Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 27/8/2016 10:17'(GMT+7)

Đi lên từ khoản vay nhỏ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều mô hình khởi sắc

Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn được thực hiện theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg và mới đây là Quyết định 307/QĐ-TTg ngày 26.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với chương trình. Theo Quyết định số 307, từ ngày 15.3.2016, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được nâng hạn mức vay tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

Có thâm niên thu mua nông sản ở bản Tam, xã Chiềng Đen, Sơn La, khả năng giao dịch, bảo quản và các mối bạn hàng mà anh Lò Văn Chưởng đang nắm giữ là niềm mơ ước của nhiều người trong giới kinh doanh mặt hàng này. Tuy vậy, điều kiện cần là vốn thì anh lại thiếu nên việc kinh doanh chỉ quay vòng theo từng mùa, vụ. Năm 2010, khi Chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được NHCSXH chi nhánh Sơn La triển khai, anh đã vay 100 triệu đồng. “Có vốn rồi nhưng cả gia đình tôi vô cùng lo lắng không biết ý tưởng đầu tư vào lò sấy, sân phơi liệu có thất bại không? Nếu có thì phải làm sao với số vốn vay cả trăm triệu đồng? Cũng may, các anh chị trong NHCSXH xuống động viên, phân tích nên gia đình mới dám triển khai. Nhờ có trang thiết bị này mà tôi mua được ngô, sắn tươi vào thời điểm giá thấp nhất và sấy khô trữ lại bán dần cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc khi có giá cao”, anh Chưởng kể. Bên cạnh đó, để có nguồn nông sản ổn định, anh huy động thêm vốn đầu tư phân bón, ngô giống cho nông dân trong vùng, sau đó mua lại sản phẩm. Với cách làm như vậy, hàng năm đến mùa vụ, gia đình anh Chưởng thu mua được gần 700 tấn nông sản gồm ngô, sắn, cà phê, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Một mô hình điểm khác là gia đình chị Phạm Thị Phòng ở thôn Lim, xã Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang. Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình 7 người là từ cửa hàng tạp hóa, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2009, gia đình chị đã được NHCSXH huyện Lục Ngạn cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Từ nguồn vốn này, một phần chị đầu tư nâng cấp cửa hàng, số còn lại dùng để mua thêm hàng hóa kinh doanh. Cuộc sống của gia đình chị Phòng khấm khá lên từng ngày. Nhận thấy quê mình thời gian qua thường xuyên mất điện sinh hoạt, ngoài các mặt hàng truyền thống, chị còn nhập các loại quạt tích điện, đèn chiếu sáng tiết kiệm điện phục vụ bà con. Vào mùa vải thiều, cửa hàng này còn là nơi cung ứng thùng xốp, đầu mối thu mua vải thiều cho các thương nhân ngoài tỉnh. Cứ như vậy, gia đình chị mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện tại, mỗi ngày cửa hàng của chị cung cấp ra thị trường hàng điện tử, đồ gia dụng trị giá 3 - 5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi vài trăm nghìn đồng. Đây là mức thu nhập cao so với người dân của một xã miền núi.

Nâng cao hiệu quả chương trình

Đại diện NHCSXH chia sẻ, khác với miền xuôi và những vùng kinh tế phát triển có nhiều chợ, điểm giao thương hàng hóa. Khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc rất ít chợ, có những phiên chợ chỉ họp một lần một tuần. Do vậy, hàng hóa giao lưu thương mại bị bó hẹp, kinh tế chậm phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào. Để giải quyết vướng mắc này thì vai trò của thương nhân vùng sâu, vùng xa là đặc biệt quan trọng. Thông qua các thương nhân, việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển thương mại và tạo công ăn, việc làm cho bà con được đẩy mạnh.

Thực tế, Chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã giúp cho số lượng và quy mô của các thương nhân hoạt động thương mại tại khu vực này tăng lên. Đến thời điểm này, doanh số cho vay của chương trình đạt hơn 1.036 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 800 tỷ đồng với hơn 32 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Hiện có hơn 7,4 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, với tổng dư nợ gần 250 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 58 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 70 tỷ đồng với 1.491 lượt khách hàng vay vốn.

Thông qua hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra giám sát bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình đặt ra. Tuy nhiên, mức vay hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu của các thương nhân. Nếu có vốn lớn hơn, tôi sẽ mở rộng sân, kho và máy sấy, sẽ tạo được nhiều việc làm cho bà con” - anh Lò Văn Chưởng chia sẻ. 


Theo Người đại biểu Nhân dân






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất