Thứ Bảy, 11/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 28/8/2019 13:45'(GMT+7)

Di chúc của Bác là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VÀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG, BỒI DƯỠNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố chính thức đến nay đã tròn nửa thế kỷ. 50 năm qua, những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa vẫn vẹn nguyên giá trị, như ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Di chúc được Bác viết trong 4 năm (1965-1969), qua hai lần sửa chữa. Theo  tài liệu lịch sử ghi lại, Bác đã tự tay đánh máy bản Di chúc lần đầu tiên vào ngày 10-5-1965, khi Người 75 tuổi. Lần sửa thứ nhất năm 1968, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói về việc riêng, đồng thời bổ sung một số đoạn khác. Lần thứ hai Bác sửa Di chúc vào ngày 10/5/1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu của Di chúc.

Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới. 

Theo số liệu thống kê, đến năm 2018, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, đứng thứ 44 trên thế giới về GDP và đứng thứ 34 theo sức mua. GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp.

Đồng chí Phạm Minh Chính: Hội thảo là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc.

Đồng chí Phạm Minh Chính: Hội thảo là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc.

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng lưu ý, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn, nhưng cần phải nhận thấy rằng, nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn lớn, nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc... đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta cố gắng, nỗ lực lao động, sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo thế hệ trẻ, bồi dưỡng “thế hệ cách mạng cho đời sau”, coi đó là một việc “quan trọng và rất cần thiết”. Thực hiện Di chúc của Người, công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo thế hệ thanh, thiếu niên luôn được Đảng quan tâm, chú trọng. Đảng chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là hạt nhân xung kích trên các mặt trận lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo để họ thực sự là đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Phân tích bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với các hình thức ngày càng tinh vi, làm cho một bộ phận thanh niên xa rời lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lười lao động và học tập. Thậm chí, có một bộ phận bị các đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc. Tình hình đó đang đặt ra cho công tác Đoàn, cho công tác thanh niên nhiệm vụ to lớn và nặng nề. 

Thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị  tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ, khuyến khích, cổ vũ thanh niên, thế hệ trẻ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, tôi luyện thử thách trong các môi trường khác nhau để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước khó khăn, thử thách, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy sức mạnh sáng tạo của tuổi trẻ, xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

 NGỌN ĐUỐC TIẾP TỤC RỌI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sỹ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng, bản Di chúc sau khi được công bố đã gây xúc động mạnh mẽ, như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến lên đánh cho Mỹ cút, đáng cho Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, trước lúc đi xa, điều dặn dò trước hết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, bởi hơn ai hết, Người hiểu rõ trọng trách, sứ mệnh lịch sử lớn lao mà dân tộc ta, nhân dân ta đã trao trọn cho Đảng. Với bốn chữ “thật” được nhắc đi nhắc lại trong Di chúc, Bác thiết tha mong muốn: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức, cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch trong sạch và phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” – Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song bản Di chúc của Người vẫn luôn là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Di chúc là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Di chúc là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững đất nước, xây dựng văn hóa con người Việt Nam, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. 

Học Bác và làm theo di huấn của Người, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII đến nay, với việc cụ thể hóa chủ trương “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, một cách đồng bộ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng, chính đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức bộ máy, cán bộ, đạo đức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. 

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG QUAN TRỌNG TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG XHCN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Hội thảo đã nhận được 60 tham luận, tập trung nghiên cứu về nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua; trên cơ sở đó, tiếp tục khẳng định giá trị của bản Di chúc và rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Túc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, 50 năm qua, thực hiện các chương trình  Mặt trận về đại đoàn kết dân tộc do các đại hội đề ra theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực, chủ động, mở rộng tổ chức bằng nhiều hình thức thích hợp. Chú trọng mở rộng mặt trận đoàn kết thông qua các phong trào, các cuộc vận động lớn, trong đó, phải kể đến Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, Ngày vì người nghèo, Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể và cộng đồng thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Túc: Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các chương trình Mặt trận về đại đoàn kết dân tộc do các đại hội đề ra theo Di chúc.

Đồng chí Nguyễn Túc: Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các chương trình Mặt trận về đại đoàn kết dân tộc do các đại hội đề ra theo Di chúc.

Khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử có giá trị vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, Di chúc đã thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó cũng là sự thể hiện toàn diện sâu sắc nhất tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.

50 năm qua, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một biểu hiện sinh động phẩm chất cao quý của “Bộ đội cụ Hồ”, là quá trình tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy truyền thống vẻ vang trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, nhận thức rõ nhiệm vụ cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng những việc làm thiết thực, cán bộ, chiến sỹ quân đội tích cực tham gia đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ”, phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động của các cấp, các ngành. Tích cực tham gia thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, thực hiện quân dân một ý chí; mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bài âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội, thúc đẩy “tự diễn diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng.

Tham luận Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cao Bằng, mảnh đất “phên giậu” của cả nước với bề dày lịch sử 520 năm thành lập, vinh dự và tự hào là quê hương cội nguồn cách mạng, quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nơi đại diện cho đồng bào cả nước được đón Bác trở về Tổ quốc sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã xây dựng và phát triển, trở thành một trong những tỉnh miền núi đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo trên cả nước.  

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, theo chủ đề hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, bằng các luận cứ khoa học, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm sâu sắc thêm về tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại và những định hướng chiến lược thể hiện trong Di chúc của Bác.

Đó là những vấn đề cốt lõi nhất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: tăng cường đoàn kết giữ gìn sự thống nhất trong Đảng, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Những chỉ dẫn của Người trong Di chúc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn còn giá trị thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Những chỉ dẫn của Bác trong Di chúc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn còn giá trị thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

“Những chỉ dẫn của Người trong Di chúc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn còn giá trị thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay” – Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng trong Di chúc được nhiều ý kiến luận giải, đó là những định hướng chiến lược về khôi phục kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sau chiến tranh. Những định hướng đó có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.

Trước giờ khai mạc Hội thảo, các đại biểu dâng hoa tưởng niệm Bác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trước giờ khai mạc Hội thảo, các đại biểu dâng hoa tưởng niệm Bác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất