Thứ Tư, 4/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/7/2016 20:34'(GMT+7)

Nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu năm nay ở mức dưới 6 triệu tấn

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang gặp khó khăn do bị cạnh tranh bởi gạo giá rẻ từ Thái Lan thông qua các cuộc đấu thầu bán gạo tồn kho.

Trong tuần từ 11-15/7, giá gạo 5% tấm chế biến từ lúa Hè Thu giảm xuống còn 360-365 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), so với 360-370 USD/tấn tuần trước. Nguyên nhân là khách hàng không muốn mua gạo vào thời điểm này do chờ đợi giá gạo Thái Lan giảm xuống.

Sự trầm lắng của thị trường xuất khẩu gạo từ suốt quý 2/2016 đến nay và khả năng còn tiếp diễn trong thời gian tới là nguyên nhân chính khiến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015.

Sau nhiều năm luôn duy trì số lượng gạo xuất khẩu chính ngạch từ trên 6 triệu tấn trở lên, nhiều khả năng năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức dưới 6 triệu tấn do những khó khăn lớn về thị trường.

Những thị trường tập trung của gạo Việt Nam chưa có dấu hiệu sẽ sớm nhập khẩu thêm gạo trong tương lai gần. Cụ thể, cuối tháng 6/2016, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines công bố có đủ gạo trong những tháng giáp hạt (tháng 7-9), đồng nghĩa với việc nước này chưa vội nhập khẩu gạo sau khi đã nhận đủ lượng gạo của những đợt mở thầu cuối 2015. Indonesia cũng chưa quay lại thị trường gạo...

Còn thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm.

Bên cạnh sự ảm đạm của thị trường do nhu cầu yếu, thiếu các hợp đồng tập trung, hoạt động xuất khẩu gạo còn đang phải đối mặt với những khó khăn về tỷ giá.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi tăng 10,75% so với cùng kỳ 2015 nhưng một số doanh nghiệp cho rằng sắp tới, xuất khẩu gạo sang nhiều nước thuộc châu lục này sẽ gặp khó khăn do đồng euro mất giá so với đồng USD.

Đồng nhân dân tệ yếu cũng đang cản trở các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, dù nước này vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều gạo.

Trên thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu tuần qua tăng lên tại Ấn Độ do nguồn cung bị thắt chặt và đồng rupee vững, trong khi tại Thái Lan và Việt Nam, giá gạo giảm trước các cuộc đấu thầu lớn. Nhìn chung, giá gạo châu Á đang chịu sức ép do Thái Lan đang nỗ lực tìm cách giải phóng lượng dự trữ khổng lồ.

Tại Thái Lan, chính phủ đang chào bán 3,81 triệu tấn gạo trong tháng 7/2016, số lượng này cao hơn nhiều so với 2,79 triệu tấn đã bán ra trong năm 2016. Trong tổng số gạo bán lần này có 2,18 triệu tấn sẽ bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, 730.000 tấn bán cho nhu cầu trong nước và số còn lại là gạo kém chất lượng bán cho các công ty sử dụng vì mục đích khác.

Tuần qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan cũng giảm nhẹ xuống còn 420-435 USD/tấn, so với 420-438 USD/tấn tuần trước đó, bất chấp các giao dịch bán gạo đồ cho châu Phi mới đây. Các thương nhân dự đoán các cuộc đấu thầu bán gạo vào ngày 25/7 tới đây sẽ kéo giá giảm sâu hơn nữa./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất