Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 19/8/2014 7:31'(GMT+7)

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ánh sáng của trí tuệ và niềm tin

Sáng 16/8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu tư tưởng đã tham dự hội thảo khoa học Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ánh sáng của trí tuệ và niềm tin. Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM và Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị Quốc gia Khu vực II), Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), Cơ quan đại diện Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam tại TPHCM (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp tổ chức.

Có 164 tham luận gửi đến hội thảo, tập trung vào 9 chủ đề: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Di sản vô giá của dân tộc và nhân loại trong thời đại mới; mang tính cương lĩnh của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; việc đổi mới tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; việc xây dựng hệ thống chính trị; về sự nghiệp trồng người; việc xây dựng đạo đức cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay; thành tựu và bài học kinh nghiệm qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của bậc vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng con người được Người khởi viết từ 15/5/1965, sửa chữa vào mỗi dịp tháng 5 hàng năm và đến lần sửa cuối cùng trong nhiều ngày vào tháng 5/1969, trước khi Người ra đi 4 tháng. Được biết, Người đã gạch đi, thêm vào những chữ nào mới thấy được Người đã “cân từng một phần nghìn miligram quặng chữ” (nói như Maiakovski) và cuối cùng chỉ để lại hơn 1.000 chữ. Những con chữ đầy sức nặng, không thừa không thiếu, khái quát trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc ta cùng định hướng xây dựng đất nước - con người xã hội chủ nghĩa.

Tham luận của PGS.TS Vũ Tình (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập đến khái niệm “chủ nghĩa cộng sản” nhưng khi Người nói đến một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; khi Người “mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lênin…” và Người xác định đoàn viên, thanh niên là những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội thì mục đích xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa đã được thể hiện…”.

Đề cập vấn đề Đoàn kết – Tâm nguyện lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử,TS. Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là viên ngọc quý; trong Hồ Chí Minh toàn tập, có 840/2.000 bài (tức trên 43% nội dung) đã nói đến vấn đề này. Chỉ với hơn 1.000 từ, bản Di chúc được xem là bản Tổng kết về cách mạng Việt Nam với bao vấn đề hệ trọng, riêng từ đoàn kết đã được nhấn mạnh tới 8 lần. Vấn đề đoàn kết trong Di chúc của Bác cũng được TS.Nguyễn Bách Khoa (Bí thư Huyện ủy Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nói đến trong tham luận Di chúc Bác Hồ đối với việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

Buổi hội thảo kết thúc sau 6 bản tham luận và 5 ý kiến thảo luận, phân tích sâu nhiều khía cạnh về giá trị của bản Di chúc, khẳng định được tầm vóc của bản Di chúc, đúng là một “Bảo vật quốc gia”.


Theo Ngọc Tuyết, Thành ủy TP HCM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất