Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 1/9/2012 16:54'(GMT+7)

Ấn tượng Gia Lai trong những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội

Đội cồng chiêng làng Yun biểu diễn tại chương trình giao lưu “Gặp gỡ Tây Nguyên”

Đội cồng chiêng làng Yun biểu diễn tại chương trình giao lưu “Gặp gỡ Tây Nguyên”

 

Các hoạt động của đoàn Gia Lai tại “Những ngày văn hóa Tây Nguyên” đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng công chúng Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế. Anh Nguyễn Như Nam, cư trú tại Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội cảm nhận: “Tôi chưa một lần đến Gia Lai, nhưng được tận mắt chiêm ngưỡng các khu trưng bày “Gia Lai đất và người”; “Gia Lai – thành tựu và triển vọng” tôi như được đắm mình trong các danh lam thắng cảnh, các di tích, không gian văn hóa của đất và người Gia Lai. Đồng thời cũng thấy rõ những thành tựu và tiềm năng của tỉnh Gia Lai trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội sau 37 năm xây dựng và trưởng thành”. Chị Hồ Thị Xuân Thu – Phó trưởng phòng Tuyên truyền Cổ động, Trung tâm văn hóa, điện ảnh, du lịch Gia Lai, người phụ trách các khu trưng bày cho biết: “Ban tổ chức và du khách đánh giá cao khu trưng bày của tỉnh vì có hình ảnh, hiện vật đa dạng, phong phú như: các hiện vật khảo cổ, đồ trang sức, cồng chiêng, trống cổ… của người Jarai và Bahnar”.

Không chỉ có vậy, đến với “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội”, đoàn Gia Lai còn làm du khách không thể bước đi trước khu triển lãm tranh sơn mài “Sắc màu Tây Nguyên” của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Với hơn 30 tác phẩm sơn mài, sáng tác trong vòng 15 năm trở lại đây về hình ảnh người phụ nữ Tây Nguyên, bằng đường nét dân gian cộng với tính văn hóa mới lạ. Người xem sẽ thực sự ngỡ ngàng, xúc động trước một Tây Nguyên kỳ diệu, bí ẩn, hoang sơ và mộc mạc.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất và để lại nhiều tình cảm lưu luyến cho công chúng là đội cồng chiêng làng Yun, thuộc xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ. Đến với “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội”, đội cồng chiêng làng Yun gồm 30 chàng trai, cô gái Bahnar khỏe mạnh, thông minh, nhiệt huyết với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong đêm khai mạc, đội đã gieo vào lòng công chúng những cung bập cảm xúc với màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc Bahnar như: Sáo, đàn T'rưng, đàn Goong. Tiếp đến là lễ phục dựng Nhà rông cổ truyền của người Bahnar với đầy đủ các nghi lễ: vật hiến tế, cây neo cao dựng trước nhà rông, biểu diễn cồng chiêng cùng nhịp điệu múa xoang, tái hiện lại các lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, mừng lúa mới… Nghệ nhân Đinh Zenh xúc động nói với chúng tôi khi vừa kết thúc tiết mục của đoàn Gia Lai tại chương trình giao lưu “Gặp ngỡ Tây Nguyên” chiều 30/8: “Rất vinh dự cho đội cồng chiêng làng Yun được đại diện cho các dân tộc thiểu số Gia Lai, mang những âm hưởng, bản sắc văn hóa Gia Lai đến với người dân Thủ đô, bè bạn cả nước và thế giới”.

Các gian hàng thới thiệu đặc sản của Gia Lai cũng mang đến cho bạn bè trong và ngoài nước những dư vị ấn tượng khó quên. Bên cạnh các mặt hàng mỹ nghệ, nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc thiểu số Gia Lai, các sản phẩm có thương hiệu mạnh của Gia Lai như: café Thu Hà, mật ong, tiêu trắng… cũng được mang đến giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước.

“Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” sẽ khép lại, nhưng tiếng cồng, tiếng chiêng, những không gian lễ hội, những sản vật của vùng đất và con người Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn còn bay cao, bay xa thay lời gọi mời du khách đến Gia Lai tươi đẹp, Tây Nguyên yên bình./.

 Anh Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất