Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 6/2/2009 15:32'(GMT+7)

Năm 2009, năm tập trung cho tiêu dùng nội địa

Mua hàng tại siêu thị

Mua hàng tại siêu thị

Từ chỗ sản xuất hướng về xuất khẩu, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng trên thị trường trong nước, thay đổi cơ cấu sản phẩm và thói quen tiêu dùng, là vấn đề rất quan trọng đối với các DN và nền kinh tế nước ta.

Những ngày đầu năm, nhiều tổ chức kinh tế thế giới và nhiều chuyên gia tài chính, tiền tệ quốc tế có nhiều phỏng đoán và phác họa những nét cơ bản của kinh tế thế giới năm 2009.

Ðáng lưu ý họ lại dành cho kinh tế Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt, đưa ra những nhận định mặc dù rất khác nhau về kinh tế Việt Nam năm 2009.

Dù chỉ là phỏng đoán và dự báo nhưng cũng nên xem như cảnh báo sớm để chúng ta chủ động tham khảo, nghiên cứu và sẵn sàng đưa ra các giải pháp thích hợp, ứng phó kịp thời với những diễn biến không thuận của nền kinh tế.

Trên cơ sở những dự báo, nhận định về suy giảm kinh tế thế giới và Việt Nam, xuất khẩu giảm sút, để chủ động ứng phó kịp thời với tình hình, cần ưu tiên và tập trung cho tiêu dùng nội địa. Ðây là chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế để duy trì sản xuất và tăng trưởng.

Thị trường Việt Nam những năm gần đây được giới nghiên cứu đánh giá là đầy tiềm năng, có lúc đã xếp hạng có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, vì trong nhiều năm liên tiếp GDP Việt Nam tăng ở mức cao từ 7 đến 8,3%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng từ 20 đến 27%.

Năm 2008 đã đạt tới xấp xỉ 970 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 31%, nếu trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng này vẫn cao hơn năm 2007, gấp bốn lần so với những năm 2004 - 2005. Với một thị trường 86 triệu dân, trong đó một nửa dân số trẻ, có độ tuổi dưới 35; đặc biệt có 72% dân số sống ở nông thôn, khu vực được cho là đầy tiềm năng nhưng hiện nay còn bỏ ngỏ, trong tương lai gần có thể sẽ có sức mua tăng đột biến nếu các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát huy hiệu quả.

Thị trường nội địa đã có quy mô khá lớn là một trong những nhân tố quyết định thúc đẩy nền kinh tế phát triển và đẩy nhanh quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam thì thị trường nội địa là một địa chỉ tin cậy cần được tập trung khai thác mà lâu nay không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong nước chưa thật sự quan tâm.

Hướng về tiêu dùng trong nước trong thời điểm hiện nay và những năm tới là tiếng gọi thiêng liêng của đất nước đối với mỗi người tiêu dùng Việt Nam nhằm thực hiện có hiệu quả những biện pháp khắc phục tình hình giảm phát vì tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sau cơn lạm phát từ cuối năm 2007 đến tháng 8-2008, đến nay sức mua từng gia đình đến toàn xã hội vẫn còn di chứng "thiếu tiền" cho tiêu dùng, nhưng nhu cầu thiết yếu của 86 triệu dân vẫn còn rất lớn.

Theo đánh giá của các DN phân phối thì ngày nay người tiêu dùng Việt Nam đã có những thay đổi lớn về quan điểm, tư duy và văn hóa tiêu dùng; sự thay đổi này được thể hiện khá rõ ở những đô thị, khu kinh tế công nghiệp, ở những địa phương kinh tế phát triển. Phần lớn người tiêu dùng đã tự điều chỉnh chi tiêu phù hợp diễn biến của thị trường và họ có những đòi hỏi quyền lợi chính đáng đối với những sản phẩm sản xuất trong nước từ giá cả, chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm... đến dịch vụ mua bán hàng, điều kiện thanh toán.

Ðặc biệt người tiêu dùng ở nông thôn đang chiếm số đông nhưng thu nhập thấp, khả năng thanh toán không cao, là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất: Lúc lạm phát cao họ phải chịu áp lực của đầu vào, khi giảm phát họ lại phải chịu áp lực đầu ra của các sản phẩm do chính họ sản xuất. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần tập trung kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng thoả đáng và phù hợp cho khu vực này nhanh chóng ổn định sản xuất, hồi phục sức mua.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tạo điều kiện để mỗi người tiêu dùng Việt Nam mỗi tháng chi tiêu thêm từ 15 đến 20 nghìn đồng thì năm 2009, sức mua sẽ tăng thêm từ 16 đến 17 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD (và như vậy các nhà sản xuất hàng hóa trong nước sẽ làm ra số sản phẩm tương đương), số tiền này chắc chắn sẽ bù đắp lại sự giảm sút sức mua trong năm 2009.

Hiện nay, cả nước có khoảng 350 nghìn DN, trong đó khoảng 65 đến 70% số DN tham gia hoạt động phân phối, kể cả các DN vừa sản xuất, vừa tham gia phân phối tự tiêu thụ sản phẩm.

Trong số này có nhiều DN tham gia xuất khẩu từ 60 đến 95% lượng sản phẩm làm ra, nhiều DN khi thị trường xuất khẩu "thịnh vượng" đã không quan tâm đến nhu cầu nội địa. Vì vậy, thị trường trong nước đầy tiềm năng vẫn chưa được khai thác, trong khi đó những nhà phân phối hàng đầu thế giới lại rất quan tâm và muốn nhảy vào.

Những năm 1999-2002, nhiều nhà xuất khẩu lớn như may Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, các công ty xuất khẩu thủy sản An Giang, Kiên Giang, các tổng công ty Intimex, thực phẩm miền bắc, Sài Gòn Co. op... khi thị trường xuất khẩu thu hẹp đã nhanh chóng chuyển hướng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng cách hạ giá bán, tăng cường tiếp thị, tăng cường đưa hàng về các khu vực có nhu cầu lớn, dân cư đông mà trước đây còn bỏ trống.

Chỉ một thời gian không dài thị phần nội địa của các DN này đã có bước tăng trưởng nhanh chóng, tuy lợi nhuận có giảm, thậm chí có sản phẩm hòa hoặc lỗ một chút nhưng cái được lớn nhất là uy tín, lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm được ghi nhận, tạo nên thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm sản xuất trong nước, gắn kết giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất, nhà phân phối.

Ðây là một bài học quý giá mà các DN còn quá mải mê với xuất khẩu cần nghiên cứu. Các nhà sản xuất, phân phối trong kinh doanh thời giảm phát, lãi suất ngân hàng tuy có hạ nhưng vẫn còn rất cao so với thực tiễn sản xuất, kinh doanh nếu chiếm lĩnh được thị trường nội địa sẽ thu hồi quay vòng nhanh đồng vốn, hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.

Thị trường phân phối Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ Việt Nam không thể thiếu sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Sự điều chỉnh, can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp kinh tế là định hướng, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng và cấp thiết trước diễn biến nhanh của thị trường.

Sau hơn hai năm gia nhập WTO, những thuận lợi, khó khăn, thách thức đã bộc lộ rất rõ. Ðó là thị trường Việt Nam không thể tách rời thị trường khu vực và thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu không thể tách rời thị trường nội địa.

Ðây là mối quan hệ hữu cơ mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm theo dõi và xử lý khôn khéo phù hợp tín hiệu thị trường. Khi thị trường xuất khẩu đang trên đà giảm sút, cần tập trung giữ ổn định và phát triển thị trường nội địa, bằng các biện pháp chống giảm phát, hỗ trợ tích cực khu vực sản xuất hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng và những sản phẩm xuất khẩu vẫn còn thị trường, nhất là nhóm hàng nông sản, nhóm hàng tiêu dùng thông thường.

Ðồng thời bằng các công cụ lãi suất, thuế... tạo lập môi trường kinh doanh giúp các DN mau chóng thiết lập hệ thống bán hàng trên địa bàn cả nước. Sử dụng công cụ lãi suất, thuế một cách nhạy bén, mềm mại, kịp thời giúp thị trường ổn định, thực hiện những biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước đối với những mặt hàng nhạy cảm trong khuôn khổ cam kết WTO, đặc biệt là nhóm hàng nông sản như gạo, đường, thuốc lá, muối... đến xăng, dầu, thuốc chữa bệnh... Thường xuyên có biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, sử dụng tốt rào cản kỹ thuật để hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập khẩu những hàng hóa tiêu dùng trong nước đã sản xuất được với chất lượng ổn định, chống gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng. Ðồng thời sẵn sàng can thiệp vào thị trường trong trường hợp có biến động xấu, tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Cùng với kích cầu sản xuất, cần quan tâm kích cầu tiêu dùng bằng cải thiện dịch vụ hệ thống tín dụng, cho vay lãi suất hợp lý, thời gian vay, hạn vay theo thời vụ dài hơn, điều kiện vay dễ dàng để kích thích người sản xuất. Thông qua hệ thống chính sách tiền tệ, tài chính ổn định để kích thích sản xuất, khuyến khích tiêu dùng là biện pháp quan trọng không thể thiếu trong điều kiện thị trường xuất khẩu giảm sút, thị trường tiêu dùng nội địa đang chững lại.

TG- theo Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất