Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 5/9/2012 22:9'(GMT+7)

Đêm nhạc của những tâm thức Trường Sa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ những cảm xúc khi đặt chân tới Trường Sa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ những cảm xúc khi đặt chân tới Trường Sa.

Với chủ đề: “Trường Sa - Biển đảo Việt Nam mến yêu”, Đài TNVN phối hợp với Đài THVN đã giới thiệu đến khán thính giả cả nước những ca khúc xúc động về quần đảo Trường Sa - tấm lòng của hàng triệu người con Việt Nam gửi đến những người lính hải quân đang ngày đêm vững tay súng, bảo vệ chủ quyền đất nước.

"Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt”

“Bâng khuâng Trường Sa” - ca khúc thể hiện tấm lòng của những người con đất liền dành cho Trường Sa với niềm tri ân, dành cho  những người lính đảo tuổi đôi mươi đang ngày đêm canh giữ biển trời.

Ca khúc được nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ “Thao thức Trường Sa” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương sáng tác trong chuyến thăm Trường Sa hồi tháng 4 mới đây.

“Bâng khuâng Trường Sa" mở đầu bằng sự quyến luyến của những con người phải tạm biệt Trường Sa để trở lại đất liền. Và ấn tượng nhất có lẽ là khổ cuối bài hát: "Bao xương máu đắp hình hài tổ quốc/ Vang vọng về dòng máu lạc hồng xưa/ Giữa đảo xa lá cờ bạc sóng gió/ Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào".

Nghe những chia sẻ của ông Nguyễn Thế Kỷ về Trường Sa

Chia sẻ những cảm xúc khi viết bài thơ này, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, đêm cuối cùng trước khi rời Trường Sa, ông đã thức trắng đêm để sáng tác. “Đặc biệt tôi nhớ nhất là về những người lính đảo: "Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt/Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!”. Những người lính đảo như đứa con trai của tôi thậm chí còn ít tuổi hơn đứa con trai của tôi. Tôi thương các em bởi các em thay mặt cho cả dân tộc, thay mặt cho cả đất nước giữ vững chủ quyền biển đảo cho Tổ Quốc". 

Ông còn cho biết thêm: “Đó là bài thơ thứ hai của tôi về Trường Sa. Tôi có khoe với anh Khoa năm 1997, tôi có làm một bài thơ lục bát về Trường Sa có 4 câu là: "Đêm qua trong giấc chiêm bao/Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng/Luống cày tha thiết bên sông/Bỗng tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa" - Người lính ra Trường Sa để giữ gìn tổ quốc mà vẫn mơ về bên luống cày của mình. Rất bình yên, hòa bình!”.

Ông Kỷ xúc động: "Bằng tất cả ý chí và quyết tâm của người Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài chúng ta sẽ giữ vững Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển thân yêu của chúng ta".

“Tổ Quốc ở Trường Sa”

Lá cờ đỏ sao vàng bằng gốm rực rỡ trên nền màu xanh của biển, màu xanh cây lá giữa trung tâm đảo Trường Sa Lớn là nguồn cảm hứng cho ông Nguyễn Đăng Tiến - Tổng giám đốc Đài TNVN sáng tác bài thơ “Tổ Quốc ở Trường Sa” và nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc ca khúc cùng tên.

Đây là kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công tác của Đoàn cán bộ Đài TNVN nỗ lực vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt về thời tiết để đi khảo sát đặt trạm thu phát sóng FM mới trên đảo Trường Sa.

Nghe những chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Tuyên về Trường Sa

Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ: “Lúc trước tôi biết về Trường Sa qua các bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Lúc ấy nó hoang vu lắm. Còn bây giờ thấy sự xây dựng, chủ quyền biển đảo của chúng ta thể hiện rất rõ. Đó là nguồn động viên lớn. Tôi cũng tin rằng hậu phương sẽ luôn luôn hướng về Trường Sa, động viên chiến sĩ, đồng bào ở Trường Sa nhiều hơn nữa”.

"Trường Sa giữ cho tấm lưng còng mẹ Việt Nam khỏi lạnh"

Nghe những chia sẻ của Trần Đăng Khoa về Trường Sa

"Những ngày này, cả nước hướng về Trường Sa. Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến vị trí của từng hòn đảo của Quần đảo thiêng liêng ấy thì chắc cũng khó mà hình dung được. Bởi trừu tượng quá, mung lung quá. Thôi thì hãy nhìn lên bản đồ.

Tổ quốc của chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình dáng một bà mẹ gày gò đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa!". - Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người từng là lính biển từ năm 1979 đến 1983, tác giả tập truyện “Đảo chìm” kể về cuộc sống lính đảo Trường Sa ngậm ngùi nói.

Với những tình cảm dành cho người lính đảo nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Bây giờ những người lính đảo có thể gặp được người thân trong tích tắc và ngay bây giờ chúng ta đang nhớ về Trường Sa thì những người lính cũng đang theo dõi sự nhớ thương của chúng ta đối với đảo. Tôi cho rằng đó là một giấc mơ, một giấc mơ tuyệt vời khi chúng ta vẫn còn đang tỉnh thức".

Chia sẻ những tình cảm của mình với người lính Hải Quân, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Người lính Hải quân trong chiến tranh cũng như bây giờ, trước sau họ vẫn là những người lính kiên cường trước sóng gió mà sóng gió chỉ có thể làm cho họ vững mạnh thêm. 

Tôi vẫn còn nhớ trong những năm xa xưa đó, thời ấy rất gian khổ. Những người lính thời ấy ở biển không phải chỉ có hai năm mà có khi còn đến 4 năm, có người còn ở đến 10 năm thậm chí họ còn ít cả nghỉ phép bởi vì nói như Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương: Mỗi người chỉ cần bớt đi 1 lần về phép là có thể giúp được cho rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhiều nghĩa trang liệt sỹ... thế nên rất nhiều người lính đảo đã bám trụ trên các đảo. Từ trước đến nay và cả sau này thì người lính luôn vững vàng trước sóng gió”… 

"Sóng xô mãi cũng không mòn - Ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói./.

Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất