thường tối sớm, có hôm, trời đã tối mờ mịt mà cán bộ Dự án 661 vẫn còn đang kiên trì ở nhà trưởng bản để thuyết phục; đến 12 giờ đêm mới mò mẫm vượt đường vượt suối về đến Ban. Về đến nơi, đầu tóc quần áo đều ướt đẫm sương giá.

Bà con nhiều bản ban đầu chưa muốn tham gia trồng rừng, vì nghĩ rằng, trồng rừng hôm nay, mai sau Nhà nước lại thu lại. Cán bộ Dự án phải giải thích rất kiên trì, rằng Nhà nước đã giao đất, giao rừng, bà con giữ sổ đỏ, nên rừng là của bà con, sau này chính bà con sẽ được hưởng lợi từ rừng. Một bản, rồi hai bản đi tiên phong, cho đến giờ thì rừng trồng và rừng khoán khoanh nuôi chăm sóc, bảo vệ của dự án đều đã phủ ở hầu hết các xã.

Tạm biệt những cánh rừng biên giới Sốp Cộp, chúng tôi ngược đường đến huyện Sông Mã - cũng là 1 huyện giáp biên của tỉnh Sơn La. Vượt gần 20 km đường đất khúc khuỷu vắt ngang lưng núi mới đến được bản Buôm Pàn xã Mường Cai. Những cánh rừng bạch đàn xanh mướt 6 năm tuổi chợt hiện ra, trải dài hút tầm mắt một màu xanh non, mướt mát. Năm 2005, bản Buôm Pàn có 30 hộ đăng ký trồng 33ha rừng bạch đàn với BQL 661 của huyện. Từ đó cho đến nay, diện tích này tiếp tục được mở rộng lên gần 60, cả bản 35 hộ đều tích cực tham gia trồng rừng. Đến nay, những cây bạch đàn cao vút trên 10m với thân cây to có đường kính trên 20cm vững chãi trong nắng gió vùng biên đang hứa hẹn một nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân ở đây. Mỗi héc ta bạch đàn cho khoảng 60 mét khối gỗ, với giá hiện tại khoảng 400 nghìn/mét khối, thì 60 ha rừng này cũng hứa hẹn cho bản Buôm Pàn khoản thu nhập trên một tỷ đồng.

Ông Quàng Văn Chan - Trưởng bản Buôm Pàn cho biết: hiện bà con vui lắm, nhìn thành quả của mình, ai cũng mừng. Lãnh đạo bản đang thảo thuận với BQL 661 của huyện, để có mức giá bán cây hợp lý nhất, bắt đầu thu hoạch dần. Vui nhất là nguồn thu từ rừng này sẽ giúp nhiều hộ trong bản có thể vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Tạm biệt những cánh rừng biên giới, tạm biệt cái nắng, cái gió và cái lạnh khô đến se môi, chúng tôi thấy lòng mình chợt ấm áp hơn khi cảm nhận được tình yêu và sự nồng hậu của những cán bộ ngành lâm nghiệp, những người dân Sốp Cộp dành cho những cánh rừng biên giới. Họ đang nỗ lực để những cánh biên giới thêm xanh, vì sự bình yên nơi "phên giậu" của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất