Ông Lê Văn Thống, Trưởng ban cúng tế Đền thờ Bác Hồ, một trong những người lập đền thờ Bác tại xã Lương Tâm nhớ lại: “Từ khi đền thờ Bác được xây dựng đến nay, ngày 3/9 hàng năm, nơi đây trở thành điểm để sinh hoạt, kiểm điểm theo Di chúc của Người những việc làm được, chưa được của Đảng bộ, chính quyền sở tại”.
Khi nghe tin Bác qua đời, để đền đáp công ơn trời biển mà Bác đã dành cho miền Nam, Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm lập bàn thờ để truy điệu Bác. Xúc động sâu sắc trước tình cảm thiêng liêng, cao quý của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đối với Bác, ngay sau Quốc tang, các đồng chí lãnh đạo và một số cụ phụ lão đã quyết định xây dựng đền thờ bác tại ấp 3, xã Lương Tâm. Từ đó, mỗi năm vào các ngày sinh, lễ giỗ Bác và Tết nguyên đán, Đảng bộ xã Lương Tâm và nhân dân trong vùng đều tổ chức tại đền thờ Bác. Ngoài ra nhân dân xã Lương Tâm và các địa phương trong tỉnh còn thờ và giỗ Bác tại nhà riêng của mình được duy trì từ đó đến nay.
Đến nay tại Hậu Giang, phong trào thờ ảnh Bác đang được nhân rộng trong toàn tỉnh, đã có trên 90% hộ dân tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy thờ ảnh Bác. Trong thâm tâm họ, việc thờ Bác như thờ chính ông bà tổ tiên mình và cũng là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Bác.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, người dân ấp 1, thị trấn Nàng Mau cho biết: “Trước đây tôi cũng có trưng tấm ảnh nhưng để trong phòng riêng. Nhưng giờ tôi đã rước ảnh Bác lồng khung, mua thêm chiếc tủ, bình hoa và đặt ngay tại phòng khách để hàng ngày mọi người trong gia đình và khách đến đều nhìn thấy thắp hương thờ viếng Bác”
Theo bà Nguyễn Kiên Trinh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nàng Mau: “Ngay sau khi Đảng uỷ xã phát động phong trào treo ảnh Bác Hồ trong mỗi hộ gia đình, các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xã đã tích cực tổ chức triển khai, quán triệt chủ trương treo ảnh Bác Hồ của Đảng ủy và vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các chi hội, tổ hội gương mẫu thực hiện việc treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng trong gia đình mình. Từ đó, phát động rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện.”
Việc thờ ảnh Bác đã lan tỏa đến đồng bào Khmer và người theo đạo. Tại xã Vĩnh Trung, hầu hết bà con Khmer tại xã dù nghèo hay giàu đều trưng, thờ ảnh Bác tại nhà ở nơi trân trọng nhất. Có nhiều gia đình đến ngày giỗ Bác đã tổ chức mâm cơm cúng như chính người ruột thịt trong gia đình. Ông Thạch Rươl, người dân Khmer ở ấp 5, xã Vĩnh Trung tâm sự: “Nhắc đến Bác ai mà không thương, không quý. Không chỉ tiên phong thờ ảnh mà tui còn vận động bà con phải trưng thờ Bác với lòng thành kính”.
Không riêng gì ông Rươl, nhắc về chuyện trưng, thờ ảnh Bác, nhiều người dân ở ấp 5 xã Vĩnh Trung vẫn còn ấn tượng sâu sắc về lễ rước ảnh Bác được tổ chức vào dịp 19/5 vừa qua, bởi đó là thời điểm ấp được chọn làm thí điểm trong phong trào rước ảnh Bác trong đồng bào Khmer về treo nơi trang trọng trong nhà do tỉnhHậu Giang tổ chức.
Ông Lâm Trường Sơn, người Khmer tại ấp 5, xã Vĩnh Trung phấn khởi nói: “Hôm rước ảnh vui lắm! Ai cũng phấn khởi đến chùa để chờ rước ảnh Bác. Gia đình tôi đã thờ Bác từ 4 năm nay rồi. Được tặng thêm tấm chân dung Bác tôi để dành cho con đi làm ăn xa mai mốt về, cất nhà ra riêng sẽ đưa tấm ảnh Bác này qua nhà nó thờ thêm. Nghe lời Bác, mình cũng cố gắng làm ăn, cần kiệm, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, dạy bảo con cháu tập trung làm kinh tế, chống giặc đói và giặc dốt để xây dựng đời sống văn minh”.
Ông Võ Minh Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Huyện Vị Thủy là đơn vị điển hình trong phong trào người dân rước ảnh Bác về thờ. Phòng trào này đang được nhân rộng ở các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt những dịp lễ, Tết… như dịp 2/9 này, một số nơi còn tổ chức cho đồng bào Khmer rước ảnh Bác tại các chùa Khmer hết sức long trọng. Đây là dịp để cán bộ và người dân kiểm lại những việc bản thân làm được, chưa làm được theo Di chúc của Bác Hồ trong xây dựng đời sống văn hóa cũng như phát triển kinh tế./.
Huỳnh Sử - Thu Hiền/ TTX