Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 18/2/2012 16:11'(GMT+7)

Ưu tiên phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiệt hại cho người chăn nuôi

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: vi rút cúm gia cầm đang lưu hành ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Đối với nhánh vi rút đang lưu hành ở phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên thì tỷ lệ bảo hộ khi tiêm phòng vác-xin Re-5 (Trung Quốc) đạt thấp, vì vậy từ đầu năm 2011 loại vác-xin này đã được ngừng sử dụng tại các khu vực nói trên. Tuy nhiên, vác-xin Re-5 vẫn đạt hiệu quả cao trong phòng chống dịch tại phía Nam và số lượng dự trữ còn đủ cho cả khu vực đến hết năm 2012 nên vẫn được sử dụng.

Việc vi rút cúm gia cầm đã biến đổi tại 2 miền Bắc - Nam cùng với diễn biến thời tiết bất thường và việc chưa quản lý tốt quá trình vận chuyển gia cầm khiến cho dịch bùng phát trở lại và diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng trên cả nước, Cục Thú y đã làm thủ tục tiếp tục nhập khẩn cấp 100 triệu liều vác-xin cúm gia cầm H5N2 để phục vụ công tác phòng chống dịch. Dự kiến đến cuối tháng 2 số vác-xin này sẽ về đến Việt Nam.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan trên diện rộng, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo: Thời điểm hiện nay, ưu tiên hàng đầu là cấp bách chống dịch, ngăn chặn dịch lây lan; không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm ở các ổ dịch cũng như các vùng miền trên cả nước, trên cơ sở đó tập trung tiêm phòng khống chế dịch, đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác này, huy động mọi nguồn lực, sử dụng mọi biện pháp để chấm dứt dịch.

Theo báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 11 tỉnh, thành ở mức độ rải rác. Tổng số gia cầm mắc bệnh là hơn 12.000 con, trong đó khoảng 5.000 con bị chết; 34.000 con bị tiêu hủy; đã có 2 người chết do nhiễm cúm H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng.

Nhận định về diễn biến dịch trong thời gian tới, đại diện Cục Thú y cho biết, các ổ dịch mới có giảm nhưng nguy cơ lây lan là khó tránh khỏi khi thời tiết diễn biến bất thường, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ở các địa phương còn yếu, tư tưởng chủ quan lơ là của chính quyền địa phương và nhận thức của người chăn nuôi chưa tốt, nhiều nơi địa phương còn giấu dịch, người chăn nuôi còn ăn gia cầm ốm, chết. Đây là những yếu tố khiến dịch cúm gia cầm dễ lây lan…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất