Ngày 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo đánh giá công tác phối hợp thực hiện chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường, giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh. Tham dự có đại diện cho 9 tổ chức chính trị-xã hội tiêu biểu thuộc TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng và các tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Hưng Yên, An Giang, Yên Bái.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ cuối năm 2004, Bộ đã tiến hành ký kết các Nghị quyết liên tịch về phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững đất nước với các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời, Bộ đã có công văn số 1482 gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các nghị quyết liên tịch phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Hiện Tổng cục Môi trường đã nhận được đề xuất của 19 tỉnh, thành phố với 176 chương trình, dự án, nhiệm vụ nằm trong kế hoạch hành động tiếp tục thực hiện chương trình liên tịch bảo vệ môi trường năm 2013 và những năm tiếp theo.
Theo đó, các bên liên quan đã thống nhất phối hợp thực hiện chương trình liên tịch đã ký kết mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương đã có những định hướng rõ rệt về nội dung, phong phú hơn về hình thức và cao hơn về chất lượng. Sự tham gia của cộng đồng ngày càng đông đảo, được tổ chức chặt chẽ và quan trọng hơn là đã mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng khác nhau, nên luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cơ sở. Mặt khác, từ khi ký kết chương trình liên tịch, sự phối hợp hành động giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và với Liên minh các Hợp tác xã, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật... được tăng cường về các mặt, như xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ môi trường, hỗ trợ chuyên môn, kinh phí, cung cấp tài liệu, hỗ trợ báo cáo viên...
Điển hình như: Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh từ năm 2007 đến nay đã trực tiếp đầu tư cho 13 xã, phường, thị trấn thực hiện nội dung bảo vệ môi trường dưới cấp độ của cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh xây dựng và nhân rộng mô hình Hợp tác xã môi trường, trong đó hỗ trợ mỗi mô hình 150 triệu đồng mua xe vận chuyển rác thải, quy hoạch vùng bãi rác, nhất là thu gom và xử lý chất thải rắn ở cơ sở. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Hưng Yên phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra kế hoạch tuyên truyền về môi trường hàng năm, riêng năm 2011 và 9 tháng đầu năm nay đã phát 500 tin, bài đề cập về môi trường trong chương trình thời sự hàng ngày và chuyên mục "Môi trường với cuộc sống", được đông đảo người dân quan tâm và đồng tình. Hội Nông dân tỉnh An Giang xây dựng 9 câu lạc bộ tham gia thu gom rác thải nông nghiệp, vận động 12.000 hộ dân đăng ký "hộ gia đình cam kết tham gia bảo vệ môi trường"...
Ngoài 14 tham luận trình bày tại Hội thảo đúc kết những kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp thực hiện chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong việc thực hiện chương trình liên tịch thời gian qua. Đồng thời yêu cầu cần phải hoàn thiện việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường bền vững; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội về công tác này; tăng cường sự đồng thuận của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thông qua việc giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện, xung đột lợi ích giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.../.
Văn Hào - TTXVN