Xã hội ngày càng phát triển, khoa học y tế cũng vì thế mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn cho người bệnh. Nhưng tại sao khi người bệnh được cứu chữa ngày càng nhiều hơn thì lòng tôn trọng bác sĩ của người bệnh lại có phần giảm sút?
Trong thời gian vừa qua, dư luận chứng kiến hàng chục vụ kiện tụng liên quan đến y đức và chuyên môn của người thầy thuốc. Đó là những vụ việc để lại những hậu quả nghiêm trọng như thai phụ tử vong, người bệnh phải cưa chân hay bệnh nhân mổ thận trái lại bị cắt luôn cả thận phải... Ngược lại, cũng có những chuyện không nên và đau lòng đã xảy ra như sự việc nhân viên cấp cứu bệnh viện Bạch Mai bị chửi mắng, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị đâm chết…
Xã hội ngày càng phát triển, khoa học y tế cũng vì thế mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn cho người bệnh. Nhưng tại sao khi người bệnh được cứu chữa ngày càng nhiều hơn thì lòng tôn trọng bác sĩ của người bệnh lại có phần giảm sút?
Người bệnh tìm đến thầy thuốc với tất cả niềm hi vọng. Họ không chỉ mong được chữa bệnh mà còn tìm ở người thầy thuốc một liều thuốc tinh thần, một quan điểm biết sẻ chia, quan tâm chăm sóc, giúp họ vượt qua khó khăn, bệnh tật. Vì vậy, khi vấp phải thái độ vô trách nhiệm, vòi vĩnh tiền từ bệnh nhân, thờ ơ với nỗi đau bệnh tật của một bộ phận “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến người bệnh có cảm giác bất an, phẫn nộ… là điều dễ hiểu.
Nghề thầy thuốc, cũng giống như nghề thầy giáo là những công việc hết sức đặc thù, mỗi quyết định của họ không chỉ ảnh hưởng tới tương lai mà còn quyết định đến sự sống và cái chết của người khác. Người thầy thuốc luôn phải căng mình với những hành động cẩn trọng tuyệt đối. Họ buộc phải đưa ra những quyết định chính xác nhất trong thời gian nhanh nhất. Họ làm việc trong môi trường xung quanh đầy rẫy những tiếng hối thúc, than vãn, ai cũng đòi quan tâm… Trong khi, không phải bệnh nhân nào, người nhà bệnh nhân nào cũng hiểu, cũng chấp hành đúng các quy định của bệnh viện, của ngành y tế. Thậm chí, có những người, những đối tượng còn quá khích, chẳng những không biết hàm ơn mà còn thất lễ với những người cứu chữa người khác.
Vẫn biết rằng, yếu tố con người là điều kiện tiên quyết, nhưng để cho bức tranh của ngành y tươi sáng, để không còn chuyện buồn giữa người bệnh và thầy thuốc, xã hội nên nhìn nhận nguyên nhân một cách khách quan và đầy trách nhiệm. Người thầy thuốc bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ, y đức còn luôn phải nuôi dưỡng tâm hồn để biết xúc động, xót thương trước những hoàn cảnh khổ đau. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để người làm nghề y sống được với nghề, được làm việc trong môi trường trong sáng, công bằng và không quá tải về bệnh nhân. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng cần xây dựng thái độ ứng xử đúng mực, biết tôn trọng, lắng nghe, biết tin tưởng vào trình độ thầy thuốc, biết góp ý, xây dựng đúng chỗ, đúng nơi và đúng lúc… với thầy thuốc.
Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người dân là việc làm tối quan trọng, tối cần thiết, là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Mỗi người chúng ta phải có hành động cụ thể, góp phần xây dựng ngành y tế vững mạnh, thân thiện hơn./.
(Thu Hà/QĐND)