Rào cản ngôn ngữ vẫn còn là một thách thức lớn để văn học Việt Nam có thể bước ra thế giới.
Làm thế nào để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới vẫn luôn là trăn trở của nhiều thế hệ cầm bút và công chúng yêu văn chương. Nỗi niềm ấy đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giãi bày trong sự kiện Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba và Ngày thơ Việt Nam diễn ra trung tuần tháng 2 vừa qua.
PV: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế đã mở ra những cơ hội như thế nào đối với đời sống văn học Việt Nam?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Việt Nam chúng ta đã tổ chức thành công các lần Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế. Năm nay, đã có gần 200 nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị lần này gia tăng đáng kể là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc hội nhập, quảng bá văn học Việt Nam với thế giới đã nhận được sự hồi đáp tích cực của bạn bè quốc tế.
Sau 5 ngày tiến hành Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ tư và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3, bước đầu chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng. Thứ nhất là thông qua các buổi hội thảo, bạn bè quốc tế đã đóng góp với chúng ta rất nhiều sáng kiến để sắp tới chúng ta đẩy mạnh việc giới thiệu văn học Việt Nam một cách có hệ thống cơ bản và phong phú, đa dạng hơn, cập nhật với tình hình phát triển của văn học thế giới.
Thứ hai là chúng ta cũng đã tổ chức cuộc giao lưu rộng rãi giữa các nền thi ca trên thế giới với công chúng yêu thơ Việt Nam. Đây là cuộc giao lưu để học tập lẫn nhau, đồng thời để tiếp thu những tinh hoa văn hoá của thế giới, làm giàu nền văn chương của chúng ta. Đây không chỉ là cuộc giao lưu thơ, văn hoá với Việt Nam mà sự kiện này cũng là dịp để bạn bè quốc tế giao lưu với nhau, sự gặp gỡ giữa các chân trời văn học đã khiến cho Việt Nam trở thành điểm hội tụ của thơ ca thế giới trong năm vừa qua.
Trong dịp này, chúng tôi đã giới thiệu 4 ấn phẩm: khái quát “Mười thế kỷ văn học Việt Nam", tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai”, tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” và chuyên đề, chuyên san văn học "Nhà văn và tác phẩm" song ngữ Tiếng Việt và tiếng Anh được công chúng trong nước, quốc tế đón nhận nhiệt liệt. Nhiều học giả bày tỏ muốn dịch ngay tác phẩm để công chúng văn học, bạn đọc thế giới biết được tình hình văn học Việt Nam.
PV: Đó có phải là một trong những kế hoạch nhằm quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới của Hội Nhà văn Việt Nam?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Để có thể hiểu rõ căn cốt của nền văn hoá Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hoá của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hoá Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà văn với thế giới và nhân dân Việt Nam với thế giới.
PV: Chúng ta đã có những nỗ lực trong việc quảng bá văn học nước nhà trong thời gian qua, nhưng cho đến nay, các tác giả và tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều ở nước ngoài. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ngày nay văn học của Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới. Nhưng tại sao tác giả và tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn chưa đến gần được với đông đảo bạn đọc trên thế giới vẫn còn nhiều cái khó. Cái khó cố hữu là bức tường ngôn ngữ. Phương án lý tưởng là dịch trực tiếp từ Tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác. Công việc này cần có sự đào tạo công phu lâu dài. Tiếp theo đó là việc huy động các nguồn lực, sự đầu tư của nhà nước, sự huy động trí tuệ, tài năng của các chuyên gia bậc cao và cuối cùng còn phải tính đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia khác nhau. Tất cả liên quan đến một chiến lược văn hoá lâu dài. PV: Chúng ta có thể học tập được gì từ các bạn bè quốc tế hay không, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm của các bạn. Cụ thể chúng tôi dự kiến và sẽ trình Chính phủ một số đề án trung hạn và dài hạn trong đó có kế hoạch lựa chọn từ 50 đến 100 tác phẩm ưu tú nhất của nền văn học Việt Nam, từng bước giới thiệu qua Tiếng Anh rồi từ đó chuyển tiếp sang các ngôn ngữ khác.
Hiện nay, trong nước vẫn còn thiếu đội ngũ dịch giả có khả năng chuyển ngữ tác phẩm văn học một cách tinh tế, chuyên nghiệp. Vì vậy chúng ta cũng cần cần đào tạo những chuyên gia có trình độ chuyên sâu cao về nhiều ngôn ngữ trên thế giới để có thể dịch trực tiếp tiếng Việt ra tiếng nước đó. Dịch tác phẩm văn học khó vô cùng do đó phải có thời gian. Trong khi chờ đợi để chúng ta làm được như vậy thì cần có bước quá độ là dịch ra tiếng Anh trước. Song song với nó là phát triển đội ngũ những người yêu văn học Việt Nam ở các nước, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược quảng bá văn chương Việt Nam với thế giới.
PV: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, những tác phẩm văn học Việt Nam được lựa chọn để giới thiệu với độc giả quốc tế là những tác phẩm như thế nào?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó là những tác phẩm cổ điển, được thừa nhận qua thời gian và những tác phẩm hiện đại được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Với kho tàng văn học phong phú của nước nhà, chúng tôi không muốn chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hóa với thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh./.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (tên khai sinh Nguyễn Hữu Thỉnh), sinh năm 1942. Ông có bút danh Vũ Hữu. Hiện ông đang là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam./.
Theo VOV.VN