Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/12/2010 22:14'(GMT+7)

Quyết liệt kiềm chế lạm phát

Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan khiến CPI của năm 2010 tăng cao. Trong đó, về khách quan, giá các mặt hàng trên thế giới tăng đã làm tăng giá trong nước; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, đẩy chi phí sản xuất và giá cả tăng. Về chủ quan, có thể thấy, nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán tăng, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã đẩy CPI của ba tháng đầu năm và ba tháng cuối năm leo cao. Bên cạnh đó, những biến động trên thị trường tiền tệ cũng tác động không nhỏ đến mặt bằng giá cả. Chẳng hạn việc hai lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng khoảng 5,46% tuy có tác dụng góp phần hạn chế nhập siêu, hỗ trợ xuất khẩu nhưng cũng đã tác động làm tăng giá vốn nhập khẩu hàng hóa. Ðáng chú ý, giá vàng biến động mạnh (so với tháng 12-2009 tăng tới 30%) tác động trực tiếp làm tăng giá những tài sản có giá trị lớn, gây tác động tâm lý tăng giá đối với hàng hóa khác, nhất là mặt hàng tiêu dùng. Từ ngày 1-1-2010, chính sách cho vay với lãi suất thị trường cùng với việc các ngân hàng thương mại thu phí của khách hàng vay vốn làm cho lãi suất vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh cao tới 15-16%/năm trong nhiều tháng, đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp lên... Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ như điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 1-3; một số tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt; các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thực hiện ba lần điều chỉnh tăng giá. Ðặc biệt từ tháng 9 vừa qua, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới cùng với việc thực hiện lộ trình xã hội hóa về học phí, phần lớn UBND các tỉnh đã điều chỉnh tăng học phí lên mức khá cao, dẫn đến chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng mang tính đột biến. Năm 2010, đồ dùng học tập, học phí... là nhóm hàng tăng giá cao nhất với mức tăng 19,38%...

Rõ ràng, CPI năm 2010 đã tăng cao ở mức đáng báo động. Bước sang năm 2011, có thể thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây lạm phát cao. Những yếu kém vốn có của nền kinh tế khó có thể khắc phục triệt để ngay lập tức, cho nên đây sẽ là nguyên nhân chính có thể gây lạm phát. Chưa kể, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu có khả năng thanh toán tăng, lượng tiền được đưa ra lưu thông sẽ nhiều hơn bình thường. Trong khi đó, cùng với sự hồi phục nhanh của nền kinh tế thế giới, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu tăng sẽ đẩy giá tăng. Việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ mà Nhà nước còn định giá trong năm 2011 cũng sẽ là một trong những yếu tố gây áp lực tăng giá... Vì vậy, để có thể kiềm chế CPI năm 2011 tăng không quá 7% như Nghị quyết Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 vừa thông qua, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại ngay từ những tháng đầu năm 2011. Trong đó, cần đặc biệt chú ý việc tái cơ cấu nền kinh tế nhằm khắc phục  những bất cập, nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh... bởi đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến lạm phát./.

Theo ND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất