Nhiều nông dân ở một vùng quê vốn quen với cây lúa ở tỉnh Nam Định đã trở nên khá giả nhờ làm đèn ông sao bán vào dịp Tết Trung thu.
Về làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (huyện Nam Trực, Nam Định), những ngày giáp Tết Trung thu, chúng tôi vẫn bắt gặp một số gia đình khẩn trương làm nốt những chiếc đèn ông sao cuối cùng để trực tiếp đưa lên tiêu thụ ở Hà Nội...
Kiếm tiền tỷ dịp Tết Trung thu
Ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư chi bộ làng, cũng là người có hơn 20 năm làm đèn ông sao, hồ hởi chia sẻ: “Tôi vừa mới bán được 10.000 chiếc đèn ông sao, thu về 30 triệu đồng. Nhiều ngôi nhà cao tầng trong làng mọc lên cũng nhờ nghề này mà ra. Vào dịp Tết Trung thu, cả làng kiếm được vài tỷ đồng”.
Ông Chung cho hay, làng Báo Đáp xưa kia ngoài nghề nhuộm vải, người dân cũng chỉ quen với cây lúa, củ khoai. Nhưng ruộng đất ít, người lại đông, còn nghề nhuộm vải cũng dần sa sút, không còn phát triển như trước. Trong cuộc mưu sinh, một số người dân đã tận dụng kỹ thuật nhuộm vải chuyển sang nhuộm giấy bóng làm đèn ông sao bán vào dịp Trung thu.
Mới đầu, cả làng chỉ có dăm ba người làm nghề, rồi tự tay mang lên TP Nam Định bán. Những chiếc đèn ông sao mới lạ, màu sắc bắt mắt của làng Báo Đáp đã nhanh chóng thu hút những “thượng đế” nhỏ tuổi. Dần dần, mặt hàng này cứ vươn ra các tỉnh, góp mặt vào những đêm phá cỗ rằm Trung Thu của các em nhỏ.
Thế rồi, chẳng ai bảo ai, người làng đua nhau làm đèn ông sao. Từ chỗ chỉ có vài ba hộ làm nghề, đến nay cả làng có gần 300 gia đình chuyên làm đèn ông sao.
Bắt đầu từ tháng Chạp năm trước, người làng đã lặn lội vào tận Thanh Hoá chọn mua nứa làm khung đèn. Đến tháng 7 âm lịch bước vào chính vụ làm đèn ông sao, cả làng trở nên tất bật, nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi người, mỗi việc tạo nên không khí đông vui, đầm ấm.
Trước sự cạnh tranh các mặt hàng đồ chơi của nước ngoài và để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân Báo Đáp đã có nhiều cải tiến về mẫu mã và chất lượng trong việc làm đèn ông sao. Thay vì dán giấy thông thường như ngày trước, người làng dùng giấy bóng trắng và tự tay nhuộm màu để vừa có màu sắc đẹp, vừa tạo nên độ bền chắc của sản phẩm.
“Đèn ông sao Báo Đáp đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên khắp cả nước. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch, cả làng lại chật kín xe ô tô tải ở các tỉnh về ăn hàng”, ông Chung nói.
Chỉ tính riêng năm 2011, cả làng xuất ra thị trường gần 2 triệu sản phẩm, thu về khoảng 6 tỷ đồng và tạo việc làm cho 800 lao động địa phương.
Tay trắng xây nhà từ "lồng đèn"
Cũng nhờ có nghề làm đèn ông sao mà không ít nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ở làng Báo Đáp đã đổi đời. Có người cầm trên tay vài trăm triệu đồng tiền hàng bán vào dịp Tết Trung thu.
Căn nhà cao tầng của anh Nguyễn Văn Bàn trở nên nổi bật ở phía cuối làng. Ở ngôi làng được bao quanh toàn là đồng lúa này, những căn nhà khang trang như nhà anh Bàn đang mọc lên san sát. “Tiền làm nhà cũng nhờ một phần từ nghề làm đèn ông sao mà ra”, anh Bàn cho biết.
Ngày mới xây dựng gia đình, hai vợ chồng anh gần như chỉ có hai bàn tay trắng. Cả nhà chỉ có vài sào ruộng. Anh cùng vợ quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm đèn ông sao.
Những năm đầu, anh làm ăn theo kiểu “cò con” với vài nghìn chiếc. Sau đó, anh tự tay mang sản phẩm lên Hà Nội chắp mối làm ăn. Có chỗ tiêu thụ, anh về nhà mở rộng quy mô sản xuất.
Mỗi năm, riêng gia đình anh bán ra thị trường 2,5 vạn chiếc đèn ông sao. Không dừng lại ở đó, annh còn đứng lên nhận thu mua sản phầm từ các gia đình trong làng để giao cho các cửa hàng lớn ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương…
Tết Trung thu năm ngoái, gia đình anh xuất hơn 10 vạn chiếc đèn ông sao với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng. “Từ một người nông dân với hai bàn tay trắng, nhờ có nghề làm đèn ông sao, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả như ngày nay”, anh Bàn tâm sự.
Nguyễn Thắng - Chinhphu.vn