Chủ Nhật, 24/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 15/8/2019 12:25'(GMT+7)

Phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ công tác xuất bản

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. (Ảnh: HMT).

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. (Ảnh: HMT).

Đây là một trong những nội dung được đại diện các cơ quan quản lý, nhà xuất bản đề cập, trao đổi trong Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra sáng 15/8 tại Hà Nội.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

XUẤT BẢN PHẨM VỀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TIẾP TỤC ĐƯỢC CHÚ TRỌNG XUẤT BẢN

Nhận định, đánh giá nội dung xuất bản phẩm và công tác xuất bản 6 tháng đầu năm do Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Thanh Lâm và Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên báo cáo tại Hội nghị, cho thấy: Cùng với việc phục vụ nhu cầu đọc của xã hội với nhiều đối tượng khác nhau, từ đầu năm đến nay, các nhà xuất bản đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương.

Đã có nhiều xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa - văn nghệ các dân tộc Việt Nam; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Đặc biệt, các xuất bản phẩm bao gồm sách, tài liệu, bản đồ có nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia tiếp tục được các nhà xuất bản chú trọng xuất bản.

Cùng với đó, đề tài về lịch sử dân tộc được khai thác với nhiều thể loại khác nhau như sách nghiên cứu chuyên sâu, sách phổ biến kiến thức, truyện tranh dành cho thiếu nhi... đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc.

6 thángđầu năm 2019, các nhà xuất bản đăng ký xuất bản hơn 39.000 tên xuất bản phẩm với hơn 1 tỷ bản. Số xuất bản phẩm được làm và nộp lưu chiểu là hơn 17.000, với trên 250 triệu bản (tăng gần 44% số bản so với cùng kỳ 2018).

Sách giấy lưu chiểu là hơn 16.000 cuốn với trên 239 triệu bản. Sách điện tử có 92 bản lưu chiểu với trên 1 triệu lượt phát hành. Có 506 xuất bản phẩm khác như tranh ảnh, bản đồ, đĩa, tờ rời, tờ gấp, lịch với trên 10 triệu bản, cùng với gần 265.000 bản tài liệu không kinh doanh.

Nhìn chung, tình hình xuất bản thời gian qua đang dần đi vào ổn định, số đầu sách và lượng bản sách tăng trưởng theo từng kỳ. Ngoài việc đầu tư về nội dung xuất bản phẩm, một số nhà xuất bản đã mở rộng hoạt động liên kết xuất bản và giao dịch mua bản quyền, thu được hiệu quả cao. Cùng với đó, công tác truyền thông được các nhà xuất bản và các công ty sách chú trọng thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện để đưa sách đến với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn xảy ra các hiện tượng như đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản; tên đề tài không phù hợp với tóm tắt nội dung; viết tắt hoặc thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác về tác giả, dịch giả, số lượng in, đối tác liên kết...

Một số nhà xuất bản buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung như đề cập tới một số vấn đề, sự kiện liên quan tới chính trị không khách quan hoặc sự ám chỉ mang tính tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị; nhận định thiếu khách quan, chưa được kiểm chứng đối với những vấn đề khoa học, những vấn đề về chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và công tác của các cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Một số cuốn sách có nội dung mang tính tranh luận, trao đổi, chưa được kiểm chứng, chỉ dừng ở mức độ là tài liệu tham khảo cho một số đối tượng bạn đọc nhất định nhưng lại được nhà xuất bản phổ biến rộng rãi...

6 tháng đầu năm, 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2018). Cụ thể, 22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, bị đình chỉ phát hành, sửa chữa tái bản…; 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả (giảm 20% so với cùng kỳ 2018); 14 xuất bản phẩm khác được các nhà xuất bản tự nhận ra sai sót và xử lý, báo cáo Cục Xuất bản, In và Phát hành.

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC PHẢI BẮT ĐẦU TỪ CÔNG TÁC XUẤT BẢN

Bên cạnh những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị như: Tác động của mạng xã hội tới công tác xuất bản; ảnh hưởng và thách thức của các nhà xuất bản trước sự bùng nổ thông tin hiện nay; lựa chọn mô hình nhà xuất bản như thế nào cho hiệu quả; ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; công tác biên tập nội dung xuất bản phẩm… các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề liên quan đến vai trò của công tác xuất bản đối với văn hóa đọc.

Nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, sách hay về chất lượng, đẹp về hình thức, đa dạng về nội dung - phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng khác nhau... là những yếu tố đầu tiên, cơ bản, quan trọng hấp dẫn độc giả, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Do đó, phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ công tác xuất bản, từ ý thức trách nhiệm của mỗi nhà xuất bản.

Nhấn mạnh tới vai trò chủ động, tích cực từ các nhà xuất bản, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng: văn hóa đọc phát triển được hay không, phải bắt đầu từ các nhà xuất bản. Sách có hay, có đẹp, có hữu ích để tạo ra "sức hút" đối với bạn đọc và xã hội hay không, điểm mấu chốt nằm ở nhà xuất bản, ở những người có trách nhiệm thẩm định, trình bày-thiết kế và đặc biệt là đội ngũ biên tập viên.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng văn hóa đọc phát triển được hay không, phải bắt đầu từ các nhà xuất bản. (Ảnh: HMT).

Các nhà xuất bản cần không ngừng phát huy sự năng động, chủ động trong khai thác đề tài; quảng bá, phát hành; tăng cường góp ý, đề xuất với cơ quan quản lý vì mục tiêu đem đến cho bạn đọc và xã hội những xuất bản phẩm thực sự có chất lượng, thực sự hữu ích… Có như vậy mới tạo được hiệu ứng trong phát triển văn hóa đọc

Đại diện một số nhà xuất bản đã đề cập tới những điểm sáng của thị trường sách góp phần vào phát triển văn hóa đọc thời gian gần đây; nêu lên những điển hình của công tác phát hành, trong đó có sự tham gia của các trang thương mại điện tử góp phần đưa sách đến mọi miền Tổ quốc.

Thời gian qua, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đa dạng, phong phú của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong đó có các nhà xuất bản (như cuộc thi Tìm kiếm Văn hóa đọc Thủ đô, dự án Sách hay cho Học sinh tiểu học, Tủ sách Nhân ái, chương trình Sách hóa nông thôn…) đã và đang thu hút sự quan tâm của xã hội, góp phần “nâng tầm” và thúc đẩy văn hóa đọc.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO VÀ BIÊN TẬP VIÊN NHÀ XUẤT BẢN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo các cơ quan chủ quan và nhà xuất bản nghiêm túc quan tâm đến những nội dung thảo luận tại Hội nghị, đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng yếu sau:

Một là, toàn ngành Xuất bản tập trung rà soát kế hoạch đề tài, xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử và những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt chú trọng tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 với chủ đề:“Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ"; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”...

Hai là, các nhà xuất bản chủ động xây dựng cơ cấu đề tài hợp lý, làm tốt công tác khai thác bản thảo có giá trị, chất lượng, cải tiến nội dung và hình thức, tập trung vào một số nội dung sau: đề tài bảo vệ chế độ, bảo vệ quan điểm của Đảng, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; đề tài tuyên truyền, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng vi phạm về định hướng chính trị tư tưởng; khai thác những đề tài có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, bảo tồn văn hóa dân tộc, thông tin đối ngoại, an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo một cách thuyết phục, có lập luận vững chắc.

(Ảnh: HMT)

Ba là, mỗi nhà xuất bản căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng chiến lược xuất bản dòng sách của riêng mình theo hướng chuyên nghiệp, tránh tình trạng ”hỗn độn” các loại sách như hiện nay trên thị trường. Muốn làm được điều này, nhất thiết các điều kiện đi kèm phải đáp ứng tốt như cơ chế, chính sách, vốn, trang thiết bị công nghệ kỹ thuật, con người, mô hình nhà xuất bản phải được triển khai kịp thời...

Bốn là, đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản.

Năm là, tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện; coi trọng công tác quảng bá, truyền thông sách; phát triển xuất bản điện tử, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản tìm giải pháp, chuyển đổi mô hình hoạt động theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành việc chuyển đổi các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại sang loại hình đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết 08/2018/NQ-CP của Chính phủ./.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất