Từ 01/01-15/11/2013, thu ngân sách nhà nước đạt 657.600 tỷ đồng, còn chi ngân sách 803.100 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến
15/11/2013 ước tính đạt 657.600 tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm. Trong
đó, thu nội địa 432.600 tỷ đồng, bằng 79,3%; thu từ dầu thô 97.000 tỷ
đồng, bằng 97,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu
123.100 tỷ đồng, bằng 73,9%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh
nghiệp Nhà nước 130.700 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài (không kể dầu thô) 94.400 tỷ đồng; thu thuế công, thương nghiệp và
dịch vụ ngoài Nhà nước 92.200 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 41.600 tỷ
đồng; thuế bảo vệ môi trường 10.000 tỷ đồng; thu phí, lệ phí 8.300 tỷ
đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm
đến 15/11/2013 ước tính đạt 803.100 tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán năm,
trong đó chi đầu tư phát triển 146.200 tỷ đồng, bằng 83,5% (riêng chi
đầu tư xây dựng cơ bản 141.600 tỷ đồng); chi phát triển sự nghiệp kinh
tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao
gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 567.400 tỷ đồng;
chi trả nợ và viện trợ 89.500 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến 15/11, bộ chi ngân sách nhà nước của năm nay là 145.500 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo giải trình về tình
hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội hôm 21/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cho biết: Thu ngân sách Nhà nước đến hết tháng 11 đạt khoảng
86% dự toán, tăng 10,6%; chi ngân sách đạt 87% dự toán, tăng 8,1% so với
cùng kỳ; cố gắng phấn đấu đạt kế hoạch thu, chi ngân sách cả năm.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội lần này, sáng
12/11/2013, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự
toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, nâng mức bội chi ngân
sách nhà nước năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng
không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện).
Cùng với đó, Quốc hội đồng ý mức bội chi
ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224.000 tỷ đồng) và phát hành thêm
170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Việc tăng bội chi ngân sách dành một
phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập
trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn
thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu
tư cho nông nghiệp nông thôn./.
Theo VOVnews