Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Trưởng đoàn
thanh tra khẳng định: “Đến ngày hôm nay (14/6), Thanh tra Bộ đã đình
chỉ và thu hồi chứng nhận hợp quy 2 đơn vị sản xuất có nhiều sai phạm và
đang chờ xem xét một đơn vị giải trình.”
“Phù phép” dấu hợp quy
Với quyết định “thanh lọc” các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành
trình yếu kém, ngay trong tháng 6/2013, qua kiểm tra 7 trong tổng số 19
doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen tại các tỉnh phía Nam, ông Thạch
Như Sỹ khẳng định, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều thiết bị hộp đen
không đạt chuẩn.
“Qua kiểm tra 7 nhà cung cấp và các doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết
bị thì nổi cộm lên vấn đề nhiều thiết bị lỗi cổng kết nối, hiển thị tín
hiệu; thiết bị không có mục hướng dẫn nên lái xe không nắm được cách sử
dụng và truy nhập thông tin,” ông Sỹ khẳng định.
Tại bến xe Miền Đông, dù thời điểm thanh kiểm tra thiết bị lắp đặt trên
xe bắt đầu từ 14 giờ nhưng trước đó 1 tiếng đồng hồ, theo quan sát của
phóng viên Vietnam+, các đơn vị cung cấp hộp đen nằm trong diện
bị “sờ gáy” đã nhanh chân "điều động" nhân viên của hãng đến từng xe để
khắc phục, sửa chữa và bổ sung những sai sót của thiết bị hộp đen.
Trên mỗi xe, 2 đến 3 nhân viên của các đơn vị lắp đặt thiết bị hộp đen
đang hí hoáy đồ nghề lỉnh kỉnh đại tu lại cho chiếc “mắt thần” theo dõi
vi phạm của lái xe, phương tiện nhằm đưa thiết bị vào trạng thái sẵn
sàng hoạt động trước “giờ G” để lực lượng thanh kiểm tra.
Chỉ trong buổi chiều kiểm tra bến xe Miền Đông, với đầy đủ các doanh
nghiệp vận tải kinh doanh hợp tác xã, công ty lớn, đoàn kiểm tra đã phát
hiện thiết bị hộp đen của công ty VECOM (Vinh Hiển) gắn trên xe khách
biển kiểm soát 51B – 08567 do lái xe Đỗ Nhật Hoàng của Công ty Phương
Trang điều khiển không trích xuất được đầy đủ thông tin dữ liệu theo quy
định, không niêm yết hướng dẫn sử dụng trên xe. Thậm chí, thiết bị này
cũng được lắp rất sâu trong táp - lô, nhân viên kỹ thuật phải dùng khoan
mở nắp mới kiểm tra được.
Kiểm tra ngẫu nhiên xe 79N – 0266 đơn vị vận tải Cúc Tùng cũng lắp thiết
bị hộp đen của nhà cung cấp VECOM (Vinh Hiển), qua quan sát cho thấy,
cổng kết nối máy in không đạt theo quy chuẩn, hộp đen giấu sâu trong xe
chỉ “lòi” mỗi đèn báo hiệu hoạt động. Cổng trích xuất số liệu lắp đặt
sâu bên trong, cơ quan chức năng muốn kiểm tra in ấn phải tháo táp lô
mới chiết xuất được.
Trước đó, ngày 12/6 vừa qua, tại bến xe miền Tây, thanh tra Bộ Giao
thông kiểm tra các thiết bị của công ty này có cổng máy in không đúng
theo quy chuẩn.
Cũng qua đợt “sờ gáy” đơn vị cung cấp, lắp đặt hộp đen, theo ông Sỹ, lực
lượng Thanh tra Bộ Giao thông đã “lật tẩy” hàng loạt “mánh” của các nhà
sản xuất bằng cách “phù phép” giấy chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa
đảo và không trung thực với khách hàng.
Dẫn chứng, đoàn thanh tra Bộ đã phát hiện thiết bị của Công ty Cổ phần
công nghệ thông tin C.S.S.E (Đà Nẵng), Công ty Trách nhiệm hữu hạn
thương mại dịch vụ Xuân Phi (Thành phố Hồ Chí Minh) có các sản phẩm hộp
đen thiếu chứng nhận hợp quy, không đáp ứng được các tiêu chí theo quy
định của Bộ Giao thông Vận tải như: thiếu thiết bị in, không có đèn báo,
quy trình dây chuyền sản xuất thiết bị không đảm bảo…
Thậm chí, thiết bị của hai công ty C.S.S.E và Xuân Phi không sản xuất
theo mẫu đăng ký với Bộ Giao thông nhưng nhà sản xuất lại cấp cho khách
hàng giấy chứng nhận hợp quy để hợp thức hóa các thiết bị.
“Cá biệt, thiết bị của hai đơn vị cung cấp trên không đăng ký theo mẫu
của Bộ Giao thông và tự cấp giấy chứng nhận hợp quy để doanh nghiệp vận
tải lắp đặt yên tâm về sản phẩm đạt chuẩn và sử dụng giấy chứng nhận để
xin cấp giấy phép vận tải. Thậm chí, nhà sản xuất nhập khẩu thiết bị đã
tự ý ‘chế’ để ‘đội lốt’ thiết bị được sản xuất lắp ráp trong nước,” ông
Sỹ thừa nhận.
Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng nêu thêm hàng loạt sai phạm của một trường hợp khác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn viễn thông TÍT.
Qua công tác thanh tra hộp đen trên xe ôtô, đoàn kiểm tra đã phát hiện
nhiều dấu hiệu vi phạm của TÍT như: không sản xuất thiết bị hộp đen mà
mua một loại sản xuất 2 cục nhưng "cắt xén" bán cho các doanh nghiệp vận
tải sản phẩm chỉ có 1 cục.
“Tuy nhiên, đơn vị này xin Thanh tra Bộ cho thêm thời gian để giải trình và sau 1 tuần sẽ có kết quả,” ông Sỹ cho biết.
Thu hồi giấy phép
Khẳng định trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp thiết
bị chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng, đại diện
các đơn vị sản xuất hộp đen bày tỏ quan điểm, cần loại bỏ bớt những nhà
cung cấp thiết bị giám sát hành trình không tốt đồng thời loại bớt ‘cò’
trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình
Ông Võ Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần điện tử viễn thống Ánh Dương
(Adsun) cho rằng, qua công tác thanh kiểm tra thiết bị giám sát hành
trình, cơ quan chức năng sẽ rà soát nhà cung cấp sản phẩm không đạt chất
lượng đồng thời người sử dụng cũng “sàng lọc” nhà sản xuất lỗi, vi
phạm.
“Thiết bị hộp đen có giá từ 2,5 – 3 triệu đồng/chiếc như ‘mắt thần’ giám
sát vi phạm của người lái xe nhưng cũng tạo sự quản lý dễ dàng cho
doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ này thực
sự là một sứ mệnh vô cùng to lớn,” ông Quang bộc bạch.
Sau khi kiểm tra sơ bộ công tác thanh tra 7/19 đơn vị cung cấp và lắp
đặt hộp đen tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thạch Như Sỹ khẳng định:
“Thanh tra Bộ đã thu hồi giấy chứng nhận của 2 đơn vị sản xuất cung ứng
hộp đen là C.S.S.E và Xuân Phi đồng thời chờ đơn vị TÍT giải trình các
vi phạm và xem xét biện pháp xử lý.”
Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng hộp đen còn vướng các lỗi, ông Sỹ
cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cho thời hạn 3 tháng để khắc phục, nếu
không hoàn thành Bộ sẽ thu hồi giấy phép.
Theo ông Sỹ, các doanh nghiệp vận tải lắp đặt đã nhận thức được tầm quan
trọng của hộp đen và đòi hỏi nhà cung cấp được lắp đặt thiết bị theo
đúng quy chuẩn.
“Đã có nhà sản xuất phải bỏ ra vài tỷ đồng để khắc phục những lỗi sản
phẩm hộp đen. Điều đó cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất và cung cấp
trong việc nâng cao tính cạnh tranh chất lượng dịch vụ,” ông Sỹ đưa ra
dẫn chứng thực tế.
Bên cạnh đó, ông Sỹ cũng cho hay, sau đợt kiểm tra này, Thanh tra Bộ sẽ
kiến nghị lên Bộ Giao thông công khai danh tính các nhà cung cấp uy tín
để các doanh nghiệp vận tải biết đồng thời phân loại nhà các đơn vị sản
xuất hộp đen.
“Đơn vị sản xuất cung cấp chưa chuẩn thì doanh nhiệp vận tải nên báo cáo
thông tin lên Bộ Giao thông để có hướng xử lý,” ông Sỹ nêu rõ.
Đề cập đến tình trạng nhiều thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt
bên trong táp - lô xe khách hoặc nhiều vị trí khác nhau, khó kiểm tra.
Hơn nữa, thiết bị có phát ra âm thanh cảnh báo đi vượt tốc độ hoặc sai
làn đường, lái xe cũng rất khó nghe thấy, ông Sỹ cho rằng, qua đợt kiểm
tra này, thanh tra Bộ sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy định thống
nhất vị trí lắp đặt thiết bị trên xe để thuận lợi trong sử dụng, kiểm
tra cũng như bảo dưỡng.
Ngoài ra, ông Sỹ cũng dẫn giải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có
văn bản yêu cầu các Sở Giao thông tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp
vận tải để khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo
các Sở Giao thông địa phương mua sắm các thiết bị như máy vi tính, máy
in cầm tay, tổ chức tập huấn cho lực lượng Thanh tra giao thông để có đủ
điều kiện năng lực xử lý vi phạm về lắp đặt thiết bị hộp đen.
“Như vậy, Bộ trưởng Bộ Giao thông đã thể hiện chính kiến của mình là
kiên quyết chỉ đạo xử lý vi phạm về hành vi này theo đúng quy định của
Nghị định 71 và sẽ xử phạt vào ngày 1/7,” ông Sỹ cho hay.
Để chuẩn bị tốt cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ông Sỹ tiết lộ,
qua ngày 20/6 tới đây, Bộ Giao thông sẽ mở lớp tập huấn cho lực lượng
Thanh tra giao thông hai miền Bắc – Nam để biết cách kiểm tra thiết bị,
lấy thông tin dữ liệu và các thông số theo dõi vi phạm./.
Trước đó, Bộ Giao thông đã thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn của 3 công
ty sản xuất cung cấp thiết bị có nhiều sai phạm là: Tân Á Châu, Sao
Việt, Vạn Xuân.
Tính đến ngày 14/6, Bộ Giao thông đã thu hồi giấy phép chứng nhận của 5
đơn vị sản xuất hộp đen và đang chờ 1 đơn vị giải trình xem xét và đưa
ra quyết định.
VietNam +