Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/12/2010 14:59'(GMT+7)

Dệt may Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Xuất khẩu tăng cao

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam năm nay đạt 11,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009, vượt 5% so với kế hoạch 10,5 tỉ USD được đề ra ngay từ đầu năm mà hầu hết chuyên gia đã cho là khó thực hiện được. Tháng 12 này là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu dệt may vượt mức 1 tỷ USD.

Theo Vitas, với kim ngạch xuất khẩu này, giá trị ngoại tệ thực hưởng sau khi trừ nguyên liệu nhập khẩu của toàn ngành năm nay ước tăng khoảng 18%, đạt ít nhất trên 4,5 tỉ USD.

Như vậy, dệt may sẽ trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí Top 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Tại Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Dệt may Việt Nam diễn ra hồi tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao sự đóng góp của ngành dệt may đối với nền kinh tế đất nước. Phó Thủ tướng khẳng  định: ngành Dệt may đã vượt qua khó khăn, trụ vững tại thương trường trong nước và đủ sức cạnh tranh với thế giới, đi bằng con đường chất lượng, thương hiệu thời trang, trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường, cũng như giải quyết tốt đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. So với tổng lượng xuất khẩu cả nước là khoảng hơn 70 tỷ USD thì ngành Dệt may đang chiếm tỷ trọng lớn, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong những năm qua, ngành dệt may luôn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trên 17%/năm.

Ông Lê Quốc Ân- nguyên Chủ tịch Hội đồng Quảng trị Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết: “Tín hiệu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam đã được ghi nhận ngay trong những tháng đầu năm 2010 khi mà nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu hồi phục từ những tháng cuối năm 2009. Đơn hàng tràn ngập, nhập khẩu nguyên phụ liệu liên tục tăng thêm, giá cả gia công và tiền lương của người lao động được cải thiện đã tạo không khí sản xuất hồ hởi trong hầu hết các doanh nghiệp”.

Càng phấn khởi hơn khi những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện rõ rệt. Trong cả hai năm 2009 – 2010, tỉ lệ thặng dư ngoại tệ trong hàng xuất khẩu của toàn ngành đạt từ 42-44% kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu đạt trên 40%. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Cuộc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May & Da Giày năm 2009 và 2010 đã gia tăng rõ rệt. Tổng Công ty May Việt Tiến có lợi nhuận 120 tỉ và tỉ suất lợi nhuận 44%.

Hơn 40% số lượng doanh nghiệp tham gia bình chọn đều có tỉ suất lợi nhuận trên 40%, cá biệt Công ty cổ phần may Hưng Long có tỉ suất lợi nhuận 170%, Công ty cổ phần may Hưng Yên: 135%, Công ty cổ phần may Tiên Hưng: 115%, Công ty cổ phần may Đồng Tiến có tỉ suất 105%...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vừa có doanh số lớn vừa có tăng trưởng kinh doanh trong năm gần gấp đôi so với năm trước như Công ty cổ phần dệt 10/10, Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè, Tổng Công ty cổ phần dệt may Gia định đạt doanh số trên 2.000 tỉ đồng và tăng trưởng gần như gấp đôi. Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú có tỉ lệ tăng trưởng trong năm đến 248%...

Đánh chú ý là Công ty cổ phần may Việt Tiến có kim ngạch xuất khẩu 205 triệu USD, dẫn đầu toàn ngành. Công ty cổ phần dệt 10/10 gần đây cũng đã bức phá mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu lên đến 117 triệu USD.

Đặc biệt, trong khi nhiều ngành công nghiệp khác còn đang chật vật lo đơn hàng cho năm mới thì nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết quý 2 năm 2011. Các doanh nghiệp cho biết hiện đang cân nhắc kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng với mức giá tăng hơn ít nhất 10 đến 15% so với năm 2010.

Vitas cũng đang khuyến cáo các doanh nghiệp nên ký hợp đồng thỏa thuận dài hạn cho điều khoản năng lực sản xuất và chỉ chốt giá cho các hợp đồng theo từng quý chứ không nên ký dài hạn. Bởi việc lo được hợp đồng sớm, ngoài việc ổn định tâm lý cho người lao động là có việc làm dài hạn, doanh nghiệp ổn định về kế hoạch sản xuất trong năm của mình, còn phải đề phòng trường hợp thị trường biến động, giá thị trường có thể tăng lên.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có được hợp đồng sớm cho năm 2011 là do các nhà đặt hàng tìm thấy sự tin tưởng về chất lượng tay nghề, giá cả phù hợp cho sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế với tiến độ giao hàng đúng hạn nên các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang được đánh giá rất cao. Và đơn đặt hàng được chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam đang tăng rất mạnh.

Thị trường nội địa khởi sắc

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã coi trọng hơn thị trường trong nước với dân số 86 triệu người và thu nhập ngày càng tăng lên. Thị trường dệt may trong nước trong nước ngày càng khởi sắc hơn và đã có nhiều doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng của mình. Doanh thu hàng may mặc đạt khoảng 3-3,5 tỷ USD tại thị trường nội địa, tăng trưởng 15-18%/năm.

Thực hiện chiến lược phát triển thị trường nội địa của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn; tham gia tích cực vào các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc”, nhiều doanh nghiệp không những tăng thêm được doanh thu, lợi nhuận, mà còn thiết lập, mở rộng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong cả nước.

Số lượng đơn vị đầu tư xây dựng thương hiệu đã tăng lên mạnh mẽ. Các nhãn hàng Việt Nam như Nino Maxx, N&M, Foci, Sanciaro, Mahattan, Mattana, De Celco, Sanding, F C, Wow, Vera, Brillant, Burtley, Three Camel, F house, An Phước, Thaituan, Pharon, Chambray, Molis… đã xuất hiện với mật độ ngày càng lớn bên cạnh những thương hiệu thời trang cao cấp phương Tây đang bùng nổ tại thị trường TP.HCM và Hà Nội.

Là một trong những công ty dệt may hàng đầu Việt Nam, nhiều năm qua Công ty Cổ phần May Nhà Bè không chỉ chú trọng đến thị trường quốc tế, việc mở rộng thị trường nội địa với các sản phẩm cao cấp như: Mattana, Novelty cũng luôn được công ty quan tâm. Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Nhà Bè phía Bắc cho biết, hiện nay, hệ thống kênh phân phối của công ty có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể song ngành dệt may Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm yếu. Ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển, tỷ lệ gia công còn cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có khả năng cung cấp trọn gói, khả năng thiết kế thời trang còn hạn chế…

Với mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 19 tỷ USD, năm 2020 đạt từ 25 tỷ đến 27 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam đang tích cực phát triển các chương trình lớn. Đó là sản xuất 1 tỷ m vải xuất khẩu, phát triển cây bông và cây có sợi để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Đặc biệt, phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực.

Theo ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến, để hàng dệt may Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế trong năm tới, cần phát triển đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là “tầm nhìn”. “Tầm nhìn đó phải mang tầm vóc dài hạn và trung hạn, phát triển thị trường nội địa như thế nào, phân khúc nào. Phát triển ra thị trường nước ngoài ở những thị trường nào, phân khúc nào đều phải có hoạch định mang tính chiến lượng để mà có kế hoạch tiếp thị, đầu tư ngay từ bây giờ…”- ông Kiện nói.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dẫn đầu nhưng nhập khẩu nguyên, phụ liệu cũng tăng cao; sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng lại chủ yếu gia công... ngành dệt may Việt Nam bao hàm trong đó nhiều nghịch lý giữa con số thực hiện và hiệu quả thực tế.

Chính vì vậy, ông Trường cho rằng, giải pháp bắt buộc cho hướng đi sắp tới của ngành dệt may Việt Nam là phải nâng cao năng suất, trong đó có tính đến việc phát triển cụm ngành để kết nối chuỗi sản xuất hiệu quả hơn, hướng tới cạnh tranh./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất