Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 16/6/2013 16:12'(GMT+7)

Đi tìm nguyên nhân của những vụ tai nạn kinh hoàng

Xe khách phóng nhanh vượt ẩu đã gây nên những vụ tai nạn thảm khốc trong thời gian gần đây. (Ảnh: TTXVN)

Xe khách phóng nhanh vượt ẩu đã gây nên những vụ tai nạn thảm khốc trong thời gian gần đây. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật xử lý vi phạm giao thông còn chưa nghiêm, ở một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng mãi lộ… Tai nạn giao thông chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi lại tái diễn.”

Theo dấu “thần chết”

Sau mỗi vụ tai nạn giao thông, cơ quan chức năng đều tiến hành giám định, “giải mã” các nguyên nhân “lưỡi hái thần chết” cướp đi sinh mạng của nhà xe và hành khách.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong các vụ tai nạn giao thông xe khách thảm khốc thì có đến 80% là do ý thức lái xe, với các lỗi vi phạm chủ yếu là lấn làn đường, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, xe bị mất phanh...  

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt (Bộ Công An) cũng cho thấy có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát.

Dẫn chứng thực tế qua hoạt động thanh tra thiết bị giám sát hành trình tại Quảng Ninh tháng Năm vừa qua, kiểm tra khoảng thiết bị hộp đen của 50 xe trong thời gian 10 ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.157 lỗi vi phạm về tốc độ, với tốc độ xe chạy lớn nhất là 126 km/ giờ (quy định tối đa là 80km/ giờ). Cá biệt, có trường hợp trong một ngày, lái xe khách vi phạm tốc độ tới 300 lần.

Đánh giá đến việc lái xe cố tình “đánh đu” tốc độ với “thần chết”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua.

Lý giải rõ hơn, ông Hiệp đưa ra nghiên cứu của các nước trên thế giới, tốc độ xe tăng cứ lên 10km/giờ thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, xe khách chạy với tốc độ 125km/giờ so với tốc độ cho phép là 70km/h thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần.

“Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu. Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách,” ông Hiệp khẳng định.

Bên cạnh đó, nhiều đại diện các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhận định, nguyên nhân tai nạn xe khách tăng một phần là do kết cấu hạ tầng vẫn còn chưa đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện trên đường.

Theo thừa nhận của ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - một trong 9 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao - hiện nay, Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước có lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông lớn. Các vụ tai nạn đều xảy ra ở các điểm đen.

“Vì thế, cơ quan chức năng cần có thống kê ngay điểm đen để gắn biển cảnh báo cho người tham gia giao thông, xây dựng mô hình điểm về an toàn giao thông,” ông Thắng kiến nghị.

Lái đường dài, sát hạch đường ngắn

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra những bất cập, các địa phương cần đi sâu vào kiểm tra thực trạng và xem xét lại một số khâu trong công tác tổ chức, đào tạo sát hạch lái xe.

Đồng tình quan điểm đó, ông Hiệp cũng nghi ngờ khi đặt ra câu hỏi, các cơ sở sát hạch học viên để lấy bằng hay để lái?

Giải thích rõ hơn, ông Hiệp thẳng thắn nói, các trung tâm đào tạo chủ yếu đầu tư vào sát hạch lái xe sa hình (có trong các trung tâm, cơ sở đào tạo) mà chưa sát hạch lái xe đường dài. Thậm chí, có trung tâm chỉ làm thủ tục sát hạch và nếu có sát hạch thì cũng chưa đủ quãng đường cho người lái đi thực tế.

Ngoài ra, ông Hiệp khẳng định, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và lực lượng tuần tra kiểm soát vi phạm đóng vai trò then chốt trong việc giảm tai nạn nghiêm trọng.

“Nếu tai nạn giao thông giảm thì có nguyên nhân từ tuần tra kiểm soát tốt, nếu tăng cũng có nguyên nhân từ công tác này không tốt. Bản thân Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò gần như quyết định của việc tai nạn tăng hay giảm trong điều kiện nước ta hiện nay,” ông Hiệp bày tỏ chính kiến.



Lực lượng Cảnh sát giao thông "bắn" tốc độ xe khách. (Ảnh: TTXVN)

Dẫu vậy, ông Hiệp cũng chỉ rõ những khó khăn bởi hiện nay, cảnh sát giao thông ít tuần tra kiểm tra ban đêm hơn ban ngày. Trong năm 2012, mỗi tháng, chiến sĩ cảnh sát giao thông chỉ được nghỉ một ngày. Mỗi ngày phải làm 12, 13 tiếng. Mặc dù, cảnh sát giao thông đã “bắn” tốc độ kiểm tra trên đường nhưng lực lượng rất mỏng và không thể nào đứng 24/24 giờ ở tất cả các vị trí trên các tuyến đường.

“Đây là vấn đề hết sức khó khăn và hiện nay lái xe rất biết cách lợi dụng những vị trí không có lực lượng kiểm soát để vi phạm. Thậm chí, nhiều lái xe còn tìm cách thông báo cho nhau vị trí của lực lượng kiểm soát để qua chốt dễ dàng, tránh bị xử phạt,” ông Hiệp nói.

Để chấn chỉnh lại tình hình an toàn giao thông, đảm bảo chỉ tiêu giảm 5-10% tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng địa phương phải rà soát lại các khâu yếu, các điểm đen và sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh và chỉ đạo thường xuyên.

“Các bộ ban ngành cần nghiêm khắc kiểm soát, phạt nặng nhất với lỗi vi phạm như giữ bằng lái, phương tiện. Xử lý cả lái xe và chủ phương tiện, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ép khách, vô trách nhiệm với lái xe, phóng nhanh vượt ẩu…,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Và những người chịu trách nhiệm giảm thiểu tai nạn giao thông vẫn canh cánh trong lòng về những con số cập nhật hằng ngày trong những số liệu thống kê người chết vì tai nạn giao thông chưa hề dừng lại. Chúng giống như những câu hỏi đầy nhức nhối mà mỗi hành khách ngồi xe đi trên đường chẳng biết đổ lỗi cho ai./.

Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất