Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 4/3/2019 9:52'(GMT+7)

Di sản đang đổi thay

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tỉnh Bắc Ninh vừa kỷ niệm mười năm quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sau một thập kỷ, từ chỗ chỉ có 49 làng quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay đã có 369 làng quan họ thực hành. Có hàng nghìn nghệ nhân có khả năng truyền dạy quan họ.

Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu vẫn bảo: Quan họ còn mà mất. Nghe tưởng vô lý. Nhưng mất, bởi cái hay nhất trong quan họ là hát canh - nơi hội tụ những nét đẹp của chơi quan họ gần như không còn. Đó là khi các “bọn quan họ” dùng lời ca để bày tỏ tâm tư, tình cảm với bọn quan họ bạn. Hát canh khơi nguồn cho những bài quan họ mới, khi bên nọ ra bài đối cho bên kia. Đó còn là những cuộc thi nho nhỏ giữa những bọn quan họ. Bây giờ, quan họ chủ yếu là hình thức sân khấu. Gần đây người ta chú ý khôi phục “hát canh” hơn, với lối ca mộc không đàn đệm. Nhưng mục đích chủ đạo là bảo tồn, trình diễn. Khán giả được khuyến khích có quà bồi dưỡng cho các nghệ nhân. Hát canh xưa là sinh hoạt “nội bộ” của các bọn quan họ, không có người xem.

Tuy nhiên, không thể trách sự biến đổi của chơi quan họ và hát canh. Thời xưa, không gian sống của con người chủ yếu giới hạn trong phạm vi làng xã. Làng nọ kết chạ với làng kia. Bọn quan họ làng này kết bạn với bọn quan họ làng khác. Không chỉ đến với nhau ngày hội hè, mà còn giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Kết chạ, kết bọn là mối quan hệ sâu nặng. Quan hệ xã hội thời hiện đại đã khác. Kết chạ, kết bọn, nếu không mai một, thì cũng không còn đậm nghĩa tình. Con người ta không giới hạn trong không gian làng xã, với các quy ước cổ xưa. Hát canh, nếu có tổ chức đúng lề lối thì vẫn thiếu “cái tình quan họ”. Nhiều người nơi xa về Bắc Ninh đã sốc khi được “chiêu đãi” quan họ đầy đủ loa đài, tăng âm. Liền anh, liền chị MC rất chăm chỉ đệm những câu “xin cảm ơn” vào lời dẫn.

Nói về Bắc Ninh - nơi quan họ được xem là hình mẫu trong công tác bảo tồn, để thấy rằng, dù có cố gắng bảo tồn, những di sản vẫn luôn đổi thay.

Cứ đầu năm, một vấn đề di sản luôn “nóng” là lễ hội. Hầu như ai cũng phàn nàn lễ hội “biến tướng”, “biến dạng”, nhất là những vấn nạn “cướp lộc”, “giành lộc”. Sau những lời kêu ca, người ta thường kêu gọi trả lại “vẻ đẹp xưa”.

Nhưng nhìn vào gốc rễ vấn đề, di sản phi vật thể là những thứ “sống” cùng xã hội. Xã hội đổi thay, di sản phi vật thể sẽ đổi thay theo.

Thời xưa, không gian chính của lễ hội là làng xã. Thành phần dự hội chủ yếu là cộng đồng dân cư nơi đó. Thi thoảng mới có những lễ hội có sự tham gia của nhiều làng như lễ hội Thánh Gióng (ở Gia Lâm và Sóc Sơn, Hà Nội), hội Lim (ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh)… Bây giờ không gian, thành phần của lễ hội thay đổi. bởi truyền thông, bởi các phương tiện đi lại, điều kiện kinh tế, quan niệm xã hội… Những lễ hội “độc”, “lạ”, và nhất là “thiêng”, là “mồi ngon” của truyền thông. Khi được truyền thông “tiếp thị”, dòng người sẽ đổ về. Trước kia đi hội chùa Hương là mong ước của đời người thì nay người ta đi về trong ngày. Thời “các cụ”, dù là đi xem hội, thì người xem thường là một thành tố gắn bó với lễ hội, vì các hoạt động lễ, hội đều gắn bó với vị thần, thánh mà cộng đồng họ thờ cúng. Tâm thế của người đi hội ngày nay khác. Phần “trách nhiệm liên đới” giảm đi. Người ta đi hội với tư cách “khách tham quan”, “khách thập phương” nhiều hơn.

Lễ hội đền Sóc có tục cướp giò hoa tre. Xưa, tục lệ cướp giò hoa tre diễn ra trong cộng đồng cư dân tham gia tổ chức hội. Giờ, ai đi hội cũng muốn có giò hoa tre. Khi hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về đều có mong muốn như thế, những màn tranh cướp diễn ra là điều khó tránh. Tình huống tương tự cũng diễn ra ở lễ hội đánh phết (Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ), lễ hội đền Trần (Nam Định)… Câu chuyện này cũng cho thấy sự vô lý khi nhiều người đề nghị “trả” lễ hội cho dân tự quản như thời trước. Thực tế, quy mô của nhiều lễ hội, đã vượt quá tầm tổ chức của những “nhà quản trị làng”. Nếu không có sự tham gia của chính quyền, cơ quan an ninh, hay những quy định mới, nhiều lễ hội chắc chắn sẽ vỡ trận.

Trong bảo tồn di sản, nhất là lễ hội, đang có sự trách móc lẫn nhau giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý và người dân. Với quan họ, nhiều nhà nghiên cứu cũng nêu ý kiến gay gắt khi Bắc Ninh gần như không còn hát canh “nguyên bản”. Thực tế, cái cần là sự nhìn nhận di sản phi vật thể đang vận động trong dòng chảy phát triển của xã hội. Các biện pháp bảo tồn chỉ phát huy tác dụng nếu nương theo sự vận động ấy. Sẽ là vô vọng, nếu cứ “mong ước di sản xưa”./.

Tuệ Minh (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất