Thứ Bảy, 27/7/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 14/8/2019 13:32'(GMT+7)

Bộ Tư pháp: Nỗ lực thực hiện Chỉ thị 20 về công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn chỉ đạo Chỉ thị số 20-CT/TW làm việc tại Bộ Tư pháp (Ảnh: TA)

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn chỉ đạo Chỉ thị số 20-CT/TW làm việc tại Bộ Tư pháp (Ảnh: TA)

Dự buổi làm việc có đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các vụ, cục, nhà xuất bản trực thuộc Bộ Tư pháp.

CÔNG CỤ HIỆU QUẢ ĐỂ TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT TỚI NHÂN DÂN

Báo cáo 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Tư pháp cho biết, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đã có bước phát triển cả về chất lượng, số lượng, nội dung và hình thức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị ngày càng được tăng cường, đổi mới. Vai trò cơ quan chủ quản dành cho nhà xuất bản tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhận thức của các cơ quan Đảng, nhà nước, nhà xuất bản và bạn đọc về tầm quan trọng của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đối với đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ rệt. 

Kết quả quan trọng nhất sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đối với Bộ Tư pháp là hoạt động xuất bản đã thực sự đi vào nề nếp, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với sự cạnh trạnh của cơ chế thị trường, cũng như đáp ứng được nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân.

Quanh cảnh buổi làm việc (Ảnh: TA)

Quanh cảnh buổi làm việc (Ảnh: TA)

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xuất bản đối với đời sống xã hội, trong 15 năm qua, Bộ Tư pháp chỉ đạo sát sao đối với công tác xuất bản và quan tâm hỗ trợ, đầu tư để Nhà xuất bản Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Sự chỉ đạo sát sao và quan tâm của Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện để Nhà xuất bản Tư pháp thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, tôn chỉ, mục đích, xuất bản được những xuất bản phẩm có giá trị. Nội dung xuất bản phẩm của Nhà xuất bản đi đúng định hướng, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Hiện nay, hoạt động xuất bản của Bộ Tư pháp được giao cho Nhà xuất bản Tư pháp đảm nhiệm. Nhà xuất bản Tư pháp là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, có chức năng xuất bản các xuất bản phẩm nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc quán triệt Chỉ thị số 20 được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là tại các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị. Điều đó góp phần để nội dung Chỉ thị luôn đi sát thực tiễn trong từng giai đoạn, thời kỳ và từng hoạt động của Bộ, Ngành.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua xuất bản sách pháp luật là một biện pháp có nhiều ưu thế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cán bộ, công chức và người dân chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết các nhu cầu sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, đồng thời góp phần phổ cập kiến thức pháp luật trong nhân dân. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sách, pháp luật, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định về xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở(Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật - hết hiệu lực và được thay bằng Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2019).

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản Tư pháp luôn được Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm. Trong giai đoạn 2012 - 2018, Nhà xuất bản Tư pháp được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp bổ sung 03 công chức lãnh đạo (01 Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập, 01 Phó Giám đốc, 01 Phó Tổng Biên tập), bổ nhiệm Giám đốc Nhà xuất bản.

 Bộ Tư pháp luôn coi trọng công tác truyền thông sách lý luận, chính trị và coi đây là giải pháp nâng cao hiểu biết của công chức, viên chức và người lao động của Bộ, Ngành Tư pháp đối với mảng sách này. Hàng năm, vào Ngày sách Việt Nam (21/4), Bộ Tư pháp đều tổ chức Ngày hội đọc sách với sự tham gia trưng bày, giới thiệu sách. Đây là sự khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong quần chúng nhân dân, cũng như tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc sách trong đội ngũ  công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp.

Hiện tại, cả nước có 11.660 Tủ sách pháp luật cấp xã/11.162 xã, phường, thị trấn và 60.308 Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. 

Trong những năm gần đây, các đề tài sách lý luận, chính trị chú trọng biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, đề tài sát với thực tiễn nhu cầu trang bị kiến thức pháp luật, lý luận cho từng đối tượng đã dần thay thế những xuất bản phẩm theo kiểu kinh điển, tuyên truyền một chiều không có sức hấp dẫn đối với bạn đọc.

Các ấn phẩm được Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản đều bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng tôn chỉ, mục đích đồng thời bảo đảm hình thức ấn phẩm phong phú, đa dạng; các xuất bản phẩm bảo đảm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Hồ Quang Huy  cho biết hiện nay thông qua cổng thông tin điện tử của Nhà xuất bản Tư pháp liên tục cập nhật những cuốn sách lý luận, chính trị mới trên trang chủ, quảng bá các xuất bản phẩm tới đông đảo bạn đọc. (Ảnh: TA)

Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Hồ Quang Huy cho biết hiện nay thông qua cổng thông tin điện tử của Nhà xuất bản Tư pháp liên tục cập nhật những cuốn sách lý luận, chính trị mới trên trang chủ, quảng bá các xuất bản phẩm tới đông đảo bạn đọc cả nước. (Ảnh: TA)

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Bộ, Ngành, Bộ Tư pháp chú trọng xuất bản các sách hướng dẫn nghiệp vụ (xây dựng văn bản, nghiệp vụ kiểm tra, rà soát văn bản, hướng dẫn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, hướng dẫn sử dụng Phần mềm hỗ trợ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước…), giáo trình đào tạo các chức danh tư pháp, các xuất bản phẩm có nội dung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật, xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài. Những xuất bản phẩm này có vai trò quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Ngành Tư pháp, cụ thể là: 

Một là, mảng sách này là tài liệu giúp đội ngũ cán bộ tư pháp vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất.

Hai là, sách lý luận, chính trị là công cụ, phương tiện giúp cán bộ tư pháp tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào việc điều hành, giải quyết các công việc hàng ngày tại cơ quan.

Ba là, sách lý luận, chính trị còn là công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt là quá trình quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở vào đời sống cộng đồng dân cư, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 20

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản của Bộ Tư pháp thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: 

Thứ nhất là, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW mặc dù đã được quan tâm thực hiện, nhưng chưa thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong một bộ phận công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ. 

Thứ hai là, tỷ lệ số lượng sách hay có giá trị lớn về lý luận hàng năm đã tăng, nhưng số lượng vẫn chưa được như mong muốn, đặc biệt các đề tài sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự đa dạng để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Ngoài ra, hàng năm Bộ Tư pháp đã quan tâm cấp kinh phí cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp để phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp thực hiện xuất bản các cuốn sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cán bộ cơ sở nhưng số lượng để cấp phát còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Thứ ba là, mạng lưới phát hành sách xuống cơ sở của Nhà xuất bản Tư pháp chủ yếu thông qua đầu mối là các Sở Tư pháp, trong khi chưa thiết lập được mạng lưới phát hành là các nhà sách tại địa phương nên việc tiếp cận của bạn đọc đối với sách lý luận, chính trị còn khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chỉ đạo Nhà xuất bản Tư pháp thực hiện nhiều giải pháp thu hút các bản thảo hay của các tác giả, cộng tác viên uy tín, nhưng do bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách của pháp luật áp dụng đãi ngộ với các tác giả, cộng tác viên vẫn chưa cạnh tranh được với một số nhà sách có quy mô lớn.

Thứ tư là, trong quá trình xây dựng và ban hành Bản mô tả công việc, Khung năng lực vị trí việc làm theo Quyết định số 1625/QĐ-BTP ngày 09/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, các đơn vị báo chí, xuất bản gặp khó khăn trong quá trình phân nhóm công việc, các yếu tố ảnh hưởng, thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ viên chức và chức danh nghề nghiệp từ đó xác định từng vị trí việc làm và khung năng lực chung cho từng vị trí việc làm.

Thứ năm là, số lượng Biên tập viên hiện nay mặc dù đã được Bộ chú trọng quan tâm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc và những yêu cầu ngày càng cao của hoạt động xuất bản trong thời kỳ hội nhập hiện nay. 

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản cho rằng giáo dục chính trị, pháp luật nhất đối với học sinh, sinh viên bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, mẩu chuyện nhỏ đi vào lòng người sẽ tăng tính hiệu quả (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản cho rằng việc giáo dục chính trị, pháp luật nhất đối với học sinh, sinh viên bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, mẩu chuyện nhỏ đi vào lòng người sẽ tăng tính hiệu quả (Ảnh: TA)

Qua trao đổi thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng trong xu thế hiện nay, sách điện tử về giáo dục lý luận, chính trị, pháp luật cần được chú trọng đầu tư và có đề án cụ thể trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Các đại biểu cũng nhận định cần đa dạng hoá các xuất bản phẩm sách thể loại này nhằm dễ dàng tiếp cận những đối tượng như học sinh, sinh viên, giáo viên trong các cấp học phổ thông bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, có hiệu quả tuyên truyền cao nhất mà vẫn gần gũi. Công tác đặt hàng sách lý luận, chính trị cũng là việc Bộ Tư pháp cần quan tâm, thực hiện thường xuyên, các ấn phẩm in ấn nhất là sách về Luật hiện hành cần được kiểm duyệt nội dung trước khi đưa ra thị trường, độ chính xác tuyệt đối để nhân dân hiểu đúng, tuân thủ luật pháp...

CHÚ TRỌNG VIỆC ĐƯA SÁCH TỚI CÁC CẤP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, với vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều hành sát sao toàn diện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác xuất bản của Nhà xuất bản Tư pháp. 

Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Bộ sẽ tiếp tục có chiến lược phát triển cụ thể và chính sách đầu tư hợp lý đối với Nhà xuất bản Tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới (Ảnh: TA)

Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Bộ sẽ tiếp tục có chiến lược phát triển cụ thể và chính sách đầu tư hợp lý đối với Nhà xuất bản Tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới (Ảnh: TA)

Đối với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, tạo điều kiện Nhà xuất bản Tư pháp được xuất bản các đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp; đẩy mạnh và đưa vào chương trình công tác nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và tổ chức bản thảo sách lý luận, chính trị liên quan đến các nhiệm vụ của Bộ, Ngành. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục có chiến lược phát triển cụ thể và chính sách đầu tư hợp lý đối với Nhà xuất bản Tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới. Chú trọng việc đưa sách lý luận, chính trị tới cấp phường, xã, thị trấn tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế sách Bộ Tư pháp đặt hàng đối với các sách lý luận, chính trị triển khai nhiệm vụ lớn của Bộ, Ngành, qua đó các cơ quan tư pháp địa phương và bạn đọc cả nước có điều kiện được tiếp cận các xuất bản phẩm này.

Thứ trưởng kiến nghị trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư, cần có những bổ sung, tổng kết phù hợp tình hình mới. Gắn việc xuất bản sách lý luận, chính trị với việc phổ biến đường lối, chính sách của Đảng để tăng tính hiệu quả thực hiện triển khai nghị quyết. Bộ sẽ tiếp tục triển khai sách đặt hàng với những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trong thời gian tới, ở mỗi xã, phường, thị trấn có 1 tủ sách tổng hợp nhiều loại sách để nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận tìm đọc, các đầu sách đưa về cho từng xã, phường quản lý, cập nhật các đầu sách lý luận, pháp luật đa dạng, làm phong phú hơn cho tủ sách ở mỗi địa phương... 

SÁCH LÝ LUẬN, CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Tư pháp. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các đồng chí trong đoàn công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị hoàn thiện báo cáo trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp, tổng hợp trình với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới. 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh một số vấn đề trong buổi làm việc như: công tác quán triệt, triển khai Chỉ thị số 20 của Bộ Tư pháp trong thời gian qua được các cấp lãnh đạo của Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao tới từng đơn vị, Nhà xuất bản Tư pháp triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Về nhận thức, công tác lãnh đạo chỉ đạo phát hành, xuất bản được các cấp chính quyền quan tâm, góp phần vào xây dựng thể chế, chỉ đạo xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật tới các cấp xã, phường, thị trấn của từng địa phương thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra qua từng năm; công tác truyền thông trong thời gian qua đóng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng của Nhà xuất bản Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đồng chí nhận định, sách lý luận, chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp tuyên truyền quảng bá Chủ nghĩa Mác, Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua loại sách này, những kiến thức tổng hợp, bổ ích của các học giả thế giới, các tinh hoa văn hoá nhân loại được đúc kết, cô đọng đưa tới cái nhìn tổng quát mang tính lý luận, học thuật đối người nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học. Vì vậy, sách giáo dục lý luận, chính trị cần được các cấp chính quyền nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, phổ cập tới đông đảo quần chúng nhân dân. Sách đặt hàng vẫn là một trong những “mặt hàng” chuyên biệt cần được đầu tư của Đảng, chính phủ thời gian tới...

Để sách lý luận, chính trị thực sự đi vào cuộc sống, được nhiều người đọc quan tâm, tìm mua đang là bài toán của các cơ quan có thẩm quyền. Cần có cơ chế đặc thù để sách điện tử, sách DVD, VCD được sử dụng rộng rãi, thường xuyên hơn trong nhân dân, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị. 

Bài, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất