Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 26/11/2013 17:10'(GMT+7)

Hà Nội quyết tạo khâu đột phá trong quản lý xây dựng, phát triển HTKT

Báo cáo tại hội nghị về vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho biết: Trong năm 2013, TP đã tích cực đẩy mạnh công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch và nâng cao chất lượng các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành, đặc biệt quy hoạch xã nông thôn mới, kết quả đã đạt được khối lượng lớn, cơ bản phủ kín quy hoạch trên địa bàn. Các quy hoạch đã tạo tiền đề, động lực để kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án có hiệu quả, quy hoạch đô thị là cơ sở để xây dựng và quản lý đô thị, có tác dụng đi trước trong xây dựng và phát triển đô thị. Song song với các quy hoạch, các hệ thống văn bản pháp quy về quy hoạch kiến trúc đã ban hành góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai, tạo sự công khai minh bạch trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.

Trong công tác quản lý quy hoạch, trong thời gian ngắn, TP đã hoàn thành việc xây dựng và trình HĐND thông qua 11 Nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa Luật Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực phát triển KT-XH, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng, giao thông; nhiều quy định pháp lý, các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ về quy hoạch đã ban hành…; tăng cường đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện còn có một số hạn chế như ở công tác lập và thẩm định quy hoạch, dù đã đạt được khối lượng lớn song cần có giải pháp, cơ chế để hoàn thành các quy hoạch lớn sau quy hoạch chung. Hầu hết các đồ án quy hoạch xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi phê duyệt cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ. Một số đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng đang triển khai… Ngoài ra, kế hoạch phát triển đô thị còn chậm, nhiều dự án bất động sản tồn tại từ trước khi hợp nhất, dẫn tới việc đầu tư xây dựng tràn làn (có giai đoạn ồ ạt nhất là khi giá bất động sản tăng cao), có lúc dàn trải, manh mún và về lâu dài sẽ là nguyên nhân phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch). Việc xử lý các công trình nhà đất siêu mỏng, siêu méo còn chậm so với yêu cầu. Quản lý, tu bổ di tích ở một số nơi còn bất cập, gây bức xúc cho nhân dân.
 Ở lĩnh vực quản lý xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết: Trong thời gian qua, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã tiếp tục triển khai có kết quả công tác quản lý xây dựng, hạ tầng đô thị, nhà ở, công sở, giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc của TP. Các quận, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô; tăng cường quản lý kinh tế, kỹ thuật chất lượng công trình xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị và có những chuyển biến tích cực, số lượng các công trình vi phạm giảm đáng kể. Việc GPMB thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy nhanh, đã khởi công được nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, môi trường quan trọng của TP.

Bên cạnh kết quả trên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng nêu rõ việc trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành một loạt nghị định về cấp phép xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, quản lý nhà, phát triển đô thị, thanh tra xây dựng, xử lý vi phạm trong xây dựng…; số lượng văn bản của TP để triển khai thực hiện trên địa bàn rất nhiều nên việc soạn thảo bị chậm so với yêu cầu. Việc phối hợp xử lý các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo còn vướng vào cơ chế nên tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác GPMB vẫn gặp nhiều khó khăn, một số dự án về nghĩa trang, rác thải còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tham luận tại hội nghị, ý kiến từ quận Tây Hồ kiến nghị việc cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu sông Hồng ngoài bãi. Quận Hoàn Kiếm phản ảnh việc thiếu quỹ đất xây dựng trường học, đang trông chờ vào việc di chuyển các cơ quan, xí nghiệp ra khỏi địa bàn. Quận Ba Đình lại cho biết về việc rà soát các dự án treo. Quận cũng đang chờ quy hoạch phân khu. Trên địa bàn quận Ba Đình, nóng nhất là 2 khu chung cư Thành Công, Giảng Võ… cần quy hoạch để không tăng dân số nhưng tăng diện tích, cây xanh, phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện Từ Liêm lại đề xuất việc khớp nối các quy hoạch (như giao thông, xe buýt); cần có cơ chế yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng đồng bộ với qua hoạch. Chủ đầu tư chỉ lo làm nhà để bán, nhưng “buông” phần xây dựng trường học, công trình công cộng… Tăng cường quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên đường. Mặt khác, quận Long Biên kiến nghị việc xem xét lại việc phân cấp phù hợp với năng lực của từng quận, huyện trong công tác quản lý xây dựng, đầu tư. 
 
Về phía các huyện, huyện Ba Vì đề nghị tăng thêm nguồn lực quy hoạch nông thôn mới, quan tâm hơn về chất lượng và quản lý sau quy hoạch; cần tập huấn thêm nghiệp vụ quản lý trật tự xây dựng. Trên địa bàn huyện Ba Vì có Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng, bãi rác Xuân Sơn… thuộc nhóm dự án bức xúc cần được bố trí thêm vốn.

Qua ý kiến của các quận, huyện, sở, ngành và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá với nhận thức công tác quản lý đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ thường xuyên, chủ yếu và là một trong những khâu đột phá của TP, TP đã tập trung chỉ đạo. Trong 3 năm qua, nhất là sau khi có quy hoạch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một khối lượng lớn quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị sinh thái, huyện lỵ… đã được triển khai; tạo động lực phát triển kinh tế. Những trung tâm lớn như Ba Đình, Hồ Gươm vẫn cần nghiên cứu trong các quy hoạch chi tiết. Các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành như cấp điện, cấp nước, TP đã phê duyệt; phê duyệt hàng trăm khu đô thị mới, hàng ngàn dự án được điều chỉnh.

Ngoài ra, TP còn tập trung vào quy hoạch phát triển nông thôn mới; xây dựng quy chế quản lý phố cổ, phố cũ, các công trình biệt thự, nhà cao tầng; xây dựng quy chuẩn xây dựng cho 4 quận nội thành… Huy động nguồn lực đầu tư, cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị (nghĩa trang, công viên cây xanh), công trình vành đai (Kim Mã – Trần Phú, tuyến đường Ô Chợ Dừa, Vành đai 2 đã khởi động), các tuyến đường lớn (như Nội Bài)… được TP quan tâm chú trọng. Một loạt các dự án xử lý rác thải đã ứng dụng các công nghệ mới…

Công tác quản lý các mặt trật tự xây dựng đô thị đã được tăng cường hơn, giảm thiểu xây dựng trái phép và sai quy hoạch (chỉ còn ở khu vực công trình tư nhân nhỏ lẻ). Thông qua điều hành và quản lý đó, TP từng bước nâng cao được kinh nghiệm và khắc phục được những căn bệnh “thâm niên”như: xây cầu vượt giảm ùn tắc giao thông; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Tuy nhiên, Chủ tịch cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quy hoạch xây dựng đô thị còn nhiều khó khăn, bất cập. Tiến độ lập phê duyệt, quy hoạch còn rất lớn. Việc xây dựng các quy chế, công cụ quản lý chậm. Chất lượng một số quy hoạch chưa đạt yêu cầu. Các quy hoạch chi tiết của các dự án phải điều chỉnh nhiều lần, chậm tiến độ, tạo dư luận bức xúc. Tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khan hiếm về vốn. Các công trình hè đường, cống… chưa đạt yêu cầu, thiếu đồng bộ nên đào đi, bới lại nhiều lần.

Trong thời gian tới, Chủ tịch yêu cầu cần đẩy mạnh hơn công tác quy hoạch, phân giao trách nhiệm cho các đơn vị tư vấn nhất là trong quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, tranh thủ khai thác kinh nghiệm của nước ngoài. Các dự án không đủ điều kiện để điều chỉnh, trả lời dứt điểm ngay để tránh mất thời gian. Hạn chế việc điều chỉnh các khu đô thị mới. Công khai minh bạch quá trình điều chỉnh quy hoạch. Trong đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo cơ chế chính sách huy động xã hội hóa, tập trung đầu tư giao thông, rác thải, xử lý môi trường. Khó khăn nhiều hiện nay không chỉ là vốn mà là GPMB, các quận, huyện cần tập trung vào công tác bồi thường, GPMB.

Chủ tịch khẳng định năm 2014, TP sẽ tập trung hơn nữa vào công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị; nâng cao trách nhiệm và kỷ cương hành chính.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất