Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 27/7/2011 23:32'(GMT+7)

Dịch bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở người lớn

 Những địa phương có số ca mắc nhiều là Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong cao nhất với 21 ca.

Dịch bệnh đã lan sang người lớn


Hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng không chỉ bùng phát ở trẻ nhỏ, mà đã xuất hiện trường hợp người lớn bị nhiễm bệnh này.

Ngày 27/7, Ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, tại tỉnh Vĩnh Long và Thanh Hóa đã ghi nhận có vài trường hợp người lớn mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp trên mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở hai địa phương và mới chỉ ở thể nhẹ, chưa đáng lo ngại như tại trẻ em, tuy nhiên người lớn không được chủ quan và cũng phải thực hiện các biện pháp dự phòng.

Theo ông Dương, hiện nay tại các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc Singapore, Brunei, Đài Loan, Nhật Bản, dịch tay chân miệng cũng đang phát triển và có những diễn biến phức tạp. Song chủng của nó vẫn là chủng cũ, tác nhân gây bệnh vẫn là do virus Cosackievirus A (thường gặp A16), Coxsackievirus B; Echovirus; Enterovirus (thường gặp E70, E68 hoặc CV-B2 các virus này thuộc họ Picornaviridae.

Còn tại Việt Nam, ông Dương cho biết, trong hai ba tuần trở lại đây, tình hình dịch đã lắng xuống, tuy nhiên cũng không dự báo được dịch có bùng phát nữa hay không, bởi tác nhân gây bệnh là virus nên rất khó ngăn cản và hạn chế.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện tại, thầy thuốc chỉ có thể điều trị triệu chứng: theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực biến chứng. Do vậy, để ngăn chặn, phòng tránh bệnh lây truyền, người dân cần thực hiện biện pháp chính là phòng bệnh.

Người lớn không nên “lơ là” dự phòng

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm – trưởng khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương đưa ra đánh giá, các trường hợp người lớn bị tay chân miệng thường là do lây bệnh từ trẻ nhỏ qua việc chăm sóc trực tiếp.

Ông Lâm dẫn chứng, điển hình như tại tỉnh Thanh Hóa đã có ba trường hợp người lớn đang nghi ngờ mắc dịch tay chân miệng. Ba trường hợp trên đều là nam giới, là người nhà của bệnh nhân nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Nguyên nhân mắc bệnh được xác định là do người bệnh sống cùng và trực tiếp chăm sóc cho người nhà bị nhiễm tay chân miệng. Ba trường hợp nghi ngờ tại tỉnh Thanh Hóa đã vào viện từ tuần trước.

Theo ông Lâm, trường hợp người lớn bị mắc bệnh này đều có những tổn thương giống như tổn thương cơ bản của bệnh nhân chân tay miệng là trẻ em. Đó là các triệu chứng như: sốt, đau người, tổn thương phỏng ở gan bàn chân, bàn tay, bị loét miệng.

Bác sỹ Lâm giải thích, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh tay chân miệng hơn do trẻ chưa có ý thức để thực hiện vệ sinh và thực hiện những biện pháp phòng chống. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu hơn và việc trẻ hay tụ tập ở nơi đông như nhà trẻ, trường học khiến cho việc lây bệnh nhanh và mạnh hơn.

Đối với người lớn, do sức đề kháng tốt hơn nên có ít trường hợp mắc dịch. Họ cũng có ý thức hơn trong việc vệ sinh phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nói chung và tay chân miệng nói riêng. Tuy nhiên, có nhiều người lớn bị suy giảm miễn dịch như người nghiện rượu, tiểu đường, mắc bệnh mãn tính... dẫn tới giảm miễn dịch nên dễ bị cảm nhiễm, từ đó có nguy cơ cao bị nhiễm dịch.

Vì vậy bác sỹ Lâm khuyến cáo các bậc cha mẹ khi chăm sóc con bị bệnh tay chân miệng cần vệ sinh tay thường xuyên khi chăm trẻ để tránh vi khuẩn lây vào miệng, không ăn sống, cần uống nước sôi, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với phân, chất nôn của trẻ cần vệ sinh kỹ lưỡng.

Phụ huynh của trẻ khi phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay các bác sỹ chuyên khoa khám và chẩn đoán sớm./.

Thùy Giang (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất