Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 9/2/2012 20:24'(GMT+7)

Tích cực phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Chi cục Thú y tỉnh Hà Nam cho biết, từ ngày 7/2 đến nay, tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm thuộc khu trang trại Đồng Bề, xóm 14, xã Nhật Tân phát hiện hơn 2.500 con gia cầm gồm vịt (từ 45 đến 57 ngày tuổi), ngan (70 ngày tuổi) bị chết. Khi được người dân và chính quyền cơ sở báo tin, Chi cục Thú y đã lấy 4 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy cả 4 mẫu bệnh phẩm này đều dương tính với H5N1. Tại khu trang trại Đồng Bề có 14 hộ chăn nuôi với số lượng gia cầm lên tới khoảng 14.000 con gà, vịt, ngan... Số gia cầm bị nhiễm cúm H5N1 thuộc hai hộ chăn nuôi Nguyễn Quang Dương và Nguyễn Như Thuỷ.

Ngày 9/2, cán bộ thuộc Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trực tiếp về kiểm tra, đôn đốc việc khoanh vùng, dập dịch tại khu vực này. Hiện tại, toàn bộ khu trang trại đã được khoanh vùng, cách ly, phun thuốc tiêu độc khử trùng, trong ngày hôm nay sẽ tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm của 2 hộ chăn nuôi trên; đồng thời phát 80 lít thuốc sát trùng, thành lập 5 chốt kiểm dịch đa ngành tại khu vực này; tiếp tục tuyên truyền cho người dân biết về dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại địa phương; nghiêm cấm việc chăn thả gia cầm ra các kênh, mương, ruộng; nghiêm cấm việc giết mổ, tiêu thụ gia cầm ốm, chết.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngay tại khu vực phát hiện ổ dịch, vịt chết vẫn được người dân thả ra kênh, mương; tình trạng vứt xác gia cầm chết ra kênh vẫn còn rải rác ở một vài nơi, trong đó có nhiều xác gia cầm đã trong giai đoạn phân huỷ, thối rữa. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch cúm gia cầm H5N1.

* Tại tỉnh Bạc Liêu, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện Uỷ Huyện Hông Dân cho biết: Hiện nay nguy cơ bùng phág dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện Hông Dân đang báo động ở mức cao, bởi huyện giáp ranh 3 tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng) đều đã công bố dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, từ trước Tết Nhâm Thìn đến nay, ở địa bàn này đã có rất nhiều gà, vịt chết không rõ nguyên nhân nhưng chuyện quản lý, giám sát dịch bệnh… vẫn rất lỏng lẻo.

UBND huyện Hồng Dân đang ráo riết chỉ đạo lực lượng cán bộ thú y, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tiêm phòng, giám sát vịt nuôi mới. Kiểm tra nguồn gốc vịt con và cấp sổ chạy đồng với phương châm không bỏ sót bất cứ bầy vịt nào. Trưởng ấp phải chịu trách nhiệm trước UBND xã, thị trấn và Ban chỉ đạo cấp huyện về việc để xảy ra dịch cúm gia cầm.

Chủ trương của huyện Hồng Dân là chỉ cho phép lưu lại đối với số vịt chạy đồng đến từ Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng đã có mặt tại huyện Hồng Dân trước thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm (trước tháng 1/2012). Còn số vịt chạy đồng kể từ tháng 1/2012 đến từ 3 tỉnh nêu trên đều bị từ chối tiếp nhận.

Theo Trạm Thú y huyện Hồng Dân, các ấp có nguy cơ cao, thường xuyên xảy ra dịch bệnh gia cầm hàng năm gồm: Ninh Thành, Ninh Lợi, Ninh Thuận thuộc xã Ninh Quới A; ấp Ninh Thành, Ninh Điền, Ninh Tân, Ninh Bình, Lái Viết Ngọn thuộc xã Ninh Quới; ấp Ninh An, Ninh Định, Tà Ben, Ninh Thạnh 1 thuộc xã Ninh Hòa; ấp Bà Gồng, Bà Hiên, Trèm Trẹm của thị trấn Ngan Dừa. Hầu hết số ấp nêu trên đều nằm giáp ranh với vùng ổ dịch thuộc các tỉnh bạn.

* Hiện nay ở một số địa bàn các huyện trong tỉnh Trà Vinh, như: Càng Long, Tiển Cần, Trà Cú, Cầu Kè và TP.Trà Vinh đang đứng trước nguy cơ phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm khá cao. Chỉ trong tuần đầu tháng 2-2012, qua công tác kiểm tra lấy 24 mẫu thịt gia cầm được bày bán tại các chợ huyện và nơi giết mổ để xét nghiệm đã có 6 mẫu mang Virut cúm gia cầm Tuptype H 5 N 1.

Điều đáng lo ngại hơn hiện nay, Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch lúa đông – xuân nên trở thành địa bàn thu hút những người chăn nuôi vịt chạy đồng từ các tỉnh lân cận như Bến Tre, Sóc Trăng đổ về khá lớn. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm nhiều nông dân trong tỉnh tái đàn gia cầm mới để phục vụ cho dịp tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, với số lượng đàn vịt đã hiện có trên 6 triệu con, nên tình hình nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm rất lớn.

Để chủ động ngăn ngừa lây lan, phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm dịch và đội kiểm tra liên ngành tại các vùng trọng điểm giáp ranh với các tỉnh đang có cúm gia cầm diễn ra và tại các địa phương có đàn gia cầm tập trung. Song song đó, đơn vị hiện đang phối cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống bệnh cúm gia cầm cho người chăn nuôi. Tất cả các hộ chăn nuôi nào chưa tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm khi liên hệ với chính quyền địa phương, cán bộ thú y phụ trách địa bàn sẽ được tổ chức tiêm phòng miễn phí từ nay cho đến cuối năm 2012.

* Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: một trong những khó khăn trong công tác quản lý và tiêm phòng đàn gia cầm hiện nay là nhiều hộ dân tái đàn gia cầm nhưng không khai báo với chính quyền địa phương và ngành thú y.

Hiện tòan tỉnh Hậu Giang có khỏang 3,5 triệu con gia cầm, trong đó hơn một nửa đã được tiêm phòng vacine còn trong thời gian miễn dịch. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chuẩn bị sẳn sàng trên 3 triệu liều vaccine ngừa dịch cúm nên vấn đề thiếu vaccine là không phải lo. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ khi tái đàn không chịu báo với ngành thú y nên phần lớn những hộ này không được tiêm phòng dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao.

Trước tình hình nguy cơ bùng phát dịch bệnh và một số địa phương lân cận như Sóc Trăng, Kiên Giang đã có thiệt hại về người do dịch cúm H5N1, ngành thú y tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu những hộ dân nuôi gia cầm phải hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan thú y như khai báo số gia cầm tái đàn, thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng. Khi có gia cầm chết phải báo ngay cho lực lượng thú y để được hỗ trợ, không quăng xác gia cầm bừa bãi, không mua hay ăn thịt gia cầm chết không rõ lý do…Đối với ngành thú y, Chi cục đã chỉ đạo cho các trạm thú y các huyện thị, trạm kiểm dịch động vật tăng cường tuần tra kiểm sóat việc mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường quản lý đàn vịt chạy đồng từ các nơi khác chuyển đến. Được biết kể từ khi có Công điện số 04 ngày 5/2/2012 của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Công văn số 111 ngày 3/2/2012 của Cục Thú y, Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang đã bố trí lịch trực lãnh đạo và bộ phận chống dịch vào các ngày nghĩ, lễ 24/24 giờ nhằm sẳn sàng xử lý nhanh tình huống khi có dịch bệnh xảy ra./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất