Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/8/2013 8:45'(GMT+7)

Để ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh


Khi đề cập về thực trạng phát triển các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2007 – 2012, ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, đã có tổng số 28 ngành hàng thuộc các nhóm lĩnh vực nông nghiệp (có 10 ngành sản xuất, chế biến nông sản), nhóm lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (có 9 ngành công nghiệp chế biến, xây dựng), nhóm lĩnh vực dịch vụ (có 8 ngành dịch vụ vận tải, viễn thông và CNTT) được lựa chọn ưu tiên phát triển. Kết quả sau 5 năm, một số ngành đã phát triển được những mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới như gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, rau quả, thủy sản, dệt may, điện tử…

Tiêu biểu như nhóm trồng lúa đã đạt diện tích chiếm 5,1% diện tích trồng lúa của thế giới, sản lượng chiếm 5,6% thế giới, năng suất trung bình của Việt Nam đạt 5,63 tấn/ha, trong khi năng suất trung bình của thế giới chỉ là 4 tấn/ha. Sản lượng lúa xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 21,5%, đồng thời giải quyết được việc làm cho 8 triệu lao động trong nước. Năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp dệt may  cũng dần vươn lên chiếm thị phần 5,5% thương mại thủy sản thế giới và 3% thương mại dệt may thế giới…

Nhấn mạnh vấn đề này, ông Hoàng Thịnh Lâm cho biết, Việt Nam là quốc gia đi sau trong quá trình CNH, sức ép hội nhập ngày càng lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện nay, khả năng cạnh tranh của nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ còn yếu nên bản Dự thảo lần 2 của Đề án đã đề xuất lựa chọn 28 ngành hàng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ để ưu tiên tập trung phát triển trong giai đoạn 2013 – 2020, trong đó có nhiều ngành hàng đã được lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2007 – 2012. Trao đổi về kinh phí thực hiện Đề án, Dự thảo đề xuất tăng thêm kinh phí cho hoạt động XTTM 100 tỷ đồng, cộng với kinh phí hiện chi là 100 tỷ đồng; kinh phí khuyến công cũng tăng thêm 100 tỷ đồng cộng với kinh phí hiện chi là 80 tỷ đồng. Cùng với đó, chi thêm kinh phí cho công tác phòng vệ thương mại 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho các ngành hàng mà Đề án lựa chọn.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, khi góp ý hoàn thiện Đề án đã  thẳng thắn chỉ ra rằng, Đề án đã nêu được thực trạng phát triển những lĩnh vực ưu tiên phát triển giai đoạn 2007 – 2012. Tuy nhiên, phần phản ánh thực trạng mới chỉ nêu ra những thông tin cơ bản, mang tính chất liệt kê số liệu về năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu chứ chưa nêu bật được kết quả chi tiết, cụ thể của các ngành đã được lựa chọn. Từ thực tế này, đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Dự thảo cần đánh giá và kết luận xem các mặt hàng được hỗ trợ thuộc 7 lĩnh vực ưu tiên phát triển giai 2007 – 2012 này, sau 5 năm ưu tiên phát triển có lợi thế cạnh tranh hay không. Từ đánh giá này mới có thể đánh giá và đề xuất về cơ chế chính sách của từng ngành hàng, từng lĩnh vực làm cơ sở đề xuất những sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với giai đoạn 2013 – 2020. 

Đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam - ông Đào Phan Long - cũng khẳng khái nhận định rằng Đề án viết quá lý thuyết! Thực tế hiện nay, mỗi năm Việt  Nam phải nhập khẩu rất nhiều máy móc thiết bị công nghệ phục vụ cho các ngành xuất khẩu của nền kinh tế quốc dân, nhất là các ngành dệt may, da giày, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản… Trong khi đó, tiêu chí để đánh giá lợi thế cạnh tranh của các ngành, các lĩnh vực trong Dự thảo Đề án quá thiên về giá trị kim ngạch xuất khẩu và số lượng việc làm được tạo ra của ngành đã được lựa chọn mà chưa tính toán cụ thể số liệu nhập khẩu - xuất khẩu. Cần phải tính đến giá trị xuất siêu thì mới biết được đó có thực sự là ngành lợi thế hay không. 

Từ phân tích này, ông Long cũng kiến nghị Ban soạn thảo Đề án xem lại quan điểm về lợi thế cạnh tranh của ngành cơ khí - một ngành có những sản phẩm cồng kềnh, tiêu tốn vật tư, ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó, Ban soạn thảo đưa lĩnh vực cơ khí chỉ ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất xe có động cơ mà chưa xét đến sản phẩm xe đạp, trong khi Việt Nam rất có lợi thế trong sản xuất mặt hàng này. Ông Long cũng nêu rõ rằng ngành cơ khí có thể sản xuất được nhiều mặt hàng khác nhằm giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cụ thể Hiệp hội Cơ khí sẽ lên một danh mục các mặt hàng có thể ưu tiên phát triển và gửi tới Ban soạn thảo Đề án xem xét.

Đại diện của Viện Chính sách (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, trong Đề án mới chỉ nêu tên những chính sách liên quan đến các ngành hàng, lĩnh vực được ưu tiên chứ chưa đánh giá tình hình thực hiện cụ thể để đưa ra những đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đó. Điều này được minh chứng thông qua vấn đề ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo hướng giảm mạnh đất trồng lúa nhưng Đề án vẫn đề xuất ngành hàng lúa vào lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Đề xuất này ngược với thực tiễn và nếu đề xuất lúa và nhiều cây trồng khác như điều, tiêu… vẫn có khả năng phát triển thì phải ở khía cạnh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, chứ không phải là vấn đề năng suất nữa. Cho nên, với 10 ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp được đề xuất thì chỉ có 2 ngành công nghiệp chế biến thủy sản và cao su là phù hợp. Còn những ngành hàng khác chỉ tập trung vào sản xuất thì sẽ không hiệu quả, mà phải đi vào chế biến. Làm sao sản xuất ra sản phẩm ở mức giá thấp nhất, mang lại lợi nhuận cho người nông dân nhiều nhất bằng nguồn lực hạn chế nhất.

Cũng liên quan đến danh mục ngành hàng đề xuất ưu tiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM kiến nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét đưa thêm 2 ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm vào danh sách hay. Ông Khoa phân tích, 2 ngành này phù hợp với quan điểm đề ra: có lợi thế cạnh tranh, cơ bản thỏa mãn được 7 mục tiêu, tiêu chí của Đề án. Theo số liệu của Bộ Công Thương, ngành gỗ trong 2012 xuất khẩu gần 5 tỷ USD, nhập nhiều nguyên liệu nhưng khác ngành may là xuất siêu rất cao, tới 3 tỷ USD (tương đương 65% so với nhập khẩu). Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất trong ASEAN chứng tỏ khả năng cạnh tranh khá tốt. Thế giới dự báo sử dụng sản phẩm từ gỗ sẽ gia tăng, ưu tiên phát triển ngành hàng này đồng nghĩa với việc tạo thêm việc làm cho người lao động, đào tạo ra những lao động có tay nghề. Với vấn đề băn khoăn là nguồn nguyên liệu thì cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển trồng rừng. Còn ngành chế biến lương thực thực phẩm vốn có quan hệ mật thiết với ngành nông nghiệp và ngành thủy sản - 2 ngành cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho ngành chế biến, quá trình này sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao. Vì thế, đây là ngành quan trọng để cung ứng cho thị trường nội địa trong điều kiện cạnh tranh của hội nhập hiện nay.

Trần Thu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất