Chiều 7/8, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ và góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh.
Đây là di tích được phát lộ trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn qua thôn Chiêm Sơn Tây, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Sau 7 tháng khai quật khảo cổ trên diện tích 3.000m2, với 30 hố mở ở độ dày dao động từ 0,2-0,8m, các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam đã thu được hàng vạn hiện vật bao gồm các vật liệu kiến trúc đồ gốm, đồ sành và đồ đất nung với nhiều kiểu loại khác nhau.
Đồ gốm sứ có nguồn gốc khác nhau như Chăm, sứ Đại Việt thời Lý-Trần, Trung Quốc, Islam. Trên mặt bằng tổng thể khu vực khai quật đã phát hiện 8 dấu tích kiến trúc nhà, hệ thống tường bao. Các kiến trúc được xây dựng có tính chất đối xứng qua trục đường trung tâm, chia di tích ra thành hai bên phía Bắc và phía Nam.
Qua nghiên cứu về loại hình và vật liệu kiến trúc, các chuyên gia đã nhận định niên đại khởi đầu của di tích nằm trong khoảng từ cuối thế kỷ IX và kết thúc cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII.
Di tích Triền Tranh nằm trong cụm di tích Chămpa ở thung lũng Chiêm Sơn Tây có mối quan hệ mật thiết với nhóm các di tích Chămpa khác như Mỹ Sơn, kinh đô Simhapura (Trà Kiệu), cửa Đại Chiêm. Điều khác biệt của di tích này với các di tích Chămpa khác là nó mất hẳn vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia khoa học về khảo cổ và Chămpa đã đề xuất phương án di dời di tích Triền Tranh bằng phương pháp cắt nguyên khối hai đoạn di tích tường thành để di dời về Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Chămpa Duy Xuyên phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Di dời toàn bộ di tích, di vật ở khu vực 3.800m2 khai quật về bảo quản tại Bảo tàng Quảng Nam để giải phóng mặt bằng thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi./.
Theo TTXVN