Thứ Tư, 4/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/7/2016 21:18'(GMT+7)

Phải triển khai đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, một trong những vấn đề kinh tế-xã hội đang nổi lên là tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu chậm lại. Khu vực nông nghiệp lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng âm. Tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ.

Mới đây, trong khi Hiệp hội Dệt may dự báo xuất khẩu dệt may khó đạt mục tiêu 30 tỷ USD, thì Hiệp hội Lương thực cũng hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn thay vì 6,5 triệu tấn như dự báo trước đó…

Việc của chính quyền, việc của doanh nghiệp

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng trong ngắn hạn đang suy giảm chủ yếu do chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung (do hạn hán, thiên tai và giá dầu thế giới giảm).

Tuy nhiên, xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng chúng ta cần thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, phải kiên quyết chữa bệnh thành tích, đồng thời phải triển khai đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016. Đó là tạo ra tăng trưởng kinh tế là việc của doanh nghiệp, nhưng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho phát triển kinh tế là việc của chính quyền.

Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đây là con đường đầy chông gai, trăn trở và đau đớn, trong khi chúng ta không còn nhiều thời gian để đổi mới mô hình tăng trưởng. Công nghiệp phải nỗ lực gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; tìm cách áp dụng công nghệ mới để hạ giá thành, bảo vệ môi trường; chiếm được một thị phần đủ để có tiếng nói mà thị trường quốc tế phải ghi nhận. Về thương mại dịch vụ, cần chú trọng đến lĩnh vực du lịch - thế mạnh của Việt Nam mà chúng ta mới khai thác rất hạn chế. Về nông nghiệp, hơn lúc nào hết phải xem xét, nghiên cứu sửa Luật Đất đai 2013, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, một trong những nguồn lực cho tăng trưởng có tiềm năng nhất phải là cải thiện năng suất lao động xã hội. Giải pháp đề cải thiện năng suất lao động xã hội đã được gián tiếp trả lời bởi chính những quyết nghị liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế trong các Nghị quyết gần đây của Chính phủ.

“Nói nôm na thì một trong những trọng tâm điều hành của Chính phủ là 'cởi trói' cho nền kinh tế, hạ thấp và xóa bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia”, TS. Phan Minh Ngọc đưa quan điểm.

Theo TS. Phan Minh Ngọc, những vấn đề này đã được đề cập khá chi tiết và cụ thể trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, nhưng trên thực tế, đây là thông điệp thường xuyên được Chính phủ và Thủ tướng liên tục nhấn mạnh.

“Tất nhiên, từ chính sách đến hành động là một quãng đường dài nhưng nếu Chính phủ mới kiện toàn quyết tâm thực hiện như những gì đã thể hiện trong mấy tháng qua thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay không phải là viển vông, bất khả thi, và nếu đạt được thì cũng không nhất thiết gây thêm bất ổn vĩ mô”, chuyên gia kinh tế này nhận xét. 

Giải phóng sức sản xuất bằng cải cách thể chế

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, các dư địa tăng trưởng về phía cầu hạn chế, cần tập trung thúc đẩy cung. Tác động rất tích cực vào phía cung chính là các biện pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mà Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ hiện đang thực hiện.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ vốn đang kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành cũng khá thận trọng cho rằng những tác động về phía cung này chắc chắn vẫn còn lực cản, do không ít bộ, ngành bị mất đi quyền cấp “giấy phép con”, chưa chắc đã hăng hái thực hiện ngay để có sự chuyển biến tức thì.

“Những chính sách đúng đắn nhưng để đi vào cuộc sống có thể có độ trễ, có thể sẽ có tác động tích cực rõ rệt hơn vào tình hình phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Thành nói. Bên cạnh đó, cần thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hỗ trợ khu vực tư nhân tăng cường cạnh tranh bình đẳng.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành dệt may là những bất cập về chính sách. Để thúc đẩy xuất khẩu tốt, các doanh nghiệp cần có môi trường phát triển minh bạch, dài hạn. Các khó khăn nội tại được tháo gỡ thì doanh nghiệp mới có đủ năng lực để đầu tư, tái mở rộng sản xuất từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu.

Trong 6 tháng qua, Hiệp hội đã gửi rất nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến việc tăng lương tối thiểu, kiểm tra chuyên ngành...

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất