"Xinh thay một thú trên ngàn/Bầu trời cảnh Phật phong quang bốn mùa/Trên bát ngát trăm hoa đua nở/ Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi." Đó là những câu hát văn nghe thấy khi đi dạo xem hát văn, hát chầu văn, hầu đồng tại các đền, các phủ dọc theo triền núi Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến thăm một số ngôi đền tại Tam Đảo vào những ngày cuối Xuân, ấn tượng nhất là giữa những cánh rừng ngút ngàn ấy là nhiều ngôi đền, phủ đan xen, ở đây cảnh người qua lại luôn tấp nập, lúc nào cũng rộn ràng tiếng nhạc, cung đàn thánh thót và ngân nga lời hát văn.
Hát văn, hầu đồng ở đây đang tìm lại được đất sống, điều đáng quan tâm nhất là góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Có một làng dâng văn, hầu Thánh
Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo)- một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các ca từ đẹp mà trang nghiêm, chầu văn còn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh và là nghệ thuật độc đáo của người Việt.
Làng Yên Trung, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo nằm gần khu danh thắng Tây Thiên (Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên) rộng lớn. Ở đây có quần thể đền chùa, các công trình tôn giáo tọa lạc chân núi hoặc trên núi thuộc rừng núi Tam Đảo, điển hình như đền Mẫu Hóa, đền Mẫu Sinh, đền Thỏng, đền Cậu, đền Cô, đền Thượng Tây Thiên...
Người dân làng Yên Trung sớm được tiếp xúc, giao lưu và ảnh hưởng của giới cung văn, của các đồng anh, lính chị tụ tập về đây sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Liên tiếp trong vài chục năm qua, Trung Yên vì sớm tiếp thu nghệ thuật trên mà đã sản sinh ra ngày càng nhiều thanh đồng, các cung văn phục vụ nghi lễ, nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tại các đền, các phủ. Giờ đây, làng đã có khoảng 50 người làm nghề hát văn, hầu đồng, cô đồng; trong đó có khoảng 20% giỏi nghề, thạo nghề.
Những người làm các nghề trên không những đi hát ở các đền, các phủ... ở địa bàn Tam Đảo mà còn được mời đến nhiều tỉnh như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, các tỉnh phía Nam, thậm chí đến một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... để phục vụ khách theo yêu cầu.
Người múa ăn mặc khăn chầu áo ngụ, tay cầm bơi chèo khi thủ vai Thủy Cung Thánh Mẫu, hoặc cầm kiếm khi vào vai các ông hoàng, các vị tướng quân, khi thì cầm hoa, cầm hương khi vai cô gái... cùng với tiếng nhạc của chuông, trống, đàn nguyệt, đàn nhị.
Ông Nguyễn Xuân Lý, 73 tuổi, người được coi là tiên phong trong nghề hát văn, nhớ lại từ năm 1990 do nhu cầu của những đoàn người đi đền, đi phủ, nghề này đã được nhìn nhận đúng mức hơn, người ta coi đó là nghệ thuật cần bảo tồn, cần phát huy, ít bị quy chụp mọi người hành nghề là hoạt động mê tín, dị đoan như trước.
Yêu nghề cũng sống khỏe từ tiền thưởng, tiền công
Bà Năng Thị Sính, thôn Yên Trung thổ lộ xưa kia người dân trong thôn coi việc làm ruộng là nghề chính nhưng khi hát văn phát triển và nhiều khách mời gọi đi hát nhiều người dân trong làng xóm đã lkéo nhau đi học hát văn, học cách hầu Thánh.
Người biết hát giỏi dạy cho người chưa biết, họ dạy nhau và dắt nhau đi hát, đầu tiên là các địa bàn gần và "tiếng lành đồn xa" họ đi mọi miền để hát vừa vui, vừa có thu nhập.
Những người theo nghề hát lâu năm ở Yên Trung cho biết dâng văn, hầu Thánh hay hầu đồng chỉ có ở đền, ở phủ và điện. Chùa to và đẹp đến đâu cũng không bao giờ có hầu đồng, dâng văn bởi chùa là nơi thờ Phật.
Một cuộc hát văn hầu đồng gồm Cô đồng là nhân vật chính, là trung tâm ngồi ở giữa chiếu. Bốn góc chiếu là người ngồi hầu dâng (Tứ trụ hầu dâng) để phục vụ cô đồng thay khăn áo, chuẩn bị hương nhang, vàng mã.
Hát dâng văn, thỉnh các bóng là bộ phận cung văn gồm người hát và đệm đàn, trống, phách... Có tất cả 36 giá đồng, nhưng thường không được thực hết tất cả vì quá dài. Cô đồng chỉ thực hiện vài ba giá, mỗi giá đồng thể hiện một tính cách, diện mạo của một nhân vật và khi mỗi giá thực hiện xong là phải thay một trang phục khác để phù hợp với nhân vật mới.
Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần. Nhiều năm trước đây, có nhiều quan điểm, sự đánh giá nhìn nhận trái ngược nhau về hầu đồng nhưng gần đây hình thức lễ nhạc này đã được xã hội công nhận như một nét văn hóa của Việt Nam.
Hầu đồng đã được là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm thủ tục trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Trong hầu đồng hiện nay vẫn còn có "sạn," có sự lợi dụng... các ngành chức năng cần loại bỏ những hình thức biến tướng, sự nhảm nhí, mê tín dị toan, buôn thần bán thánh, xuyên tạc... để giữ gìn sự trong sáng của Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng, hướng tới phát triển một tín ngưỡng lành mạnh, phát huy các giá trị nghệ thuật, các chuẩn mực đạo đức tôn giáo tốt đẹp./.
Nguyễn Trọng Lịch (Vietanm+)