Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 20/8/2014 11:27'(GMT+7)

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, là sự kết tinh tinh thần, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người, vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước cả hôm nay và trong tương lai.

 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Người đối với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc là một trong năm bảo vật Quốc gia[1], chứa đựng những giá trị, ý nghĩa lớn lao và luôn tỏa sáng, soi đường cho cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang trên bước đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều phương diện, chứa đựng những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, mang ý nghĩa nhân văn cao cả và giá trị lịch sử cho muôn đời sau. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một ý nguyện của Người về xây dựng một đời sống văn hóa mới, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

 Trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” viết ngày 10-5-1968, sau khi dành tâm tư, tình cảm cho Đảng, cho dân, cho phong trào cách mạng thế giới, trong phần Về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”[2].

Như chúng ta đều biết, nói đến Hồ Chí Minh, chúng ta không chỉ biết đến Người ở tấm lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, mà còn học ở Người một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, chân thành, gắn bó với con người, với thiên nhiên.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề môi trường, Người thấy được môi trường có vai trò hết sức quan trọng  đối với sự sống của con người. Con người muốn tồn tại, phát triển một mặt cần phải sống hòa hợp với tự nhiên, mặt khác còn phải biết cải tạo, chinh phục tự nhiên. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự tồn tại của chính con người và sự phát triển của xã hội loài người.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, môi trường tự nhiên không phải là cái gì xa lạ, mà nó rất gần gũi với con người. Người từng nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh… Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”[3]. Môi trường xã hội là những vấn đề liên quan đến lối sống, nếp sống của con người, như ăn, mặc, ở, đi lại, phong tục tập quán …Người cho rằng, để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình, thì con người cần phải bảo vệ và xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất, rừng, biển; ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu.

Quá trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi khổ cực lầm than của nhân dân các nước bị chế độ thực dân xâm lược và sự hủy diệt môi trường do các cuộc chiến tranh gây ra. Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết lên án cuộc chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc thực dân đã gây ra cho nhân dân các nước thuộc địa bao đau thương, khổ cực: Làng mạc bị thiêu hủy, đồng ruộng bị tan hoang, cây cối bị chặt chụi, những khu dân cư chỉ còn là những đống đổ nát, môi trường bị tàn phá. Người viết: “Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là sự triệt hạ sự sống của một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó”[4]. Không chỉ đốt, phá làng mạc, đường sá, cầu cống, mà bọn đế quốc thực dân còn thi hành chính sách vơ vét tài nguyên, khoáng sản ở các nước thuộc địa. Hậu quả là đã làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường sinh thái ở các nước thuộc địa. Tội ác đó đến nay vẫn còn để lại hậu quả rất nặng nề cho những nước bị đế quốc thực dân xâm chiếm.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh được chứng kiến tận mắt sự tàn phá của chiến tranh mà chủ nghĩa đế quốc thực dân đã gây ra đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Người tố cáo thực dân Pháp đã đốt phá làng mạc, cầu đường, đê đập, vơ vét, cướp bóc những nguồn tài nguyên khoáng sản quý ở Đông Dương để kiếm lời, khai thác và chặt phá rừng bừa bãi, chẳng cần chú ý gây lại những gì chúng đã phá phách. Người tố cáo đế quốc Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, bom napan, bom bi… để giết hại đồng bào ta, tàn phá đồng ruộng, đốt sạch làng xóm ở Việt Nam. Chúng đã dùng “những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc để giết hại đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hại làng mạc…hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, để đập”[5]. Hậu quả mà đế quốc Mỹ để lại cho nhân dân Việt Nam là hết sức nặng nề, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, lo lãnh đạo nhân dân chống thù trong giặc ngoài, lo xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, song Hồ Chí Minh vẫn không quên đến vấn đề bảo vệ môi trường. Với tầm nhìn chiến lược và nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của môi trường đối với sự sống của con người, Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó việc bảo vệ rừng. Bởi, rừng giữ vai trò điều hòa khí hậu, giữ đất, giữ nước, cân bằng môi trường tự nhiên. Người từng nói: “rừng vàng, biển bạc”, “nếu rừng kiệt sẽ không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt và hạn hán”[6]. Vì vậy, “chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”[7]. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác rừng phải đi đôi với bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng. Người nói: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng”[8]. Người cho rằng “Trồng cây sẽ có gỗ để làm nhà. Cây cối còn làm cho đất nước tươi đẹp, người đi đường có cây cao bóng mát để nghỉ ngơi. Cây cối còn ảnh hưởng tốt tới khí hậu và sức khỏe của nhân dân”[9]. Việc làm này theo Người “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ mùa màng, xóm làng, bảo vệ môi trường, hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra. Nhận thức được ích lợi của việc bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng, Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[10]. Theo Người, “trồng cây” hay “trồng người” cũng đều nhằm  phục vụ cho con người, vì con người, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trồng cây gây rừng là để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của con người cho hôm nay và cho cả mai sau, “trồng người” là để đào tạo, bồi dưỡng những lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả “trồng cây” và “trồng người” đều quan trọng cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm thực hiện cho tốt.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây”, kêu gọi tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây và Người lưu ý rằng, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng là lực lượng chính của hoạt động này. Từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta. Trước khi qua đời, trong Di chúc, Người dặn lại: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các phụ lão”[11].

Không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên, Hồ Chí Minh còn quan tâm và coi trọng đến việc xây dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Người đã viết tác phẩm “Đời sống mới”(1947), nhằm tuyên truyền, vận động toàn dân ta thực hiện đời sống văn hóa mới. Người khuyên mọi người phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch, mặc sạch, đường sá, ao tắm, giếng nước phải sạch sẽ, “sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm”; đồng thời, phải đấu tranh loại trừ các phong tục tập quán lạc hậu, như cúng bái, ma chay, cưới hỏi; phải xóa bỏ các tệ nạn xã hội trong đời sống, như cờ bạc, nghiện hút. Người nêu rõ: “Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”[12].

Hồ Chí Minh đã khởi xướng nhiều phong trào thi xây dựng đời sống mới, được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, như: phong trào “vệ sinh yêu nước”, phong trào “ba xây, ba chống”, v.v. Nhà nào, làng nào, tỉnh nào, vùng nào làm được tốt hơn hết sẽ được Người biểu dương, khen thưởng. Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về thực hành lối sống mới: Giản dị, tiết kiệm, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, thường xuyên luyện tập giữ gìn sức khỏe, gắn bó với con người, với thiên nhiên, luôn có ý thức giữ gìn trong sạch vệ sinh môi trường. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ‘hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều diện, thì “điện táng” càng tốt hơn”[13].

Bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhất, những lời dặn lại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường chứa chan tấm lòng của một hiền nhân đối với con người, với thiên nhiên, môi trường. Người là hiện thân của tinh thần, tâm hồn người Việt, bình dị mà vĩ đại. Với tất cả những gì Người đã làm, đã nêu gương và để lại sẽ sống mãi với thời gian.

45 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường:

Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện, như: Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật tài nguyên nước, Luật đất đai và công bố nhiều văn bản dưới luật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường.

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mang tính văn hóa-xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường ngày càng phong phú đa dạng hơn, như: Ra bản tin, đưa vào quy ước, hương ước cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, liên hoan phim về môi trường...

 Những vấn đề bức xúc về môi trường, các “điểm nóng” vi phạm môi trường từng bước được giải quyết. Từng bước khắc phục các khu vực bị nhiễm độc do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề đã có những chuyển biến tích cực. Xuất hiện nhiều mô hình tốt, nhiều tấm gương tốt về bảo vệ môi trường. Trong 5 năm 2005-2010, đã có 69 tập thể và 27 cá nhân tiêu biểu xuất sắc được Bộ tài nguyên và môi trường trao tặng “Giải thưởng môi trường”.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã thu được những kết quả đáng khích lệ, nhiều dự án quốc tế về bảo vệ môi trường do Qũy Môi trường toàn cầu, Ngân hàng thế giới, tổ chức hợp tác phát triển Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới tài trợ được tổ chức triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, đó là nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng  ngày càng giảm đi; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề thủ công ngày càng tăng; dân số tăng nhanh cũng gây ra áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến nước ta thành bãi thải cho hàng hoá kém chất lượng, hàng hoá không thân thiện với môi trường từ các nước khác nhập vào.

 Trên thế giới, loài người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được nếu không có sự hợp tác, phối hợp với nhau. Đó là sự nóng lên của trái đất và nước biển dâng; là tình trạng ô nhiễm môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, phóng xạ..), dịch bệnh (cúm, HIV/AIDS); là khủng hoảng năng lượng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt ( Đất, nước, rừng, khoáng sản, động thực vật…), tình trạng tranh chấp tài nguyên thiên nhiên…Điều đó đã ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế của các nước, buộc thế giới phải thay đổi suy nghĩ và hành động để “cứu lấy trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta” trước những hiểm họa từ sự ô nhiễm môi trường gây nên.

Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các dự án phát triển sản xuất, các khu công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Điều này không tránh khỏi việc sử dụng tài nguyên, đất đai không hiệu quả; môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tạo ra những cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

Thực hiện Di huấn của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, Đảng ta nêu rõ: “Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất”.[14]



[1] Theo Quyết định số 1426-QĐ-TTg, ngày 1-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ, 5 bảo vật Quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh:  “Đường Kách mệnh” (1927), “Nhật ký trong tù”(1942-1943), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”(19-12-1946), “Lời kêu goi đồng bào và chiến sĩ cả nước”(17-7-1966),” Di chúc” (1969).

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.615.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.283.

[4]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 169.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 301

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 294

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.13, tr.81

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.213.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.13, tr.472.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.528.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 615

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd ,t.5, tr. 119

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 615.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.221-222.

PGS,TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất