Thứ Bảy, 7/12/2024

Để thực hiện tốt nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới

 

1. CÓ NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY MỚI VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC DÂN SỐ

Cách đây 25 năm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được ban hành với mục tiêu chính là giảm sinh và đến nay, mục tiêu này đã đạt được khá vững chắc. Song, dân số Việt Nam cũng xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới tác động đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng cả tích cực và tiêu cực.

Trước tiên, đó là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia có dân số lớn. Theo tổ chức Liên hợp quốc, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ cực lớn” do các tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 5,3% diện tích đất cả nước có thể bị ngập lụt. Tổng cầu về lương thực ngày càng lớn, trong khi đó tổng cung bị đe dọa bởi thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh…

Thứ hai, xu hướng giảm sinh từ chính sách kế hoạch hóa gia đình đã khiến quy mô dân số độ tuổi đi học (từ 5 đến 24 tuổi) giảm từ hơn 33,2 triệu người năm 1999 xuống còn khoảng 29,5 triệu người năm 2013. Điều này tạo thuận lợi lớn cho việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thứ ba, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Năm 2014, Việt Nam có 90,7 triệu dân và tỷ lệ dân số (từ 15 đến 64 tuổi) đạt 69,4%, vì vậy, số dân có khả năng lao động là khoảng 63 triệu người. Đây là dư lợi lớn của “cơ hội dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng lao động, việc làm và việc làm có thu nhập cao. Cơ hội dân số “vàng” chỉ xuất hiện một lần và sẽ chấm dứt khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Do vậy nếu không khai thác nhanh và hiệu quả thì cơ hội “vàng” sẽ bị trôi qua.

Thứ tư, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi (NCT). Các nhà khoa học dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ “già hóa dân số” nhanh nhất thế giới. Trongkhi đó, 72,5% NCT sống ở nông thôn và đến năm 2015 chỉ có 48,27% được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội với mức thấp. Như vậy, vẫn còn hơn một nửa số NCT hiện nay sống bằng lao động của mình, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình. Do đó, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu NCT là bài toán ngày càng lớn ở Việt Nam.

Việc chăm sóc sức khỏe cho NCT cũng là thách thức lớn. Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ, mặc dù số người cao tuổi chiếm hơn 10% dân số nhưng sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Mặt khác, hiện nay, các gia đình ít con, lại thường di cư sống xa cha mẹ, các cơ sở chăm sóc NCT chưa nhiều và giá dịch vụ cao nên chăm sóc sức khỏe cho NCT trở thành vấn đề lớn trong thời gian tới.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, “tỷ số giới tính khi sinh” của Việt Nam là 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái. Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2014 cũng cho thấy, tỷ số này là 112,2/100, nghĩa là ở Việt Nam, trung bình cứ sinh 100 trẻ gái thì tương ứng lại sinh 112,2 trẻ trai. Đây là tỷ số vào loại khá cao, trên mức bình thường và có xu hướng tăng lên. Sự mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như khó khăn trong việc kết hôn.

Các vấn đề về di cư như: 1) Khó khăn về nhà ở. 2) Thiếu thông tin, ít hiểu biết những kiến thức để bảo vệ chính mình. Nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân (2009) về di cư của thanh, thiếu niên ra Hà Nội lao động cho thấy, 41% không biết được bồi thường khi bị tai nạn lao động, 42% không biết đến chế độ nghỉ ốm, có lương và 25% không biết chủ sử dụng lao động phải hỗ trợ người lao động phòng và chữa các bệnh nghề nghiệp. Những cuộc điều tra khác cũng cho thấy, hiểu biết về an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe chưa tốt.


2. QUÁN TRIỆT CÁC QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ

Nghị quyết 21-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Đây là quan điểm mới và rất lớn của Đảng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của chính sách dân số Việt Nam trong tình hình mới. Nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới tập trung vào sáu nội dung gồm phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bổ dân số phù hợp với quá trình phát triển. Như vậy, phạm vi của công tác dân số trong tình hình mới là rộng hơn nhiều so với thời điểm ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.

Cần lưu ý là việc chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển nhưng không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà cần thực hiện KHHGĐ theo phương thức mới. Trong các giải pháp nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW, giải pháp về “đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số” là rất quan trọng, đặc biệt cần nhấn mạnh về nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Các nội dung về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bố dân số và quản lý dân cư phải được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng, ngành, địa phương và toàn quốc.

 


3. XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG, HƯỚNG DẪN, KIỂM TRA TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 21

Trong công tác tham mưu đối với vấn đề dân số cần chú ý mấy điểm sau:

Một là, sử dụng phương pháp làm chính sách dựa trên bằng chứng, điều tra, đánh giá thực trạng tại địa phương về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xãhội, tình hình dân số, nhất là xu hướng biến đổi về dân số và kết quả thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong nhiều năm trước để có những bằng chứng sát thực, căn cứ khoa học và thực tiễn khi xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, bảo đảm sát với đặc điểm dân số của địa phương.

Hai là, chủ động phối hợp với các ngành liên quan để tham mưu cho cấp ủy cụ thể hóa thành các văn bản chỉ đạo hoặc chương trình hành động của địa phương mình, tránh hiện tượng sao chép một cách nguyên văn các văn bản của cấp trên kết hợp với thay đổi địa danh để hình thành văn bản của địa phương.

Ba là, bám sát 3 yêu cầu đối với công tác dân số để tham mưu trúng và đúng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương:

1) Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số và sức khỏe sinh sản đặc biệt là sự chuyển hướng trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển:

Với những địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, cần triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng nhằm tăng cường nhận thức, thái độ, thực hiện các hành vi về sinh đẻ đúng đắn, bền vững. Chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận.Nâng cao chất lượng giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe tình dục trong nhà trường; mở rộng các hình thức giáo dục ngoài nhà trường.

Với những địa phương có mức sinh ở mức sinh thay thế, cần tập trung vào việc thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm duy trì và ổn định mức sinh, đồng thời quan tâm tới các vấn đề về dân số và phát triển tại địa phương.

Với những địa phương có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế, công tác này cần tập trung khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân về các nội dung của dân số và phát triển như dân số vàng, già hóa dân số, mất cânbằng giới tính khi sinh, di cư, lồng ghép dân số vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

2) Cung cấp, dự báo thông tin về dân số đầy đủ, chính xác và kịp thời:

Để có những chủ trương, chính sách về phát trển kinh tế - xã hội chính xác, cần phải có thông tin về dân số. Những thông tin này phải được cung cấp, dự báo đầy đủ, không những phải đáp ứng về quy mô (số dân, tốc độ gia tăng…), cơ cấu (theo độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, mức sống, tình trạng hôn nhân...), phân bố (mật độ…), mà còn phải đáp ứng về chất lượng dân số (tuổi thọ bình quân khỏe mạnh, tình trạng sức khỏe, thu nhập bình quân, trình độ học vấn…). Trong những năm qua, ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình nước ta ít khi đáp ứng được các yêu cầu này, mà chủ yếu thông tin về dân số có được sau mỗi kỳ điều tra dân số.Chưa kể, trong các cuộc điều tra dân số, nước ta phải mất khoảng một năm mới có kết quả, nhiều thông tin lúc đó kém tính thời sự và không giúp được cho các nhà hoạch định chính sách.

3) Nâng cao năng lực quản lý:

Trong thời gian qua, do có sự thay đổi về tổ chức bộ máy, ban đầu ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình từ Trung ương đến địa phương còn nhiều lúng túng, tâm tư, chưa thích ứng nhanh với sự thay đổi; còn có tư tưởng chủ quan, chưa quyết liệt trong thực hiện một số mục tiêu và giải pháp đề ra của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 21, cần chú trọng nắm bắt tình hình công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục cho cho cán bộ, nhân dân khi làm công tác dân số. Thường xuyên nâng cao năng lực tham mưu về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cho cán bộ tuyên giáo địa phương thông qua các hình thức đào tạo khác nhau (tập huấn, giao ban, hội thảo...). Từ đó, có tư duy quản lý và điều phối có hiệu quả nguồn lực tài chính của nhà nước đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận và lựa chọn dịch vụ chất lượng về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Dân số và phát triển có mối quan hệ hai chiều chặt chẽ nên trong quá trình kế hoạch hóa cần phải xem xét và tính toán rõ ràng mối quan hệ nhân - quả giữa dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, mức sinh, mức chết, di cư và chất lượng dân số) và phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường...) trong toàn bộ các bước từ lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, theo dõi và đánh giá kế hoạch. Nhiều nghiên cứu đánh giá cho thấy, việc lồng ghép các biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển ở nước ta đang ở giai đoạn đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm, sơ khai.Trong khi đó, quy mô, cơ cấu, phân bố dân số biến đổi nhanh.Điều này hạn chế tính hiệu quả của các kế hoạch phát triển. Để cải thiện tình trạng này cần nâng cao trình độ cán bộ kế hoạch, có bộ chỉ tiêu về dân số và phát triển, có cơ sở pháp luật chặt chẽ./.

 

TS. Vũ Thị Kim Anh

____________________________________

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 11/2018

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất