Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 19/9/2008 10:35'(GMT+7)

Đến năm 2014 sẽ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Người dân chờ khám bệnh BHYT tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa Cần Thơ - Ảnh: T.Lũy

Người dân chờ khám bệnh BHYT tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa Cần Thơ - Ảnh: T.Lũy

Về Dự án Luật Bảo hiểm Y tế, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, Luật Bảo hiểm Y tế rất cần thiết phải ban hành nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội cũng như thể hiện chính sách ưu việt của xã hội ta ưu tiên đến những người nghèo và cận nghèo. Các đại biểu đồng ý với việc để lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2014, vì cần có thời gian để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân đối với việc tham gia bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.

Liên quan đến việc quản lý quỹ bảo hiểm, các đại biểu đều cho rằng, nguyên tắc quản lý Quỹ Bảo hiểm Y tế là phải tập trung, thống nhất trên cả nước để tránh xảy ra tình trạng cùng tham gia bảo hiểm y tế nhưng quyền lợi được hưởng của người có thẻ lại khác nhau giữa các địa phương. Tuy nhiên, cho phép những địa phương quản lý tốt và có kết dư được sử dụng một tỷ lệ nhất định để nâng cấp trang thiết bị khám chữa bệnh cho người dân.

Từ thực tiễn khám chữa bệnh, một số bệnh viện của thành phố đề nghị đưa vào Luật quy định cơ quan bảo hiểm y tế khi giao cho bệnh viện nào số lượng thẻ bảo hiểm thì cần kèm theo đó có mã số, tên tuổi người được bảo hiểm để bệnh viện theo dõi, quản lý. Hiện nay, tình trạng quá tải đều xảy ra ở các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện chuyên ngành, mà một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này lại do số lượng người bệnh đăng ký bảo hiểm quá nhiều, vì vậy cần phải quy định rõ tuyến để phân luồng bệnh nhân.

Về Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều kiện quy định tại điểm c khoản 1: “Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam” và điều kiện quy định tại Điểm d khoản 1 “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” còn chung chung và khó xác định. Các quy định này cần được tiêu chuẩn hóa cụ thể hơn để tạo điều kiện cho đối tượng áp dụng.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định tại điểm a khoản 2, điều 27: “người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau: a) đang nợ thuế đối với nhà nước hoặc một nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc công dân Việt Nam”. Như vậy, hóa ra người có nợ một nghĩa vụ tài sản đối với công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam thì vẫn được thôi quốc tịch Việt Nam hay sao? Mà trên thực tế người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì quyền lợi hợp pháp của họ được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài; giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam.../.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất