Phát biểu tại Phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị ngày 18/7, Trưởng
đoàn Việt Nam đã giới thiệu các nỗ lực của chính phủ Việt Nam tiếp tục
đẩy mạnh cải cách, tăng cường chủ động hội nhập quốc tế, thúc đẩy cắt
giảm hàng rào thương mại, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tạo môi
trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại quốc
tế.
Các nỗ lực của chính phủ cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã
đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và đưa Việt Nam
trở thành một nước thu nhập trung bình, đồng thời chú trọng bảo vệ môi
trường và đảm bảo công bằng xã hội.
Bên cạnh các thuận lợi do hội nhập mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt
với không ít thách thức, trong đó có tác động tiêu cực của biến đổi khí
hậu như hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh
miền Trung, bảo vệ môi trường và tránh bẫy thu nhập trung bình trong khi
nguồn lực quốc tế ngày càng giảm.
Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì hỗ trợ cho các nước thu nhập trung bình thấp và các nền kinh tế chuyển đổi.
Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng là một
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực
hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế
mạnh thông qua hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên với một nhà tài trợ
quốc tế; mong muốn các nước phát triển và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục
tạo điều kiện và khuyến khích Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế này.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trưởng đoàn Vũ Quang Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Kenya, tiến sỹ Amina C. Mohamed.
Tại cuộc gặp, Trợ lý Ngoại trưởng Vũ Quang Minh đã chuyển lời mời sang
thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới
bà Amina C.Mohamed và bà đã vui vẻ nhận lời. Chuyến thăm sẽ được hai Bộ
Ngoại giao thu xếp.
Cùng ngày, Trưởng đoàn Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Christopher
Chika, Tổng Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Đại Dương và Thái Bình Dương, Bộ
Ngoại giao Kenya.
Tại buổi làm việc, hai bên ghi nhận nhu cầu tạo điều kiện đẩy mạnh quan
hệ song phương, trước hết là thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác giữa Bộ
Ngoại giao hai nước; tiến hành thủ tục miễn visa cho hộ chiếu công vụ,
hộ chiếu ngoại giao và cử Lãnh sự danh dự của hai nước.
Liên quan tới vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, đoàn Việt Nam khẳng định
chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam bảo vệ động vật hoang dã,
tăng cường hợp tác quốc tế chống mọi hành động buôn bán sản phẩm từ động
vật hoang dã và mời Kenya cử đoàn cấp cao tham dự Hội nghị quốc tế lần
thứ ba chống buôn bán động vật hoang dã tại Hà Nội vào tháng 11/2016.
Cũng trong ngày 18/7, tại buổi làm việc với Trưởng đoàn Vũ Quang Minh,
bà Arancha Gonzalez, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế
(ITC), cơ quan do WTO và UNCTAD phối hợp thành lập để hỗ trợ các doanh
nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại các nước đang phát triển tỏ hoan nghênh các
nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh
nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có Chương trình quốc gia hỗ trợ khởi nghiệp
(start-ups) và cho biết sẽ xem xét có các chương trình hỗ trợ SMEs Việt
Nam hội nhập quốc tế, trong đó có tiếp cận thị trường quốc tế và kết nối
với các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các SMEs nước ngoài; đồng
thời cho biết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hợp tác Nam-Nam thông
qua mô hình 3 bên Việt Nam-ITC-châu Phi trên cơ sở các mô hình mà ITC
đã thực hiện thành công với Trung Quốc và Ấn Độ; mời Việt Nam cử các
chuyên gia trẻ làm việc tại ITC trong thời gian từ 1-3 năm để có kinh
nghiệm công tác và tăng cường quan hệ giữa ITC và các bộ ngành Việt Nam.
ITC cũng mời Việt Nam cử đoàn tham dự Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu thế
giới (World Export Development Forum) từ ngày 12-13/10/2016 tại Colombo,
Sri Lanka.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng tham dự cuộc Họp quan chức cao cấp và Hội
nghị Bộ trưởng nhóm G77 và Trung Quốc, các hoạt động của Diễn đàn Hàng
hóa toàn cầu (Global Commodities Forum), Diễn đàn Đầu tư thế giới (World
Investment Forum), Diễn đàn Dịch vụ thế giới (World Service Forum) và
của Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie)…
Kết thúc các cuộc họp của nhóm G77 và Trung Quốc, Nhóm đã ra Tuyên bố lập trường tại UNCTAD 14 và Tuyên bố Bộ trưởng.
Các Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của UNCTAD trong hỗ trợ các nước đang
phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDCs), các nước
không có đảo (LLDCs), các nước đảo nhỏ (SIDs) và châu Phi trong thực
hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), kêu gọi tiếp tục thúc đẩy
vòng đàm phán Doha trong WTO, hợp tác tránh trốn tránh thuế, tăng hiệu
quả đầu tư, chuyển giao công nghệ.
UNCTAD là diễn đàn liên chính phủ được thành lập năm 1964 nhằm mục đích
hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói
riêng của tất cả các nước thành viên; đặc biệt hướng tới mục tiêu bảo
đảm sự phát triển hài hòa về các mặt thương mại, vận tải, viện trợ, tài
chính và kỹ thuật.
Hiện, UNCTAD bao gồm 194 thành viên, trong đó có 155 nước (trong đó có
Việt Nam) là thành viên của Ủy ban Thương mại và Phát triển./.
Theo TTXVN