Mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT sẽ có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và 100% các trường này có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Đề án đề cập bảy nhiệm vụ và giải pháp và lộ trình thực hiện theo hai giai đoạn: từ nay đến năm 2020 và từ năm 2020 đến 2025.
Nguồn kinh phí thực hiện đề án được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước được giao hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn xã hội khác; nguồn vốn vay ODA từ các chương trình, dự án…
Theo nhandan.com.vn