Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 26/2/2019 8:48'(GMT+7)

Quảng bá văn học Việt Nam trước tình trạng "nhập siêu văn hóa"

Giữa tháng 2-2019, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam (Hội nghị) lần thứ tư và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba đã trở thành tâm điểm chú ý của giới văn chương nói riêng và công chúng yêu văn học nói chung. Tham dự Hội nghị có gần 200 nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, Hội nghị lần thứ nhất tổ chức năm 2002, chúng ta đón 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Hội nghị lần thứ hai tổ chức năm 2010 có sự hiện diện của 108 đại biểu của 34 quốc gia. Ðến Hội nghị lần thứ ba tổ chức năm 2015, Việt Nam đã đón 151 khách quốc tế đến từ 43 quốc gia, và vùng lãnh thổ. Số lượng đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ tư gia tăng đáng kể là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc hội nhập, quảng bá văn học Việt Nam với thế giới đã nhận được sự hồi đáp tích cực của bạn bè quốc tế.

Ðánh giá chặng đường gần 20 năm, kể từ Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức đến nay, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có những tác phẩm được tặng giải thưởng tại các hội chợ sách quốc tế hoặc của nhà xuất bản (NXB), hoặc các tổ chức văn học quốc gia. Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại các quốc gia Mỹ la-tinh, và vùng núi Cap-ca-dơ... Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam. Thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh. Song song với các hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc trao đổi các đoàn thăm và viết về đất nước của nhau diễn ra sôi nổi, có hiệu quả cao". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ: Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại Việt Nam công việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật và thông thoáng như hiện nay.

Sách dịch được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm một thị phần cao trên thị trường sách cả nước. Tuy nhiên, văn học dịch cùng các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, đã đặt Việt Nam vào một tình trạng "nhập siêu văn hóa" kéo dài buộc phải đề ra một nhiệm vụ, đó là lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc. Sáng kiến tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế chính là góp phần lấy lại sự hài hòa đó.

Lâu nay ở Việt Nam, "nhập siêu văn hóa" đã không còn là hiện tượng mới lạ. Khảo sát sinh hoạt văn hóa rất dễ nhận thấy sự tràn ngập của các sản phẩm văn hóa ngoại nhập. Trong lĩnh vực văn học, nếu hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam, thậm chí xuất bản cùng lúc với nhiều quốc gia khác thì ngược lại sách văn học trong nước xuất hiện còn khá nhỏ giọt trên thị trường sách thế giới. Phần đông độc giả quốc tế còn khá xa lạ, mơ hồ về văn học Việt Nam. Sách nội bị lép vế, vô hình trung đã dẫn đến xu hướng thưởng thức và tiêu dùng văn hóa mất cân đối ở không ít người dân, thậm chí có người chỉ đọc sách nước ngoài mà bỏ qua các tác phẩm trong nước, dù chúng ta không thiếu những tác phẩm hay, được trao giải thưởng quốc tế. Tình trạng "nhập siêu văn hóa" và sự lấn át của văn hóa ngoại nhập trong lĩnh vực sách văn học với không ít biến tướng đã trở thành nỗi lo của không chỉ các nhà quản lý, giới chuyên môn, mà còn là nỗi băn khoăn của công chúng. Quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia luôn góp phần quan trọng trong việc khẳng định, định vị vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ góp phần từng bước kiến tạo một "thế giới phẳng", tạo điều kiện để người dân ở mọi vùng miền, mọi lãnh thổ tiếp cận thông tin thuận lợi, thụ hưởng các thành tựu xã hội trên nhiều lĩnh vực, và khoảng cách địa lý, thời gian,... như được thu hẹp. Trong bối cảnh đó, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần phải khẳng định một cách mạnh mẽ để không bị mai một bản sắc, hòa nhập chứ không hòa tan.

Hiện nay trong lĩnh vực văn học, sự phát triển đất nước đòi hỏi các tác giả phải không ngừng đổi mới quá trình nhận thức, cảm xúc, tư duy và sáng tạo để phản ánh hiện thực đất nước một cách sâu sắc, khám phá chiều sâu tinh thần của con người Việt Nam đang vươn mình để đồng hành cùng nhân loại, đồng thời luôn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, góp phần làm nên tính đặc thù, đóng góp những giá trị làm giàu cho văn học nhân loại... Ðáp ứng đòi hỏi tất yếu này, thông qua Trung tâm Dịch thuật, Hội Nhà văn đang xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch một số tác phẩm văn học trong nước ra các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, trong tiến trình đưa văn học Việt Nam ra khỏi biên giới, có thể xem "bức tường" ngôn ngữ là một trong những rào cản khó khăn nhất. Sau bốn kỳ Hội nghị, dường như trở ngại này vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả, vì khi trong nước còn thiếu dịch giả có khả năng chuyển ngữ tác phẩm văn học một cách tinh tế, chuyên nghiệp thì rất ít dịch giả nước ngoài tâm huyết với văn học Việt Nam, sẵn sàng làm cầu nối giữa văn học Việt Nam với văn học các nước trên thế giới. Ðơn cử tại Hàn Quốc, theo GS, TS dịch giả Ahn Kyong-hwan (An Ki-ong Hoan), dù quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc chính thức thiết lập từ năm 1992 nhưng giao lưu văn hóa giữa hai nước vẫn chưa xứng tầm. Trong lĩnh vực văn học, tính đến năm 2018 mới chỉ có 30 tác phẩm Việt Nam được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc.

Là đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ tư, dịch giả Lê Bá Thự đưa ra một thí dụ rất đáng để suy ngẫm: Năm 2017, ông tham dự Hội nghị quảng bá văn học Ba Lan tại thành phố Krakow (Cra-cốp) với sự tham gia của gần 200 dịch giả văn học Ba Lan đến từ khoảng 70 quốc gia. Ðiều đặc biệt là Hội nghị chỉ sử dụng duy nhất một thứ tiếng, đó là tiếng Ba Lan, vì tất cả những người tham dự đều thông thạo tiếng Ba Lan. Hội nghị có hơn 40 cuộc hội thảo chuyên đề nhằm trang bị cho dịch giả các nước thông tin, tình hình văn học Ba Lan đương đại, các nhà văn Ba Lan cũng đã trực tiếp giới thiệu với khách nước ngoài tác phẩm của mình... Việc dịch giả được cung cấp thông tin, kiến thức về văn học Ba Lan là một cách thức thiết thực giúp họ có thể hành nghề thuận lợi, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, hiện nay mỗi năm đã có hàng nghìn đầu sách văn học Ba Lan được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Từ trải nghiệm bổ ích đó, cảm nghĩ và nhận xét của dịch giả Lê Bá Thự về Hội nghị khiến người quan tâm không thể không suy nghĩ: "Hội nghị vẫn nặng hình thức, xã giao, lễ tân, tình hữu nghị mà không đi sâu bàn chuyên môn dịch thuật, chẳng hạn, cần có biện pháp gì, cần huy động những tổ chức nào, những lực lượng nào, những con người nào để làm tốt công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài... Các bài tham luận Hội nghị chủ yếu nói về những chuyện vĩ mô mà không bàn những vấn đề thiết thực, chuyện bếp núc của các dịch giả và đối tác trực tiếp làm công việc quảng bá này, chẳng hạn các NXB trong và ngoài nước, các "mạnh thường quân"... Chưa kể, trong thành phần khách tham dự Hội nghị, vẫn còn rất ít dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt, văn hóa Việt".

Thực tế để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới có hiệu quả như mong muốn, không thể chỉ coi đó là trách nhiệm riêng của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng không thể coi đây như hoạt động mang tính phong trào, "đến hẹn lại lên", mà phải trở thành một chủ trương lớn của Nhà nước, được triển khai theo một kế hoạch bài bản, có nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện. Không thể kêu gọi quảng bá nếu chúng ta chưa có chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ dịch giả (gồm dịch giả trong nước, dịch giả là người Việt Nam sống ở nước ngoài, dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt), cũng như không thể thiếu kinh phí đầu tư. Ghi nhận nỗ lực của Hội Nhà văn trong gần 20 năm đã tổ chức bốn hội nghị quảng bá văn học - một công việc không hề đơn giản, nhưng cũng cần thẳng thắn nhận xét rằng, tại các hội nghị, tỷ lệ đại biểu là dịch giả còn khá thấp, phần lớn đại biểu vẫn là người làm công việc sáng tác. Các hội nghị còn thiếu vắng đại diện các NXB có thiện chí với Việt Nam, sẵn sàng giới thiệu văn học Việt Nam; thiếu các hội thảo chuyên đề để "hiến kế" đưa văn học xuất ngoại...

Khi một chiến lược cấp quốc gia về quảng bá văn hóa Việt Nam với nhân loại được xây dựng và triển khai, Hội Nhà văn cần nỗ lực để trở thành đầu mối quan trọng về chuyên môn cũng như thực hiện việc kết nối, huy động đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực, huy động trí tuệ, tài năng của các cá nhân, tổ chức… Thời gian qua, bằng kết nối cá nhân, một số nhà văn, dịch giả và NXB đã giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Tiêu biểu có thể nhắc tới Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp, hay nỗ lực đưa sách Việt xuất ngoại của NXB Trẻ. Tuy nhiên, nếu có sự hợp tác, kết nối chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thì hoạt động quảng bá sẽ tránh bị chồng chéo, đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, việc quảng bá cũng cần quan tâm đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia, tránh việc chỉ giới thiệu các tác phẩm văn học một cách tuần tự, cứng nhắc theo từng giai đoạn lịch sử. Làm được điều này, với kho tàng văn học phong phú của mình, Việt Nam sẽ sớm trở thành một điểm đến ấn tượng trong hành trình khám phá các giá trị văn hóa nói chung và các giá trị văn học nói riêng của bạn bè quốc tế.

Thành Nam/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất