Viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Bài chòi sẽ được ưu tiên lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trò chơi Bài chòi và hát dân ca Bài chòi có lịch sử hàng trăm năm ở các tỉnh Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân. Bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.
Trò chơi Bài chòi được tiến hành với 32 tấm thẻ bài, trong không gian là 9 chiếc chòi làm bằng tre lợp tranh hay rạ. Thường được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết, nhưng hiện nay, hội Bài chòi không chỉ diễn ra trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng, hay trong các dịp lễ hội truyền thống khác.
Hội Bài chòi thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ trẻ kế cận. Vì vậy, công tác bảo tồn là hết sức cấp bách.
Được biết, Đà Nẵng là 1 trong 8 tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Trung Bộ được đề nghị khẩn trương làm công tác kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với Bài chòi.
Trên cơ sở đó, Viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị Chính phủ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian sớm nhất./.
VH